“Soi” lợi nhuận các doanh nghiệp họ cảng

Theo Đình Đại/diendandoanhnghiep.vn

Năm 2021, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm cảng biển vẫn tăng trưởng ấn tượng, trong bối cảnh khó khăn và thách thức chồng chất do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Kết thúc năm 2021, cảng Đình Vũ đã hoàn thành vượt 11,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Kết thúc năm 2021, cảng Đình Vũ đã hoàn thành vượt 11,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Họ cảng biển lãi tăng bằng lần

Cụ thể, Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu thuần đạt 1.038 tỷ đồng, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm 2020. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về lợi nhuận gộp tăng hơn 2 lần cùng kỳ với 303 tỷ đồng. Trong kỳ, các chi phí được tiết giảm. Theo đó, lợi nhuận ròng quý IV đạt gần 190 tỷ, gấp gần 4 lần lợi nhuận đạt được của quý IV/2020.

Lũy kế cả năm 2021, GMD mang về hơn 3.205 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 721tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 23% và 64% so với kết quả của năm 2020. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác cảng đạt hơn 2.762 tỷ đồng, chiếm 86,2% tổng doanh thu; còn lại 442,5 tỷ đồng (chiếm 13,8%) là doanh thu hoạt động logistics, cho thuê văn phòng khác.

Theo GMD, tổng sản lượng khai thác cảng Công ty ước đạt 2,7 triệu Teu, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ. Trong đó, khối cảng Gemadept Miền Bắc và miền Trung tăng trưởng lần lượt 16% và 13% so với cùng kỳ; đặc biệt siêu cảng nước sâu Gemalink tuy chỉ mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 1 năm 2021 nhưng đã góp phần nâng cao gấp đôi sản lượng của khối cảng Gemadept tại Miền Nam và đóng góp hơn 15% thị phần khu vực cụm cảng Cái Mép.

Hệ thống logistics cũng đồng thời ghi nhận đà tăng trưởng rất tích cực, duy trì vị thế top 4 nhà vận tải biển nội địa hàng đầu cả nước và top 2 thị phần vận tải đường sông trên các tuyến huyết mạch Việt Nam - Campuchia và nội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến cuối năm, tổng tài sản của GMD đạt 10.737,5 tỷ đồng, tăng 9,2% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 49% lên 637,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 27,7% lên 436,8 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng xấp xỉ 14% lên 3.692,1 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 860,4 tỷ đồng và 1.061 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn 653,8 tỷ đồng. EPS đạt 1.846 đồng.

Tương tự Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (HoSE: DVP) với doanh thu quý IV/2021 đạt hơn 153 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Chi phí giá vốn tiết giảm hơn 9% xuống còn 88,9 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về đạt 64,5 tỷ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 42%, trong khi quý IV/2020 đạt 29,9%.

Trong quý, doanh thu tài chính sụt giảm 1,2 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28,6% so với cùng kỳ, lên 17,4 tỷ đồng. Những nguyên nhân trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 58,6 tỷ đồng, vẫn tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế cả năm 2021, DVP đạt 608,6 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,4% so với năm 2020, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn là 7,6% dẫn đến lợi nhuận gộp còn 319,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 52,5%.

Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt trên 277 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm trước đó. Năm 2021, DVP đặt mục tiêu lãi trước thuế 305 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm 2021 doanh nghiệp đã hoàn thành vượt 11,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Một doanh nghiệp họ cảng khác là Công ty CP Cảng Sài Gòn (UpCOM: SGP) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong quý IV/2021, nhờ hiệu quả hoạt động kinh doanh chính gia tăng và khoản lãi đột biến từ liên doanh, liên kết.

Cụ thể, Công ty đạt doanh thu thuần gần 377 tỷ đồng, tăng 55,7% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng hiệu quả hơn, giá vốn tăng ít hơn, giúp lợi nhuận gộp đạt 173 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý IV/2020.

Đóng góp đáng kể nhất vào lợi nhuận của SGP phải kể đến phần lợi nhuận từ hoạt động liên doanh, liên kết khi báo lãi tới hơn 472 tỷ đồng, cao gấp 21 lần quý IV/2020, chủ yếu từ Công ty TNHH Cảng quốc tế SP-SPA (SP-SPA) tăng lợi nhuận 463 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Với sự đột biến từ liên doanh, liên kết, SGP đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 597 tỷ đồng trong quý IV/2021, cao gấp 5,4 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 893 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần năm 2020, trong khi doanh thu thuần cả năm đạt 1.372 tỷ đồng, tăng 46%.

Đáng chú ý, với việc lãi đột biến trong năm 2021, SGP đã kết thúc giai đoạn lỗ lũy kế kéo dài nhiều năm và bắt đầu có thặng dư lợi nhuận, mở ra triển vọng tích cực hơn về các khả năng chi trả cổ tức cho cổ đông trong thời gian tới.

Báo cáo triển vọng ngành cảng biển năm 2022 của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BSC) chỉ ra sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong năm 2021 đạt 24 triệu TEU nhờ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu giữa các nước được gỡ bỏ hạn chế giúp hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam thuận lợi.

Triển vọng 2022: Tăng trưởng từ nền so sánh thấp

Trong năm 2022, BSC kỳ vọng sản lượng hàng hóa thông qua sẽ tăng ở mức 10%, đạt 26,4 triệu TEU nhờ giao thương quốc tế tăng trưởng cùng với sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, tình trạng gián đoạn logistics sẽ được cải thiện do dịch bệnh toàn cầu được kiểm soát và vấn đề thiếu hụt container được giải quyết vào giữa cuối năm 2022.

Theo đó, lợi nhuận các doanh nghiệp cảng được kỳ vọng tăng 24% nhờ hoạt động giao thương xuất nhập khẩu sôi động giúp sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tăng khoảng 6 -27%. Do đó, BSC cho rằng ngành cảng biển năm 2022 sẽ có nhiều khả quan nhờ tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao do sự hồi phục chung toàn ngành và cải thiện hiệu suất ở các cảng.

Tuy nhiên, theo Chứng khoán VCBS, ngành cảng biển ở giai đoạn cuối quý IV/2021 - đầu quý I/2022 sẽ bước qua chặng cao điểm vận tải hàng hóa đường biển phục vụ nhu cầu mua sắm vào các dịp lễ cuỗi năm tại những thị trường tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, cần thêm một khoảng thời gian để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại lực lượng lao động và ổn định lại sản xuất khi: (1) Một bộ phận không nhỏ lao động đã trở về quê hương trong giai đoạn dịch bệnh và nhiều khả năng chỉ quay trở lại sau dịp Tết Nguyên Đán; (2) Với việc cơ hội việc làm tại các vùng quê không còn quá khó khăn, dự kiến sẽ xuất hiện quá trình tái phân bổ lao động giữa các khu vực sản xuất; (3) Các lao động mới cần thêm thời gian đào tạo và làm quen với hoạt động sản xuất. 

Điều đó đồng nghĩa doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển giai đoạn này chậm lại, có thể phản ánh vào kết quả kinh doanh ở quý I/2022.

Ngoài ra, ở từng khu vực, VCBS cũng có những lưu ý. Chẳng hạn như theo CTCK này, Cảng Cái Mép sẽ xuất hiện tình trạng đối mặt với việc quá tải công suất gay gắt trong giai đoạn 2022 - đầu 2023 khi: (1) Cảng Gemalink giai đoạn 1 đã vận hành ở mức 90% công suất thiết kế từ Q4.2021; (2) Giai đoạn 2 cảng Gemalink chưa đi vào hoạt động. Nhu cầu phục vụ hàng hóa tăng mạnh tại khu vực Cái Mép trong khi phần lớn cảng biển trong Hệ thống cảng nước sâu tại hạ nguồn Cái Mép khu vực về cơ bản đã đạt mức công suất thiết kế. Đặc điểm hệ thống cảng hạ nguồn Cái Mép tạo thế độc quyền nhóm với chỉ 3 đơn vị phát triển chính (Tân Cảng, Vinalines và Gemadept) và thường có sở hữu liên doanh của các hãng tàu lớn. Do vậy áp lực hoạt động vượt công suất thiết kế tại các cảng vẫn hiện hữu khi các hãng tàu ưu tiên sử dụng dịch vụ của các cảng có quan hệ lợi ích.

Một thông tin khác sẽ liên quan đến hệ thống cảng ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, là từ ngày 1/4/2022, Thành phố triển khai hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên môi trường thật - không thu phí. Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container; mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh , việc thu phí nói trên là để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.

Hiện chưa thể đánh giá thông tin và kế hoạch này có tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh, vận hành của hệ thống cảng biển có kết nối đến các công trình thu phí trên địa bàn, song chắc chắn sẽ có tác động ở mức độ nhất định. Được biết, theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP. Hồ Chí Minh, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển. Việc cải thiện hạ tầng vào cảng sẽ góp phần giải quyết ùn tắc ở cảng, giảm áp lực cho giao thông khu vực các tuyến đường vốn đang quá tải... 

Nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đang kỳ vọng nguồn thu phí cảng biển rất lớn nếu được quản lý minh bạch, sử dụng hợp lý để đầu tư phát triển cải tạo hạ tầng, thì lợi ích lâu dài cũng sẽ thuộc về chính các doanh nghiệp cảng biển.