Ngân hàng “đổ bộ” vào lĩnh vực bán lẻ

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Xu hướng bán lẻ đang hình thành ở hệ thống ngân hàng mà bằng chứng là doanh số bán lẻ của các tổ chức tín dụng không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Nhiều ngân hàng đang tập trung "đổ bộ” vào lĩnh vực bán lẻ và người dân sẽ ngày càng dễ tiếp cận dịch vụ tín dụng qua các hình thức này.

Giao dịch qua thẻ đang gia tăng. Nguồn: internet
Giao dịch qua thẻ đang gia tăng. Nguồn: internet
Tỷ suất lợi nhuận giảm, chi phí kinh doanh cao, môi trường đầu tư cạnh tranh khốc liệt… làm hệ thống ngân hàng có phần bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đã tạo ra tiềm năng cho hoạt động của các ngân hàng bán lẻ.

 Ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản, ngân hàng HSBC (Việt Nam) cho rằng, phát triển ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là một cơ hội lớn cho các ngân hàng khi Việt Nam là nước có dân số đông, trên 90 triệu người, trong khi đó thu nhập của người dân ngày càng tăng.

Ông Lê Công, Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho rằng các ngân hàng trong một thời gian dài chú trọng  tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực đem lại lợi nhuận dễ dàng và nhanh chóng như bất động sản, chứng khoán... mà lơ là phát triển lĩnh vực bán lẻ là nơi đem lại sự phát triển ổn định. "Hiện nay chỉ có khoảng 30% số lượng người dân tiếp cận được dịch vụ ngân hàng, 70% còn lại đang bị bỏ trống cho nên sân chơi còn rất rộng”, Lê Công khẳng định. 

Xu hướng bán lẻ đang hình thành ở hệ thống ngân hàng mà bằng chứng là doanh số bán lẻ của các ngân hàng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên theo đánh giá của các lãnh đạo ngân hàng, mặc dù cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam là rất lớn nhưng ngân hàng Việt Nam vẫn chậm "di chuyển” theo hướng này. Bởi sản phẩm ngân hàng của Việt Nam là gần như giống nhau, quá truyền thống và không tạo được sự khác biệt để thu hút khách hàng. Trong khi đó, nắm bắt cơ hội này một số ngân hàng nước ngoài đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật bằng cách "đổ bộ” vào thị trường bán lẻ Việt Nam với doanh số tăng cao như: Techcombank, ANZ…

Tính đến tháng 6/2013, cả nước đạt gần 55 triệu thẻ, mạng lưới thanh toán rộng khắp với hơn 16.000 ATM và hàng trăm nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink dự báo, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ngày càng giảm, sắp tới sẽ có nhiều loại hình giao dịch bằng thẻ phát triển mạnh. Đơn cử, năm 2004 tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt chiếm khoảng 20,3% nhưng đến năm 2013 tỷ lệ này chỉ còn khoảng 12%. 

Bên cạnh đó thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam có khoảng 33 triệu người dùng internet, trong đó hơn 70% trong số đó thực hiện giao dịch thương mại điện tử. Cùng với đó việc sử dụng thiết bị di động thực hiện các giao dịch thanh toán với ngân hàng phát triển rất mạnh. 

Cơ hội phát triển ngân hàng bán lẻ đang nở rộ, song để những loại hình này hoạt động thuận lợi và lành mạnh với phương thức mới, các chuyên gia cho rằng, rất cần chính sách hỗ trợ và chế tài của Chính phủ.