Sự kiện kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 21 - 26/3/2016

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Dự báo trong năm 2016:

- Malaysia:

+ Tăng trưởng GDP sẽ ở mức 4 - 4,5%, thấp hơn mức 5% của năm 2015.

+ Lạm phát tăng lên mức 2,5 - 3,5% so với 2,1% trong năm 2015.

(Theo NHTW Malaysia ngày 23/3)

- Indonesia:

+ GDP dự báo sẽ tăng từ 4,76% năm 2015 lên 4,9% trong năm 2016 và 5,1% năm 2017, tuy nhiên vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra của Chính phủ Indonesia là 5,3%.

+ Tỷ lệ lạm phát ở mức 5% cả năm 2016, cao hơn mục tiêu 4,7% của Chính phủ.

(Theo HãngXếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's - S&P)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Đã chứng kiến tuần giảm điểm đầu tiên sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp khi kết thúc phiên giao dịch ngày 24/3, sau thông tin về nền kinh tế Hoa Kỳ có những tín hiệu kém lạc quan, bao gồm lượng đơn đặt hàng dài hạn tháng 02/2016 giảm và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 19/3 tăng nhẹ. Tính chung cả tuần (21 - 25/3/2016), 3 chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm, với mức giảm lần lượt là 0,48%; 0,67% và 0,45%.

Chứng khoán châu Á: Trong tuần qua, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm, do giá dầu giảm làm gia tăng lo ngại về tình trạng dầu dư cung; thông tin về các cuộc tấn công đánh bom tự sát tại Brussels (Bỉ) và nhóm cổ phiếu ngành năng lượng tiếp tục giảm giá. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,75%, xuống 127,88 điểm. Tại các thị trường chính:

- Hang Seng (Hong Kong) giảm 2,9%, xuống 25.083,93 điểm;

- Kospi (Hàn Quốc) giảm 1,19%, xuống 1.983,981 điểm;

- S&P/ASX 200 (Australia) giảm 3,05%, xuống 5.084,21 điểm;

- Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,67%, lên 17.002,75 điểm;

- Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,85%, lên 2.979,43 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 01/2016, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã tăng lên 1,55 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014, tăng 9,2% so với tháng 12/2015.Sản lượng khai thác trong tháng 01/2016 đã vượt mức 3,37 triệu thùng dầu/ngày. (Theo Bloomberg)

Ngày 20/3, Iraq đã xuất khẩu lô khí đốt tự nhiên đầu tiên với hơn 280m3 khí đốt tự nhiên dưới dạng cô đặc. Số khí đốt này do Công ty Basra Gas phối hợp với Tập đoàn Shell của Hà Lan và Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản khai thác sản xuất.Iraq hiện có trữ lượng 3.130 tỷ m3 khí đốt tự nhiên.

(Theo Bộ Dầu mỏ Iraq)

Tính chung tuần từ 21 - 25/3/2016, giá dầu WTI đã giảm 3,8% và Brent giảm 1,9%, do lượng dầu lưu kho của Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 18/3 tăng 9,4 triệu thùng, lên 532,5 triệu thùng, ghi nhận mức cao kỷ lục tuần thứ 6 liên và cao gấp 3 lần so với dự đoán tăng 3,1 triệu thùng của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters.

Châu Á

ASEAN

EU sẽ hỗ trợ khoảng 50 triệu EUR cho ASEAN để củng cố hội nhập và tạo thuận lợi thương mại. Trong vòng 4 - 5 năm tới, EU cũng sẽ đưa ra các khoản tài trợ mới để hỗ trợ hoạt động của Ban Thư ký ASEAN. Các khoản tài trợ của EU nhằm mục đích hỗ trợ cho tiến trình hội nhập của ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, thương mại, môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. (Theo Đại sứ EU tại ASEAN Francisco Fontan Pardo ngày 22/3)

Philippines

ADB đã thông qua khoản vay 123 triệu USD cho Philippines để thiết kế và xây dựng một đường hầm dẫn nước dài 6 km mới nối đập Angat ở tỉnh Bulacan với hệ thống cấp nước của Thủ đô Manila nhằm giảm bớt nguy cơ thiếu nước do nhu cầu ngày càng cao của Manila.Từ năm 1974, ADB đã tài trợ cho 10 dự án nước ở Manila, trong đó có 3 dự án dành cho cho hệ thống cấp nước Angat. (Theo ADB ngày 21/3)

Indonesia

Các cơ quan chính phủ và các công ty nhà nước sẽ mua vào 500.000 tấn cao su để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất cao su trong nước do giá cao su đang xuống thấp. Chính phủ cũng sẽ cấp mới các khoản vay ưu đãi cho nông dân để trồng lại 1 triệu hecta cao su trong giai đoạn 2016 - 2019. Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới nhưng giá cao su chạm mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua vào tháng 02/2016, do tình trạng dư thừa nguồn cung kéo dài và nhu cầu tăng chậm ở Trung Quốc. (Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman ngày 24/3)

Châu Âu

Eurozone

Kế hoạch mua trái phiếu doanh nghiệp của ECB nhằm hỗ trợ nền kinh tế Eurozone đang “hâm nóng” thị trường trái phiếu doanh nghiệp tư nhân, với các đợt phát hành có quy mô lớn kỷ lục.

- Tập đoàn sản xuất bia Anheuser-Busch InBev (Bỉ) sẽ phát hành lượng trái phiếu trị giá 13,25 tỷ EUR.

- Hãng Viễn thông Deutsche Telekom (Đức) sẽ trở lại thị trường lần đầu tiên kể từ năm 2013 với lượng phát hành trị giá 4,5 tỷ EUR..

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang trong xu thế giảm: Lãi suất trái phiếu của Tập đoàn Thực phẩm Danone (Pháp) đáo hạn vào năm 2020, giảm từ 0,39% xuống 0,25%; lãi suất trái phiếu của Tập đoàn Siemens (Đức) đáo hạn vào năm 2021, giảm từ 0,3% xuống 0,25%.

Anh

Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) sẽ khiến sản lượng kinh tế của Anh có nguy cơ tổn thất khoảng 100 tỷ GBP (145 tỷ USD) trong năm 2020, tương đương 5% GDP hàng năm. Việc rời khỏi EU cũng khiến Anh mất 950.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2020 sẽ cao hơn 2 - 3% so với việc ở lại EU. (Theo Liên đoàn Công nghiệp Anh - CBI 9 ngày 20/3)

Tây Ban Nha

Nước này đã thu hút được 21,7 tỷ EUR (24,4 tỷ USD) vốn FDI trong năm 2015, tăng 10,9% so với năm 2014. Trong đó, vốn FDI tăng 44% trong 3 quý đầu năm; sau đó lại giảm 34,8% trong quý 4/2016 so với cùng kỳ năm 2014; riêng trong tháng 12/2015, FDI giảm mạnh ở mức 49,1% so với cùng kỳ năm 2014, xuống 2,678 tỷ EUR, do nhiều quyết định đầu tư bị hoãn lại bởi sự bất ổn chính trị tại nước này.

(Theo Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Jaime Garcia-Legaz)

Nga

Năm 2015, do Nga đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, đã khiến cho số người có mức sống dưới 9.452 ruble (khoảng 139 USD/tháng) của nước này tăng lên 19,2 triệu người (chiếm 13,4% dân số cả nước), tăng 20% so với năm 2014. Đây là mức sống tối thiểu đã được Chính phủ Nga công bố trong quý 4/2015.

(Theo số liệu thống kê quốc gia Nga ngày 21/3)

Châu Mỹ

Canada

Ngày 22/3, Bộ Tài chính Canada đã công bố dự thảo ngân sách liên bang với mức thâm hụt dự kiến lên tới 29 tỷ CAD (22 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Ngân sách mới sẽ tập trung vào việc tạo 100.000 việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các gia đình, sinh viên, người già thu nhập thấp, người thất nghiệp và người sắc tộc bản địa.Dự kiến chương trình trên sẽ giúp thúc đẩy kinh tế Canada tăng trưởng thêm 0,5% trong năm tài chính 2016 - 2017 và 1% trong năm tài khóa 2017 - 2018.

Theo kế hoạch ngân sách liên bang 5 năm 2016 - 2020, thâm hụt ngân sách trong các năm tài chính tiếp theo sẽ lần lượt ở mức 29 tỷ CAD (2017 - 2018); 22,8 tỷ CAD (2018 - 2019); 17,7 tỷ CAD (2019 - 2020).

BRICS

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của các nước BRICS sẽ phát hành trái phiếu đầu tiên bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc với trị giá 1 tỷ USD.

Theo Bộ Tài chính Nam Phi, nguồn vốn trên sẽ được sử dụng cho các dự án hạ tầng của các nước thành viên và mỗi dự án được đầu tư ít nhất là 100 triệu USD.

Trung Quốc

Năm 2015, mức lợi nhuận ròng của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) - công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc - chỉ còn 35,5 tỷ NDT (5,46 tỷ USD), giảm 70% so với lợi nhuận 107,17 tỷ NDT năm 2014, là mức lợi nhuận thấp nhất của PetroChina kể từ năm 2009 trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. (Theo Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - PetroChina ngày 23/3)

Đàm phán - Ký kết

Hoa Kỳ và Cuba

Ngày 22/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Cuba Gustavo Rodríguez Rollero và Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack đã ký Bản ghi nhớ hợp tác song phương về nông nghiệp và một số lĩnh vực liên quan. Văn bản này bao gồm quy định nhằm hỗ trợ hợp tác song phương, thúc đẩy thương mại nông sản, nâng cao năng suất nông nghiệp, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng như tạo điều kiện hợp tác trong các lĩnh vực khác liên quan tới nông nghiệp và lương thực.

Giá trị xuất khẩu lương thực của Hoa Kỳ sang Cuba đạt giá trị kỷ lục 710 triệu USD năm 2008, sau đó sụt giảm dần xuống còn 291 triệu USD năm 2014 và giảm tiếp 40% trong năm 2015.

Cuba và Hà Lan

Ngày 23/3, đại diện Chính phủ Cuba và Hà Lan đã ký hai văn bản thỏa thuận nhằm điều hòa các khoản nợ song phương (theo tinh thần thỏa thuận đa phương của Nhóm Ad-Hoc - các nước chủ nợ trongCâu lạc bộ Parisvới Cuba), bao gồm: Thỏa thuận giữa Chính phủ Cuba và Ngân hàng đầu tư Hà Lan; thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước về các khoản tín dụng thương mại. Theo đó, các nước chủ nợ trong Câu lạc bộ Paris sẽ xóa bỏ 8,5 tỷ USD toàn bộ tiền lãi, phạt và dịch vụ phát sinh trong tổng số nợ 11,1 tỷ USD của Cuba với nhóm nước trên. Cuba chỉ có nghĩa vụ hoàn trả các chủ nợ số tiền 2,6 tỷ USD nợ gốc.Hà Lan là một trong số 10 đối tác thương mại lớn nhất của Cuba.

Chính sách

Nga

NHTW Nga ngày 18/3 đã quyết định duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức 11%, do những lo ngại về lạm phát, mặc dù đồng ruble mạnh lên. Đồng nội tệ mạnh lên thường làm giảm sức ép lạm phát do hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Trong phiên giao dịch ngày 18/3, đồng ruble đã phục hồi ở mức 68,39 ruble/USD.

Nhận định chuyên gia

Ngày 20/3, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev nhận định:

- Đồng ruble sẽ mạnh hơn dự kiến, nhưng có thể vẫn trên mức 60 ruble/USD vì ngân sách năm 2016 sẽ điều chỉnh theo hướng thận trọng hơn, với giả định giá dầu trung bình là 40 USD/thùng, thay vì 50 USD/thùng.

- Thị trường dầu mỏ thế giới có thể đạt đến trạng thái cân bằng mới vào cuối năm 2016, nhưng giá dầu sẽ chưa vượt qua mức 50 - 55 USD/thùng trong một thời gian rất dài.

Đồng ruble đã chạm mức thấp kỷ lục 86 ruble/USD vào giữa tháng 01/2016.

Ngày 20/3, Tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc, Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên nhận định:

Tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc so với GDP hiện là 180%, vượt mức tiêu chuẩn của một nền kinh tế mới nổi. Nợ công và nợ của hộ gia đình đã vượt quá ngưỡng 250%. Cho vay doanh nghiệp và các loại nợ khác đang ở mức quá cao, vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế vĩ mô.

Ngày 22/3, Phó Chủ tịch Moody’s, ông Rahul Ghosh nhận định trong báo cáo đánh giá về triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN năm 2016 và 2017:

- Các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng nhẹ do nhu cầu trên toàn cầu giảm làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế hướng về xuất khẩu trong khu vực.Các nền kinh tế hướng xuất khẩu lớn như Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ tiếp tục có triển vọng tăng trưởng thấp hơn so với các nền kinh tế hướng về tiêu dùng nội địa nhiều hơn như Indonesia và Philippines.

- Việt Nam vẫn sẽ là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nổi trội trong khu vực nhờ sự hỗ trợ của hoạt động sản xuất và dòng vốn FDI.

- Tăng trưởng kinh tế của Indonesia và Philippines có thể tăng lên do nhu cầu trong nước tăng.

Ngày 23/3, ông Neil Atkinson, Giám đốc bộ phận ngành công nghiệp dầu mỏ và thị trường thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định:

- Động thái cắt giảm đầu tư mạnh của các công ty năng lượng lớn trên toàn cầu sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra những cú sốc về nguồn cung dầu trong tương lai.

- Trong thời gian tới, cần 300 tỷ USD để giữ sản lượng dầu toàn cầu ở mức hiện nay và các nước như Hoa Kỳ, Canada, Brazil và Mexico sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì đầu tư.

- Thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu giữa một số thành viên của OPEC và Nga là “vô nghĩa” vì không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu.

- Kỳ vọng chênh lệch cung - cầu trên thị trường dầu sẽ thu hẹp vào cuối năm 2016, mở đường cho giá dầu phục hồi trong năm 2017.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm kể từ đầu năm 2016 cho thấy sự bất ổn có thể bùng phát trở lại và nguy cơ suy giảm đột ngột tăng cao, các chuyên gia nhận định:

- Chủ tịch ADB Takehiko Nakao: Nền kinh tế Trung Quốc sẽ không xảy ra tình trạng suy giảm đột ngột vì vẫn còn không gian để quản lý tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ.

- CEO Công ty quản lý tài sản Marketfield Asset Management tại New York, ông Michael Shaoul: Chưa thấy bằng chứng thuyết phục về việc Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng để cho thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế bằng cách giảm can thiệp trên diện rộng tại các thị trường chứng khoán và tiền tệ, cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn hoặc xóa bỏ các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ngày 24/3) nhận định:

+ Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để duy trì sự ổn định của nền kinh tế dù có những vấn đề về cơ cấu và chịu sức ép giảm tốc. Chính phủ sẽ tiếp tục giảm bớt tình trạng dư thừa công suất trong ngành than, thép và các ngành khác, trong khi hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và sẽ sử dụng các công cụ thị trường để tạo ra các cơ hội việc làm mới.

+ Kinh tế Trung Quốc có một khởi đầu tốt trong năm 2016, với việc làm ổn định, tiêu dùng tăng ở mức hai con số. Chính phủ đã thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ chú trọng hơn đến chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng.

IMF nhận định về tình hình kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và Trung Á:

Các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với triển vọng ảm đạm trong 5 năm tới, các nước Trung Đông và Trung Á dự kiến sẽ tăng trưởng thấp hơn mức tăng trung bình của các nền kinh tế mới nổi khác 1,25 điểm phần trăm. IMF khuyến nghị:

- Xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, thúc đẩy sản xuất và tăng năng suất, giảm bớt “vai trò chi phối” của các doanh nghiệp quốc doanh.

- Tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng, chuyên nghiệp để gia tăng năng lực sản xuất.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các biện pháp nới lỏng khả năng tiếp cận tài chính.

- Việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước về hệ thống quy định, giáo dục và sự phát triển của thị trường tài chính có thể giúp nâng cao tiềm năng tăng trưởng cho các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) thêm 1,5 điểm phần trăm và các nước Trung Á thêm 1 điểm phần trăm.