Ấn tượng chỉ số nộp thuế của Việt Nam qua góc nhìn của tổ chức quốc tế


Với việc chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP. Kết quả này tiếp tục khẳng định những nỗ lực của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng/ktdt.vn
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng/ktdt.vn

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết số 19 cũng như theo dõi việc cung cấp thông tin và kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Bộ Công Thương (Tiếp cận điện năng); Bộ Tài chính (Nộp thuế); Bộ Khoa học và Công nghệ (Đổi mới sáng tạo)..., Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Nộp bảo hiểm xã hội), tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Đồng Tháp, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong thành công chung đó, phải kể đến những nỗ lực cải cách của ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng trong đẩy mạnh cải cách toàn diện của toàn hệ thống thuế trong suốt thời gian qua từ cải cách thể chế, phương thức, đến cải cách bộ máy.

Theo báo cáo về môi trường kinh 2019 “Doing Business 2019”  do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 69 về môi trường kinh doanh trong số 190 nền kinh tế được khảo sát. Trong 10 chỉ số được đánh giá, Việt Nam có 6 chỉ số tăng điểm, bao gồm: nộp thuế; tiếp cận điện năng; cấp phép xây dựng; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng; khởi sự kinh doanh;  đăng ký sở hữu tài sản. WB ghi nhận những cải thiện của Việt Nam trong chỉ số nộp thuế qua việc nộp thuế dễ dàng hơn bằng cách không yêu cầu phải nộp bản sao cứng của tờ khai hoàn thuế giá trị gia tăng và cho phép thanh toán chung thuế môn bài và thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, WB cũng ghi nhận chi phí nộp thuế tại Việt Nam cũng đã giảm so với năm trước.

Số lần nộp thuế của Việt Nam giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020. Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, bảo hiểm xã hội 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

Mới đây nhất, theo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing Business 2020 toàn cầu vừa được WB công bố hôm 24/10/2019, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam tăng ấn tượng lên 22 bậc từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Xếp hạng về chỉ số nộp thuế được WB đánh giá căn cứ trên các tiêu chí như: Số giờ nộp thuế; Số lần nộp thuế trong năm; Tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; Chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp).

Theo đó, phần lớn các chỉ số trên đều có sự cải thiện. Trong đó, thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong số giờ này có 94 giờ giảm là nhờ cải cách, đơn giản hóa tại các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là nhờ những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Số lần nộp thuế của Việt Nam cũng giảm 4 lần (từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020. Tổng mức thuế suất (tỷ lệ tổng thuế và đóng góp) giảm 0,2%, từ mức 37,8% (thuế 13,3%, bảo hiểm xã hội 24,5%) năm 2019 xuống còn 37,6% năm 2020.

So với Doing Business 2019, chỉ số nộp thuế tăng ấn tượng nhất khi tăng tới 6,1 điểm và 22 bậc. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp cải cách về thuế được ghi nhận trong báo cáo Doing Business. Như vậy, ngành Thuế đã vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 tăng 7-10 bậc về chỉ số nộp thuế), tiệm cận mục tiêu đến năm 2021 chỉ số nộp thuế tăng lên 30-40 bậc.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được hệ thống thuế đưa vào ứng dụng để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Đơn cử, thời gian doanh nghiệp chuẩn bị nộp thuế giá trị gia tăng bao gồm: lập bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra theo Tờ khai thuế giá trị gia tăng đã giảm khoảng 90 giờ (từ 212 còn 122 giờ); thời gian kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 5 lần xuống 1 lần...

Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, không phải đến bây giờ ngành Thuế mới thực hiện cải cách mà những nỗ lực này đã được thực hiện từ nhiều năm và đến nay, những thay đổi, cải cách đã được thực hiện một cách rộng rãi. Nỗ lực của ngành Thuế được thể hiện bằng việc thực hiện rất sớm những cải cách, những thay đổi. Tuy nhiên, thời gian đầu khi thực hiện thì dư địa cải cách rất nhiều nên có sự chuyển biến rõ rệt.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá hơn trong cải cách thuế, phải cải cách mạnh hơn, đặc biệt là vấn đề thực thi của các cán bộ ngành Thuế. Trên thực tế đây cũng là ưu tiên của Bộ Tài chính trong thời gian qua nhằm tiếp tục đạt được những bước tiến cao hơn về cải cách lĩnh vực thuế nói chung và chỉ số nộp thuế nói riêng.