Bộ Tài chính cải cách đồng bộ, khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh


Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cải cách toàn diện, hiệu quả trên mọi mặt công tác. Đặc biệt, trước tác động của dịch Covid-19, Bộ đã kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách hỗ trợ, khơi thông nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nguồn: internet
Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nguồn: internet

Cải cách thể chế, kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Một trong những nhiệm vụ được Bộ Tài chính tập trung thực hiện là cải cách thể chế. Trong 05 tháng đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 46 văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, nhiều văn bản được ban hành nhằm triển khai kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch…

Để hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 với gần 98% doanh nghiệp thuộc đối tượng gia hạn.

Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cắt giảm chi phí và thời gian, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Bộ đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.

Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Đình Trường - Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính đã và đang triển khai nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin

Cùng với công tác cải cách thể chế, thời gian qua, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đế người dân, doanh nghiệp như: thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán...

Đến nay, đã có 99,9% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99,8% doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử và 96,88% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử; Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được vận hành ổn định; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN...

Bộ Tài chính đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 542 thủ tục hành chính, đạt 57,8%, qua đó, giúp doanh nghiệp, người dân tiết kiệm chi phí và thời gian khi làm thủ tục hành chính ngành Tài chính. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong lĩnh vực tài chính, hải quan, thuế, kho bạc như: Dịch vụ công trực tuyến cấp mã số cho đơn vị có quan hệ với ngân sách; Hủy tờ khai hải quan; Khai bổ sung hồ sơ hải quan; Nộp thuế cho doanh nghiệp; Nộp thuế cho cá nhân; Nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước...

Những nỗ lực cải cách hành chính của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, góp phần cắt giảm chi phí và thời gian, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo chỉ số cải cách hành chính năm 2019 (PAR index 2019) được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí thứ 2 và là năm thứ 6 liên tiếp nằm trong top đầu khối các bộ về xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.

Phát huy những kết quả đã đạt được, theo ông Nguyễn Đình Trường, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong đó, trọng tâm là cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính, tinh gọn bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính; rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ; đặc biệt, nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp...