Bộ Tài chính: Coi phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục


Chiều ngày 24/10/2019, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trần Cẩm Tú làm Trưởng đoàn công tác; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà làm Phó Trưởng đoàn công tác và các thành viên đoàn kiểm tra.

Về phía Bộ Tài chính có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; các thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng đã được Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính xác định là công việc quan trọng, có tính chất thường xuyên, liên tục.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương. Ngành Tài chính đã từng bước thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quyết liệt cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Tài chính và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian qua, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính luôn chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì buổi làm việc.

8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã tổ chức 245 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng với 16.463 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia; Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành 03 văn bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký ban hành 04 văn bản, các Tổng cục trực thuộc Bộ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong toàn hệ thống.

Để phòng ngừa tham nhũng, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức với 11.575 lượt trong 8 tháng đầu năm.

Công tác cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý cũng được Bộ tích cực triển khai. Tính đến hết ngày 31/8/2019 đã ban hành 14 Quyết định công bố 97 TTHC và đã cập nhật, niêm yết công khai TTHC kịp thời, đảm bảo chính xác, đầy đủ; ban hành Quyết định phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 190/370 điều kiện kinh doanh của 21 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến 977 thủ tục từ mức độ 1 đến mức độ 4... Nhờ đó, Bộ Tài chính liên tục đứng ở những vị trí đầu trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Cùng với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra. Trong 8 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 54.382 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 261.572 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 9.209 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính 33.903.346 triệu đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 7.720.351 triệu đồng, đạt 88,4% số kiến nghị nộp ngân sách; chuyển cơ quan Công an, kiến nghị khởi tố 40 trường hợp, chuyển thông tin thông báo 5.621 trường hợp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cho biết, buổi làm việc lần này nhằm thực hiện chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về công tác này 8 tháng đầu năm 2019.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, đại diện Ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện nghiêm túc các kết quả của đoàn công tác, xây dựng và chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt về thời gian, báo cáo sát với nhiệm vụ; chấp hành các kiến nghị của đoàn, thể hiện sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính trong công tác phòng chống tham nhũng.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt là công tác cải cách hành chính gắn với đổi mới công nghệ trong công tác thuế và hải quan, là một trong những khâu thực hiện mang tính đột phá của Bộ Tài chính...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giám sát việc thực thi công vụ, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng; đầu tư xây dựng cơ bản...

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng cũng sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với công chức, viên chức vi phạm quy chế, quy trình nghiệp vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; Chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ, nhất là trong công tác tuyển chọn, quy hoạch bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, bảo đảm đúng tiêu chuẩn chính trị, thủ tục, nguyên tắc quy định nhằm chủ động phòng ngừa tiêu cực trong nội bộ và tăng cường đảm bảo nội bộ đơn vị đoàn kết, trong sạch.

Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, việc thực hiện các kết luận, chấn chỉnh sau thanh tra, kiểm tra, việc thực hiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có vi phạm...

"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục làm tốt hơn, đặc biệt là xây dựng lại vị trí việc làm của toàn ngành Tài chính để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng bằng cách hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện luân phiên, luân chuyển vị trí công tác trong toàn ngành Tài chính trong thời gian tới." - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.