Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ về chính sách để doanh nghiệp đổi mới, phát triển
Sáng 28/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019. Tham dự Hội nghị có đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, VCCI, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và hơn 500 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam.
Nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện
Hội nghị đối thoại năm 2019 là Hội nghị lần thứ 14 được tổ chức theo cơ chế thường niên phối hợp giữa Bộ Tài chính và VCCI nhằm lắng nghe các kiến nghị của DN về những vướng mắc trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính thuế và hải quan, tiếp nhận các ý kiến về các thủ tục còn phiền hà, chồng chéo, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, hội nghị là cơ hội tốt để cộng đồng DN và cơ quan quản lý trao đổi và tìm giải pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực của ngành Thuế, Hải quan trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thời gian qua. Nhiều vấn đề DN phản ánh, kiến nghị đã được Bộ Tài chính lắng nghe, trao đổi và có hướng tháo gỡ, giải quyết đã mang đến sự yên tâm cho cộng đồng DN và các nhà đầu tư”. Ông Võ Tân Thành cho biết.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong đó có chính sách về thuế và hải quan được đặc biệt quan tâm nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho các DN, các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo đó, về lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới; trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cả về thuế cũng như hải quan. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119 quy định về hoá đơn điện tử. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử; đó là cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 7 Thông tư; tham mưu ban hành Nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan.
Cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuế, quản lý hải quan. Theo đó, đã có 99,87 % DN kê khai thuế điện tử; 99,53% DN nộp thuế điện tử, 93,61% DN hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4). Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ… ngành Thuế đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế…
Nhờ đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên vị trí thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2020 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của DN về cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2019 là 78%, tăng 3% so với năm 2016.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, song với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, cùng với đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; qua đó góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh chung. Với vai trò là một kênh đối thoại thường xuyên, định kỳ, tại Hội nghị này, Bộ Tài chính mong nhận được các ý kiến tham gia và đóng góp, trao đổi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Tiếp tục cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định; BộTài chính cũng sẽ kịp thời ban hành, sửa đổi các Thông tư, văn bản hướng dẫn các qui định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của DN. Bộ Tài chính cũng mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu với cộng đồng DN những chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan mới; Các đơn vị của Bộ Tài chính cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của DN đối với chính sách thuế và giải đáp những vướng mắc của DN liên quan đến chính sách ưu đãi đối với DN công nghệ cao; Quy định hoàn thuế giá trị gia tăng; ưu đãi thuế; giá tính thuế tài nguyên; hóa đơn điện tử; hoàn thuế đầu tư, thuế xuất khẩu; việc xác phân loại hàng hóa, hàng mẫu...
"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Qua đó, tiếp tục đồng hành cùng DN tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển" - ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.