Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chưa nhổ bỏ được gốc rễ của buôn lậu

Theo baohaiquan.vn

Khẳng định TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Trung ương cho rằng, phần nhiều mới chỉ cắt được phần ngọn, chưa bắt được tận tay, day tận mặt chủ hàng nên chưa nhổ bỏ được gốc rễ của buôn lậu.

Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.

Mới cắt được phần ngọn

Tại buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác thu chi ngân sách, chống buôn lậu và gian lận thương mại ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Trung ương đặc biệt quan tâm đến công tác chống buôn lậu, hàng gian hàng giả trên địa bàn TP.HCM. 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông, trong năm 2018 Ban chỉ đạo 389 TP.HCM đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, như: Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro, các đối tượng chọn luồng tờ khai hải quan; lợi dụng chính sách hàng quá cảnh để buôn lậu…

Trong 11 tháng năm 2018, lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện, xử lý 24.589 vụ vi phạm (trong đó: 2.346 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 21.373 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 870 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả); xử lý hình sự 66 vụ/65 đối tượng; thu ngân sách nhà nước trên 4.785 tỷ đồng. 

Phó Giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh cho biết, Bộ Luật hình sự 2017 có hiệu lực, trong năm 2018 có nhiều vụ chuyển tin báo cho Công an, tất cả những trường hợp giảm số lượng hàng nhập, khai sai mã số, vô ý hay cố đều phải chuyển qua Công an. Có những vụ cả hai bên đều biết không cấu thành tội phạm, nhưng cơ quan Hải quan cũng phải chuyển, chờ cơ quan Công an ra quyết định không khởi tố thì cơ quan Hải quan mới được xử lý hành chính, xử lý tang vật. Quy trình như vậy làm tồn đọng các vụ việc, ảnh hưởng đến việc phát mãi tang vật, thu tiền cho ngân sách nhà nước. 

Cùng với đó, ông Phan Anh Minh cho rằng, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế đối tượng bỏ trốn, chủ sở hữu đã “bỏ của chạy lấy người”, mà cứ đợi truy tìm được đối tượng mới xử lý thì tang vật xuống cấp, hư hỏng hết. 

Hiện nay, quy định tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành lập quá dễ, chỉ cần đăng ký qua mạng, thuận lợi đến mức DN nhờ người đứng tên dùm; dùng hồ sơ giả đều thành lập được doanh nghiệp. Có nhiều vụ buôn lậu, điều tra ra đều phát hiện chủ doanh nghiệp không có thật, hồ sơ giả… nên không bắt được chủ hàng đích thực, không bắt được người cầm đầu.

Không chỉ vậy, việc phối hợp phòng chống tội phạm liên quan tài chính ngân hàng cũng rất khó khăn. Điều tra các vụ gian lận thuế, giá, chuyển giá cơ quan điều tra gặp khó khăn trong việc xác minh tài khoản, trong khi các ngân hàng lấy lý do phải bảo mật tài khoản cá nhân của khách hàng, yêu cầu phải có quyết định khởi tố, điều tra... mới cung cấp thông tin, rất bất cập. 

Phối hợp để xử lý tận gốc

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tình hình buôn lậu trên địa bàn có nhiều diễn biến khác, thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, ma túy không đi nhỏ lẻ, mà đi thẳng bằng container, bằng bưu phẩm, bưu kiện; Đối tượng buôn lậu dùng tên giả, địa chỉ giả để nhận hàng. Khi cơ quan Hải quan phát hiện, đối tượng từ chối nhận hàng. Đặc biệt, khi cơ quan Hải quan đánh mạnh trên địa bàn TP.HCM, đối tượng chuyển hướng sang loại hình khác, quá cảnh sang nước khác, nhưng sau đó tìm mọi cách để đưa trở lại TP.HCM tiêu thụ. 

Nhóm  buôn lậu thuốc lá về TP.HCM cũng rất tinh vi, có cả nhà máy sản xuất thuốc lá ở nước ngoài, chủ yếu để vận chuyển lậu về Việt Nam tiêu thụ, khiến ngân sách nhà nước thất thu mỗi năm khoảng 9.000 tỷ đồng. 

Để xử lý kịp thời các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết, đối với các vụ việc DN khai một đằng, nhập một nẻo, cơ quan Hải quan không chấp nhận cho khai bổ sung, cần xử lý ngay. Đối với các trường hợp gian lận thương mại, gian lận về thuế, nếu xác định không có dấu hiệu nghi vấn hành vi cố ý, cơ quan Hải quan  xử lý phạt, truy thu thuế bình thường. Nếu có dấu hiệu nghi vấn có hành vi cố ý thì phải xác minh, phối hợp với cơ quan Công an điều tra, khởi tố… Có như vậy mới giảm được vụ việc tồn đọng chưa xử lý. 

“Hiện nay, thông tin tờ khai hải quan được cập nhật trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, các cơ quan quản lý có thể truy cập được tờ khai của DN. Nếu kiểm tra trên đường không có mạng internet để truy cập, cơ quan Hải quan có cung cấp số điện thoại để nhắn tin, cơ quan chức năng kiểm tra ngay được thông tin tờ khai hải quan”- Tổng cục trưởng Nguyễn văn Cẩn thông tin. 

Đánh giá về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, TP.HCM là trọng điểm về buôn lậu và gian lận thương mại. Trong năm, các ngành, các lực lượng phối hợp tốt với nhau đã xử lý nhiều vụ việc nhưng vẫn phức tạp.

“Các lực lượng tuy  đã có sự phối hợp, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Phần nhiều các vụ buôn lậu mới chỉ cắt được phần ngọn, chưa bắt được tận tay, day tận mặt chủ hàng, nên chưa nhổ bỏ được gốc rễ của buôn lậu. Hiện nay, đang vào thời điểm cuối năm, ngoài việc chặn hàng lậu, việc ngăn chặn, chống hàng giả hàng nhái rất quan trọng. Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan, Thuế - mỗi ngành đều có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng cần phối hợp với nhau cho thật tốt để ngăn chặn hiệu quả buôn lậu, gian lận thương mại” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.