CPTPP - Hỗ trợ Việt Nam tối ưu hóa lợi ích


Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/11/2018. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng, thể hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm lớn của Việt Nam thúc đẩy tiến trình hội nhập toàn diện trong khu vực và quốc tế.

CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông Nam Á tăng trưởng.
CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông Nam Á tăng trưởng.

Từ năm 2019, việc CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thắt chặt quan hệ với những đối tác chiến lược. Mặc dù sân chơi đã thu nhỏ đáng kể nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với mỗi thành viên, thậm chí còn có những đóng góp tích cực vượt ra ngoài khuôn khổ một hiệp định thương mại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang nổi lên toàn cầu.

Sự tiến bộ của CPTPP nằm ở việc xóa bỏ những hàng rào đang hạn chế dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình dương. Nhờ đó, các nền kinh tế sẽ tích cực cải cách, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, toàn diện, nắm bắt các cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm 2% GDP vào năm 2030. Bên cạnh đó, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP.

Các số liệu cho thấy, cái bắt tay của 11 thành viên tham gia CPTPP gồm các quốc gia kể trên và Peru đã tạo ra một khối hợp tác khổng lồ với tổng số dân gộp lại lên tới 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.

Đối với Việt Nam, việc tham gia CPTPP là động lực để nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thế giới, nhất là lĩnh vực kinh tế. Nhờ CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, tỷ lệ trên có thể lên tới 2,01%.

Với mức độ cam kết của các thành viên, những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035. Chưa hết, tổng số việc làm tăng thêm hàng năm sẽ đạt từ 20.000 - 26.000 lao động. Về xóa đói giảm nghèo, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày…

Có thể trong số các thành viên CPTPP, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp nhất (2.306 USD, năm 2017) cùng với vô vàn rủi ro, thách thức khác sẽ xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng Hiệp định sẽ tạo ra động lực giúp chúng ta vượt qua những bất lợi, vững vàng bước lên “thuyền to ra biển lớn”.

CPTPP không chỉ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, mà còn giúp nước ta củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Sau khi Hiệp định đi vào cuộc sống, mối quan hệ giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước có quan hệ đối tác chiến lược sẽ ngày càng sâu sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho cả đôi bên. Đồng thời, sau khi Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2019, dòng chảy thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam sẽ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ.