Định hướng nghiệp vụ ngành Tài chính gắn với xu thế kinh tế số
Trong thời gian qua, những nỗ lực cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các nghiệp vụ của ngành Tài chính đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, yêu cầu về tiếp tục đổi mới công tác hoàn thiện kiến trúc điện tử ngành Tài chính vẫn là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế số. Vì vậy, việc nghiên cứu để đổi mới quy trình, nghiệp vụ ngành Tài chính phù hợp với mô hình kinh tế số cần phải được thực hiện thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Ngành.
Chuyển đổi kinh tế số ở tầm quốc gia hay trong ngành Tài chính nói riêng là yêu cầu bức thiết và tuân theo xu thế chung toàn cầu. Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã từng bước chuẩn bị tốt các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho quá trình chuyển đổi cũng như tạo dựng được các nền tảng kinh tế số bước đầu như xây dựng được hạ tầng liên kết, băng thông, bảo mật, đội ngũ nguồn nhân lực... Đặc biệt, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm xây dựng chính phủ điện tử ngành Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định số 27/2007/NĐ-CP, Nghị định số 156/2016/NĐ-CP, Nghị định số 165/2018/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, cùng với việc xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã và đang xây dựng các văn bản liên quan đến lĩnh vực dịch vụ công, thống kê tài chính, tạo nền tảng cho xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, công khai ngân sách, hướng đến hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển kinh tế số trong lĩnh vực tài chính; Ứng dụng chuyên ngành, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; Chuyển đổi về nền tảng tích hợp, chia sẻ, liên thông dữ liệu... Trong ứng dụng thực tiễn, tính đến hết năm 2018, tổng số thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 946 thủ tục, trong đó bao gồm: 264 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 335 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 85 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 246 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4...
Để tiếp tục phát huy vai trò của Chính phủ kiến tạo trong bối cảnh số, ngày 07/03/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-BTC ngày 21/5/2019 ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, trong đó xác định mục tiêu tổng quát hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành Tài chính và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở hướng tới Tài chính số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận, nắm vai trò chủ động, kiến tạo và đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền Tài chính số hiện đại tại Việt Nam.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), với những mục tiêu mà Quyết định số 844/QĐ-BTC của Bộ Tài chính đề ra cho từng giai đoạn để xây dựng môi trường công nghệ số cho thấy cần phải có những định hướng nghiệp vụ ngành Tài chính phù hợp với mô hình kinh tế số. Cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với Chiến lược ngành Tài chính, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược ngành Tài chính giai đoạn 2021-2030. Thực hiện chuyển đổi quy trình hành chính và dịch vụ công, tái cấu trúc toàn diện các nghiệp vụ trong ngành theo mô hình kinh tế số nhằm một mặt duy trì an ninh, an toàn tài chính; mặt khác nâng cao sự thuận tiện, khả năng tiếp cận và chất lượng tương tác với người dân, doanh nghiệp...
Thứ hai, tập trung xây dựng hệ thống quản lý tích hợp Tài chính quốc gia hướng đến kết nối, hợp nhất cơ sở dữ liệu của 07 nhóm dòng nghiệp vụ ngành Tài chính chủ đạo gồm: Quản lý nghiệp vụ tài chính nhà nước; quản lý thị trường tài chính; quản lý nhà nước về hải quan; quản lý nhà nước về thuế; thanh tra; nhóm nghiệp vụ khác và hoạt động nội ngành; thông tin, báo cáo ra bên ngoài. Đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để tạo sự thuận lợi trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu cho nội ngành trong việc thanh tra, quản lý, giám sát, điều hành, nghiên cứu và xây dựng chính sách. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công hoàn hảo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian thực hiện, tạo môi trường công nghệ số thân thiện, dễ sử dụng và đáp ứng mức độ hài lòng của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân...
Thứ ba, tăng cường và hướng đến sử dụng chung cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối giữa các nhóm nghiệp vụ ngành Tài chính trong phạm vi hẹp là Bộ Tài chính, và mở rộng toàn ngành Tài chính đến các địa phương. Từng bước tích hợp, đồng bộ các ứng dụng, phần hành công nghệ của từng nghiêp vụ ngành vào tổng thể chung...
Cũng theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, để thực hiện được những định hướng trên, cần thiết phải được triển khai có lộ trình tái cấu trúc từng bộ phận, từng nghiệp vụ. Đồng thời, cần có các điều kiện để thực hiện, trong đó: cần từng bước hoàn thiện khung pháp luật để 7 nhóm nghiệp vụ ngành Tài chính được hoạt động trong môi trường kinh tế số; xây dựng chi tiết, cụ thể các mô-đun công nghệ trong từng nhóm nghiệp vụ ngành Tài chính; chuẩn bị nguồn lực về tài chính, con người thực hiện và con người ứng dụng có đủ kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin...