'Gói kích cầu phải đặt trong kế hoạch phát triển tổng thể'

Theo Phan Anh (VnExpres

Gói 100.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) dùng để kích cầu lấy từ đâu ra? Làm sao để kích cầu không trật mục tiêu... là những lo ngại mà các chuyên gia kinh tế đưa ra tại buổi tọa đàm về chính sách kích cầu, mà chủ yếu là về gói kích cầu 6 tỷ USD, diễn ra sáng 23/12, do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện tại TP HCM.

 

Trong đó các kịch bản: nguồn của 6 tỷ USD từ đâu ra, kích vào ngành nào là cần thiết và hiệu quả, ảnh hưởng của gói đối với nền kinh tế VN... được nhóm nghiên cứu đưa ra khiến nhiều chuyên gia TP HCM băn khoăn; mặc dù tất cả đều thừa nhận gói kích cầu sẽ có tác động tâm lý rất lớn đến nền kinh tế.

Nhóm này đưa ra 6 kịch bản huy động nguồn tài trợ, từ việc phát hành trái phiếu đến miễn giảm và chậm thu thuế doanh nghiệp, quỹ dự trữ, vay nợ nước ngoài, từ dầu thô, ngân hàng nhà nước. Nhóm cũng đề xuất phân bổ gói cho 8 vùng, trong đó có Đông Nam bộ, Đông Bắc bộ và Tây bắc; cùng 27 ngành cần kích vốn như thóc, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dệt may, giấy, chế biến gỗ, vận tải, xây dựng, bưu chính viễn thông, thương mại, dịch vụ tài chính, nhà hàng khách sạn...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, gói kích cầu 100.000 tỷ đồng tương đương 25% dự toán tổng thu ngân sách năm 2009, sẽ được tài trợ qua 3 nguồn chính là phát hành trái phiếu chính phủ, miễn giảm thuế và sử dụng Quỹ dự trữ Nhà nước. Tuy nhiên nguồn nào cũng có vấn đề. Ví như trái phiếu không còn hấp dẫn công chúng nên nguồn huy động sẽ không lớn, trong khi tài trợ sẽ khiến lãi suất tăng cao, gây sức ép xấu lên khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Lãi phải trả sẽ tăng thêm hàng chục nghìn tỷ đồng một năm làm trầm trọng vấn đề thâm hụt ngân sách.

Miễn giảm thuế, theo ông Thành, là biện pháp có lợi song trên thực tế tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp hiện khoảng 100.000 tỷ đồng nên lượng thuế được miễn giảm hay chậm thu sẽ không nhiều. Ngoài ra, việc chọn doanh nghiệp nào để rót khoản tiền kích cầu cũng sẽ khó khăn, có thể gây sự bất đồng và thiên vị.

Trong khi đó, nếu thông qua quỹ dự trữ để kích cầu thì nguồn dự phòng đang quá nhỏ so với gói. Trường hợp tài trợ thông qua quỹ dự trữ ngoại hối, kịch bản xấu là có thể dẫn đến phá giá đồng nội tệ và sức ép lạm phát tăng cao. Một tình huống nữa là in tiền để bổ sung cho thâm hụt ngân sách, nhưng có thể dẫn đến tăng trưởng cơ sở tiền tệ và cung tiền, gây lạm phát và bất ổn kinh tế.

"Tuy nhiên, hiện vấn đề không phải là xem có cần thiết tung gói kích cầu không hay tính xem hiệu quả, mà là làm cách nào để bơm tiền vào nền kinh tế và giúp nó lan tỏa đến các đối tượng cần thiết", ông Thành nói.

Hầu hết chuyên gia kinh tế tại TP HCM đều đề nghị khi phân bổ gói kích cầu 6 tỷ USD nên đặt trong một chiến lược phát triển tổng thể.

Tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh cho rằng, so với các nước, thực trạng nền kinh tế VN khi thực hiện gói kích cầu là rất khác. Ví dụ như lạm phát còn tương đối cao mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại trong vài tháng gần đây. Dự trữ bình quân đầu người của Trung Quốc là 1.500 USD trong khi VN chỉ có 250 USD, do đó khả năng "gói" của VN sẽ rất thấp. Trong khi đó, để có 6 tỷ USD, ngân sách nhà nước sẽ mất 8-12%. VN lại đang thâm hụt thương mại nên hạn chế khả năng kích cầu.

Ông Tự Anh nói: "Phân tích những thực tế này để cho thấy gói kích cầu phải nhìn trong tổng thể chính sách vĩ mô chứ không thể tách riêng, như độ tự chủ của chính sách tiền tệ, tỷ giá đồng đô la...".

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên e ngại việc phân bổ gói kích cầu sẽ lại đẻ ra cơ chế xin cho như đợt chống khủng hoảng năm 1998-1999, hiệu quả không cao. Do đó ông Thiên cho rằng kích cầu phải đi đôi với cải cách hành chính, thủ tục đầu tư thì mới hiệu quả.

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì nhìn nhận, gói nên phân bổ chính cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân và nông thôn, chi cho an sinh xã hội. "Nếu đầu tư vào khu vực kinh tế quốc doanh sẽ kém hiệu quả vì tuy khối doanh nghiệp này mang lại 40% GDP song chỉ tạo công ăn việc làm cho 6% lao động", ông Doanh nói.

Cũng cùng những ý kiến này, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng cho rằng, kích cầu vốn là cấp bách, nhưng nếu không gắn với một chiến lược căn cơ, lâu dài mà chỉ như một "thời điểm trú đông", thì hiệu quả không cao. Cũng giống như việc mỗi người xách một xô nước để cùng dập tắt đám cháy nhà, nếu sau đó không có biện pháp xử lý, phòng chống mà chỉ cứ việc mua hàng loạt xô về dự trữ chờ đám cháy khác thì về lâu dài không thể phát triển được.