Hiệp định UKVFTA mở ra một thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

PV.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 29/12 (theo giờ Việt Nam), Hiệp định UKVFTA được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ hai nước chính thức ký kết tại London, Vương quốc Anh. Hiệp định gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh.

Tính trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Vương quốc Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. 

Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để bảo đảm phù hợp khuôn khổ thương mại song phương Việt Nam - Anh.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam - Anh đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 857 triệu USD.

Tính trong giai đoạn từ 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Vương quốc Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm. 

Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất. Mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay tất cả các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh, vì vậy dư địa tăng trưởng thị trường tại Vương quốc Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn.

Theo các chuyên gia phân tích, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, khi Anh rời EU, các ưu đãi mang lại từ EVFTA sẽ không được áp dụng tại thị trường Anh.

Vì vậy, việc ký kết một FTA song phương Việt - Anh sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cải cách, mở cửa thị trường, thuận lợi hóa thương mại ở hai quốc gia trên cơ sở kế thừa các kết quả đàm phán tương đối tích cực ở EVFTA. Hiệp định UKVFTA có vai trò đảm bảo thương mại song phương giữa Việt Nam và UK không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc.

Hiệp định UKVFTA không chỉ tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ, mà còn tích hợp nhiều yếu tố quan trọng khác, chẳng hạn như hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, khi Hiệp định UKVFTA được thực thi, Anh Quốc vẫn dành lượng hạn ngạch nhất định đối với 14 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đang được hưởng ưu đãi theo cơ chế hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định EVFTA; trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu lớn như gạo, tinh bột sắn, thủy sản. 

Cùng với đó, về thương mại dịch vụ, đầu tư và mua sắm của Chính phủ, hai bên cũng có một số điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của một hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.

Về quy tắc xuất xứ, hai bên thống nhất áp dụng cơ chế cộng gộp xuất xứ mở rộng cho phép hàng hóa của hai bên được sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ các nước thành viên EU. Điều này giúp các doanh nghiệp Anh duy trì được chuỗi sản xuất và cung ứng hiện tại.

Hiện Chính phủ hai nước đang gấp rút hoàn thành các thủ tục trong nước phù hợp với quy định của pháp luật mỗi bên, đảm bảo việc có thể thực hiện ngay Hiệp định từ 23 giờ ngày 31/12/2020.