Hội nghị AFMGM:

Hội nhập và duy trì ổn định tài chính khu vực ASEAN


Ngày 5/4/2019, tại Thái Lan, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 23 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 5 (AFMGM) đã diễn ra thành công tốt đẹp và thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN thể hiện tinh thần đoàn kết.
Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN thể hiện tinh thần đoàn kết.

Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của khu vực

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng cho rằng, ASEAN cần tiếp tục các giải pháp cải cách nhằm hỗ trợ khả năng tự cường khu vực như phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao môi trường kinh doanh khu vực nhờ các cải cách mạnh mẽ trong tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hải quan và ứng dụng công nghệ thông tin, nhất trí với mục tiêu hoàn thành kết nối tất cả các nước thành viên vào Hệ thống một cửa ASEAN và thông báo Việt Nam đã sẵn sàng tham gia dự án triển khai thí điểm Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.

Hội nghị hoan nghênh nỗ lực của Ủy ban công tác phát triển thị trường vốn ASEAN trong việc xây dựng báo cáo về tài trợ bền vững trong ASEAN để trình Hội nghị AFMGM thông qua năm 2020.

Chia sẻ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển các sản phẩm thị trường vốn xanh, trong đó có sản phẩm trái phiếu xanh tại Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh việc thông qua Lộ trình Phát triển vốn bền vững ASEAN. Việc này sẽ giúp các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, có chiến lược rõ ràng và cụ thể hơn cho việc phát triển bền vững thị trường vốn trong nước...

Hội nhập và duy trì ổn định tài chính khu vực

Sau 01 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, Hội nghị AFMGM đã thành công tốt đẹp, thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong bản Tuyên bố chung của Hội nghị. Theo đó, Hội nghị tái khẳng định cam kết theo đuổi một ASEAN hội nhập để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tăng cường ổn định tài chính khu vực trong bối cảnh bất ổn gia tăng, phát sinh từ căng thẳng thương mại và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế phát triển.

Hội nghị hoan nghênh tiến bộ trong tự do hóa dịch vụ tài chính được thể hiện qua lễ ký Nghị định thư Thực hiện Gói cam kết về dịch vụ tài chính lần thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) giữa tất cả các Bộ trưởng Tài chính ASEAN vào ngày 05/04/2019. Nghị định thư nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên trong việc thúc đẩy mối liên kết giữa các nước thành viên ASEAN bằng việc tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Đặc biệt, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đều đánh giá cao tiến trình hợp tác hải quan, đặc biệt là việc tiếp tục vận hành thực tế Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), hoàn thành việc phê chuẩn Nghị định thư 7 (Hệ thống quá cảnh hải quan) của Hiệp định Khung ASEAN về Tạo thuận lợi Quá cảnh Hàng hóa (AFAFGIT) và việc thực hiện Danh mục Thuế quan Hài hòa ASEAN 2017 (AHTN 2017).

Các bộ trưởng mong muốn các nước thành viên còn lại tham gia vào cơ chế này để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN mẫu D thông qua Cơ chế một cửa ASEAN vào cuối năm nay. Đồng thời, kêu gọi tất cả các nước thành viên hoàn thành việc phê chuẩn Nghị định thư 2 (Chỉ định các cặp cửa khẩu biên giới) của AFAFGIT để hỗ trợ vận hành Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN vào năm 2019.

Trong lĩnh vực thuế, các bộ trưởng hoan nghênh những nỗ lực của Diễn đàn Thuế ASEAN (AFT) để hoàn thành các mạng lưới song phương về Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần (DTA) giữa các nước thành viên ASEAN và để cải thiện việc triển khai Trao đổi Thông tin (EOI) cho các mục đích thuế theo tiêu chuẩn quốc tế EOI. Các nước thành viên mong muốn AFT thảo luận về một kế hoạch hành động phù hợp.

Hội nghị thống nhất rằng tài chính bền vững đóng vai trò quan trọng để cải thiện hiệu quả kinh tế, sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy hệ sinh thái, tăng cường sự đa dạng văn hóa và phúc lợi xã hội. Theo xu hướng này, các nước thành viên đều nỗ lực theo đuổi chương trình nghị sự về tài chính bền vững thông qua hoạt động của các nhóm công tác.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEN cam kết thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm bảo hiểm và nâng cao hiểu biết về lĩnh vực bảo hiểm để tăng mức độ bảo hiểm toàn diện và thúc đẩy sự hiện diện trong khu vực; Hoanh nghênh những nỗi lực của Hội nghị Các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN (AIRM) nhằm thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ các nước thành viên ASEAN tăng cường nhận thức về bảo hiểm và thu hẹp khoảng cách của người dân, những người đang nằm ngoài các chương trình bảo hiểm xã hội và thương mại chính thống, cũng như giảm thiểu rủi ro cho những người dân còn nhiều khó khăn như phát triển một Khung khổ cho Sản phẩm Bảo hiểm Vi mô...