Kho bạc Nhà nước với “lộ trình” xây dựng Chính phủ số

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2019

Việt Nam đã, đang chuyển động mạnh mẽ theo cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới xây dựng Chính phủ số, tạo lập nền kinh tế số. Với định hướng đó, Kho bạc Nhà nước chủ động chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành quỹ ngân sách nhà nước, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lợi ích và thách thức từ việc chuyển đổi số

Chuyển đổi số tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ kỹ thuật số hiện đại như: Công nghệ di động thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, phân tích dữ liệu thông minh… để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong quản lý và điều hành quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước.

Chuyển đổi số có tác động tích cực làm thay đổi cách thức tương tác giao dịch giữa đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN, giữa KBNN với các cơ quan, đơn vị một cách tức thời, với tính tin cậy cao thông qua các phương thức mã hóa, xác thực mạnh mẽ.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên nền tảng số với cơ sở dữ liệu sinh động sẽ tạo thuận lợi cho ứng dụng phân tích dự báo, nhất là khi tương tác với KBNN, các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh những lợi ích, việc chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức đối với các tổ chức nói chung, trong đó có hệ thống KBNN, cụ thể như:

Thứ nhất, diễn ra với quy mô rộng lớn và tốc độ nhanh chóng, chuyển đổi số đòi hỏi mọi tổ chức và KBNN nói riêng cần nhanh chóng cải cách chính sách nghiệp vụ, quy trình quản lý, cơ cấu tổ chức nguồn lực… để hình thành kho bạc điện tử, tiến đến hình thành kho bạc số trong tương lai.

Thứ hai, chuyển đổi số đòi hỏi KBNN phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trên nền tảng số với chất lượng cao hơn; công khai, minh bạch hơn trong quy trình xử lý, giải quyết thủ tục về quản lý quỹ NSNN, kế toán nhà nước và ngân quỹ nhà nước.

Thứ ba, chuyển đổi số đòi hỏi KBNN phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ. Song song với đó, KBNNphải có giải pháp hữu hiệu để tuyển chọn, giữ chân cán bộ có năng lực.

Lộ trình chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ điện tử

Trong ngắn hạn và trung hạn

Theo “lộ trình” chuyển đổi số, tiến tới hình thành Kho bạc điện tử, trong năm 2019 và 2020, KBNN hoàn thành triển khai 100% các dịch vụ công trực tuyến điện tử online phục vụ các đơn vị sử dụng NSNN; Góp phần công khai, minh bạch tiến trình giải quyết, giảm tối đa thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục...

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện quy trình và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là nghiệp vụ chi ngân sách, đảm bảo sự liên thông cũng như tối ưu hóa cho các bài toán dịch vụ công trực tuyến, TABMIS, thanh toán với ngân hàng… qua đó, giúp rút ngắn thời gian thanh toán các khoản chi NSNN.

Đặc biệt, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo, KBNN đã chủ động ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số hiện đại sau:

- Công nghệ di động thông minh: Ứng dụng lớp bài toán cho khách hàng của KBNN cài trên phần mềm trên các thiết bị di động, để tiếp nhận tức thời tiến trình và thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục, số dư tài khoản; các nhà quản lý các cấp từ trung ương đến địa phương cài đặt trên phần mềm các thiết bị di động, để tiếp nhận kịp thời thông tin về điều hành quỹ NSNN, KBNN, ngân quỹ nhà nước; cán bộ các cấp ngành KBNN cài trên phần mềm trên các thiết bị di động để thực hiện các phê duyệt theo các quy trình nghiệp vụ nhất định.

Theo “lộ trình” chuyển đổi số, tiến tới hình thành Kho bạc điện tử, trong năm 2019 và 2020, KBNN hoàn thành triển khai 100% các dịch vụ công trực tuyến điện tử online phục vụ các đơn vị sử dụng NSNN; Góp phần công khai, minh bạch tiến trình giải quyết, giảm tối đa thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục...

- Công nghệ chuỗi khối blockchain: Ứng dụng vào lớp bài toán có trao đổi thông tin dữ liệu giữa các tổ chức đơn vị với KBNN như: Ứng dụng vào bài toán thu NSNN qua ngân hàng, giúp các món thu NSNN kết nối tức thời từ ngân hàng về KBNN nhưng đảm bảo độ tin cậy cao.

- Công nghệ trí tuệ nhân tạo: Ứng dụng vào lớp bài toán hỗ trợ nghiệp vụ trả lời và giải đáp, tư vấn tự động đối với cán bộ nghiệp vụ, cán bộ tin học toàn ngành, cũng như mở rộng dần ra tư vấn, giải đáp tự động đối với đơn vị khách hàng giao dịch.

- Công nghệ điện toán đám mây: Ứng dụng vào lớp bài toán hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo sự linh hoạt về tài nguyên công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, KBNN còn hình thành các kết nối thông tin liên tổ chức giữa KBNN với trung tâm hành chính trên toàn quốc nhằm thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến; tiến tới thực hiện thanh toán phí lệ phí bằng điện tử, giữa KBNN với các nhà cung cấp lớn về điện, nước, viễn thông...

Mục tiêu trong dài hạn

Trọng tâm của Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 là chuyển đổi số mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, KBNN chủ trương xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin đến năm 2030 theo hướng hình thành kho bạc số.

Mục tiêu hướng tới gồm, chuyển đổi toàn bộ chủ trình ngân sách sang nền tảng số (từ khâu kế hoạch ngân sách trung hạn, giao dự toán ngân sách hằng năm, thực hiện mua sắm công và ký hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử (trong đó có hóa đơn cho hàng hóa dịch vụ công), thanh toán chi điện tử, tự động thanh toán với ngân hàng); toàn bộ chu trình kế toán nhà nước được thực hiện trên nền tảng số và đạt mục tiêu kế toán dồn tích cho toàn bộ các đơn vị hành, chính sự nghiệp liên thông với KBNN, từ đó hình thành kế toán nhà nước dồn tích đầy đủ trên nền tảng số; thu ngân sách (gồm thuế, phí, lệ phí, các khoản phạt vi phạm hành chính) được thực hiện liên thông số giữa các tổ chức, đơn vị, cá nhân với KBNN.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ, ưu tiên các ứng dựng chính sách, quy trình nghiệp vụ mới. Trong đó, văn hóa kỹ thuật số là tâm điểm của mọi tổ chức thành công trong việc chuyển đối số. Văn hóa kỹ thuật số được phát triển một cách linh hoạt, không những kết nối giữa tất cả bộ phận chức năng trong một cơ quan tổ chức, mà còn kết nối, ưu tiên phục vụ lợi ích của khách hàng giao dịch và kết nối với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan (gọi tắt là tổ chức đối tác). Do vậy, để thực hiện thành công hành trình chuyển đổi số, KBNN cần thực hiện được 2 nội dung lớn, đó là cải cách chính sách nghiệp vụ và hình thành được văn hóa kỹ thuật số trong toàn hệ thống, cũng như liên kết với các khách hàng và cả các “đối tác” thực hiện.