Kinh tế Việt Nam năm 2018: "Bứt tốc thần kỳ"
Năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6,7%), là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng của năm 2018 tạo cơ sở vững chắc trong năm 2019. Tuy nhiên, dự báo cho thấy trong năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.
Cải thiện tích cực chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế
Với mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% trong năm 2018 cho thấy, hình thái chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam tiếp tục đúng hướng và không có biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5% (bình quân giai đoạn 2016-2018 đạt 43,3%), cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP năm 2018 đạt 33,5%, đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 33-34%. Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam cũng có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng đều qua các năm và trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017 (bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,75%/năm), cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR từng bước được cải thiện, từ mức 6,42 năm 2016 giảm xuống còn 6,11 năm 2017 và ước tính năm 2018 là 5,97 (bình quân giai đoạn 2016-2018, hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn mức 6,25 của giai đoạn 2011-2015). Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần so với quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng (tương đương 2.587 USD), tăng 198 USD so với năm 2017.
Năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98%. Cụ thể, sự chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế là điểm nhấn tích cực trong năm 2018, đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (nông nghiệp và thủy sản lần lượt đóng góp 0,37 và 0,23 điểm phần trăm), qua đó, góp phần tăng năng suất lao động và rút ngắn khoảng cách năng suất với khu vực công nghiệp. Các yếu tố chính tạo nên sự tăng trưởng này là nhờ vào hiệu ứng từ sự chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ở khu vực công nghiệp, động lực tăng trưởng chính là ngành Chế biến, chế tạo tiếp tục trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng 12,9%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Năm 2018, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, điều này cho thấy, năng lực tận dụng cơ hội từ hội nhập khá tốt và góp phần đưa xuất khẩu trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng GDP. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao gấp gần 2 lần GDP cả nước, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (kể cả dầu thô) đạt 175,5 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14% so với năm 2017.
Cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu về cơ bản không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng cao về kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chế biến, chế tạo thuộc nhóm công nghệ như: Điện thoại và linh kiện (46,1 tỷ USD), điện tử, máy tính và linh kiện (27 tỷ USD), máy móc thiết bị phụ tùng (15,1 tỷ USD) cũng như tăng trưởng xuất khẩu cao của một số hàng nông sản truyền thống là tín hiệu tốt, khả năng cạnh tranh xuất khẩu tiếp tục được giữ vững và không còn phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, nhất là dầu thô (chỉ đạt 2,1 tỷ USD). Trong năm 2018, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ (43,7 tỷ USD), Liên minh châu Âu - EU (38,2 tỷ USD), Trung Quốc (38,1 tỷ USD), ASEAN (22,3 tỷ USD), Nhật Bản (17,1 tỷ USD) và Hàn Quốc (16,9 tỷ USD). Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ các nước trong khu vực Đông Á và duy trì xuất siêu đối với thị trường Hoa Kỳ và EU.
Tăng trưởng các ngành đã góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, trong đó lao động khu vực nông lâm, thủy sản giảm còn 38,5%, tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 26% và khu vực dịch vụ là 35,3%. Tỷ lệ thất nghiệp còn 2,2%, giảm nhẹ so với năm 2017, khu vực thành thị tỷ lệ này là 3,09%, khu vực nông thôn là 1,75%.
Trong cơ cấu đầu tư, khu vực ngoài nhà nước chiếm 42,5%, khu vực FDI chiếm 23,9% và khu vực nhà nước là 33,6%. Số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới năm 2018, chủ yếu là DN ngoài nhà nước với 131,3 nghìn DN, tổng vốn đạt 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số lượng và 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Vốn đăng ký bình quân, trung bình đạt 11,3 tỷ đồng/DN. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển dài hạn, thể hiện qua việc nhiều DN tư nhân quy mô lớn thực hiện chiến lược đầu tư vào các ngành công nghiệp và dịch vụ tập trung vốn và công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực này ngày càng thích nghi với môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho ứng dụng công nghệ và đổi mới.
Thu hút FDI năm 2018 đạt trên 35,46 tỷ USD. Với gần một nửa vốn tăng thêm, góp vốn, mua cổ phần đã thể hiện các nhà đầu tư có chiến lược kinh doanh dài hạn hơn, tin tưởng vào tương lai, một mặt đến từ môi trường đầu tư có nhiều cải thiện, mặt khác nhờ các cam kết hội nhập của Việt Nam. Vốn FDI thực hiện năm 2018 đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017, nguồn vốn này đã đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.
Về cơ cấu thu hút FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký mới đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn FDI đăng ký mới. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,6 tỷ USD, chiếm tới 18,6%. Về đối tác đầu tư, Nhật Bản đứng thứ nhất với tổng vốn đăng ký là 8,6 tỷ USD (chiếm 36%); Hàn Quốc đứng thứ hai với 7,2 tỷ USD (chiếm 28,9%); Singapore với 5 tỷ USD (chiếm 18,7%); Trung Quốc đạt gần 1 tỷ USD...
Mặc dù, tại một số thời điểm xuất hiện lo ngại về rủi ro lạm phát nhưng bình quân cả năm lạm phát chỉ tăng 3,54%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Kết quả này đạt được là nhờ điều hành chính sách tài khóa tiếp tục linh hoạt, thận trọng, có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu tăng trưởng.
Những hạn chế của nền kinh tế
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 có nhiều điểm sáng, hầu hết chỉ tiêu đặt ra cơ bản đã đạt được, nền kinh tế đang hội nhập tốt và tận dụng được nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhưng vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là:
Trước hết, động lực tăng trưởng kinh tế chủ yếu là từ khu vực chế biến, chế tạo, tập trung ở một số ngành lợi thế thuộc khu vực FDI, giá trị gia tăng còn thấp, điều này cho thấy, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành và trong nội ngành vẫn chậm, các ngành mới, ứng dụng công nghệ 4.0 đã xuất hiện nhưng chưa đủ mạnh để tạo nên sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm và cơ cấu ngành.
Hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng nhưng xuất khẩu cả về cơ cấu giá trị lẫn sản phẩm và thị trường chưa có nhiều chuyển biến. Xuất khẩu tăng nhưng trên 70% vẫn đến từ khu vực FDI, sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là những mặt hàng truyền thống. Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng từ thị trường ASEAN và Trung Quốc.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ và triển vọng thị trường là những động lực chính thúc đẩy số DN đăng ký mới trong năm 2018 tiếp tục tăng, nhưng trên 40% số DN đăng ký mới hoạt động thương mại, chủ yếu là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Các ngành có số DN đăng ký tăng nhanh là kinh doanh bất động sản (tăng 42%), trong khi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ quan trọng như chế biến, chế tạo tăng chậm (tăng 0,6%); khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn (tăng 6,6%), giáo dục và đào tạo (tăng 12%); thậm chí một số lĩnh vực còn giảm như thông tin truyền thông (giảm 3,7%) và nông, lâm, thủy sản (giảm 5,5%).
Theo thông tin tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018, trong số 140 nền kinh tế thì tốc độ tăng trưởng các DN sáng tạo của Việt Nam còn thấp. Điều này phần nào phản ánh môi trường kinh doanh hiện tại chưa tạo động lực cho khởi nghiệp và ngành công nghệ số: Hạ tầng thông tin xếp thứ 95, kỹ năng của người đã qua đào tạo chỉ xếp thứ 128, sự dễ dàng trong tìm kiếm lao động có kỹ năng xếp thứ 104, chất lượng đào tạo nghề xếp thứ 115, quyền sở hữu trí tuệ (105), quy định về chuẩn báo cáo và kiểm toán (128).
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá, các chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đạt thấp: Năng lực đổi mới sáng tạo đạt 33/100 điểm; thị trường lao động đạt 56/100 điểm; thể chế đạt 50/100 điểm; khả năng tiếp cận công nghệ đạt 43/100 điểm; kỹ năng lao động đạt 54/100 điểm; cơ sở hạ tầng đạt 65/100 điểm; hệ thống tài chính đạt 62/100 điểm; năng động của DN đạt 54/100 điểm; thị trường sản phẩm đạt 52/100 điểm.
Những hạn chế nội tại của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược và chất lượng kinh doanh của khu vực DN trong nước, ảnh hưởng nhất định đến tốc độ phát triển của kinh tế.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019
Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, xu hướng hạn chế thương mại, leo thang căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nước lớn đã và sẽ làm giảm đáng kể tổng cầu nói chung và nhu cầu thương mại hàng hóa... Trên cơ sở đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,7%.
Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam được dự báo vẫn tăng trưởng khá trong năm 2019, các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN tiếp tục mang lại tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng. Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2018 có hơn 131 nghìn DN thành lập mới, nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì ước tính các DN bổ sung cho nền kinh tế gần 3,9 triệu tỷ đồng.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới. Dự kiến, năm 2019, bên cạnh hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở và trung tâm thương mại, nhiều dự án, công trình lớn sẽ đi vào sản xuất kinh doanh như: Tổ hợp Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng với công suất 250 nghìn xe/năm; Dự án đầu tư công trình Nhà máy điện sông Hậu tỉnh Hậu Giang có công suất 1200 MW; Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với chiều dài 63,9 km; công trình đường cao tốc La Sơn - Túy Loan tại Thừa Thiên - Huế với chiều dài 78 km...
Chính phủ cũng đang xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng số tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, ứng dụng và đổi mới công nghệ của khu vực DN trong nước, đảm bảo an toàn mạng, khuyến khích các mô hình kinh doanh mới...
Với bối cảnh như vậy, dự báo năm 2019, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng GDP từ 6,6 - 6,8%, lạm phát ở mức 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7 - 8% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 và 2020 sẽ đạt mức lần lượt là 6,6% và 6,5%, lạm phát duy trì ở mức 4%, trong khi đó vào tháng 10/2018, IMF dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2019.
Để đạt được các chỉ tiêu này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh và thực hiện các cam kết hội nhập của Chính phủ, cũng như tiếp tục đàm phán/phê chuẩn một số FTA mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, qua đó tạo dựng lòng tin và thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF (tháng 10/2018): Dự báo kinh tế toàn cầu 2018 và triển vọng 2019;
2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 12 tháng năm 2018;
3. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê các năm 2016 – 2017;
4. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018, Chương trình hỗ trợ Austrialia về hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam;
5. World Bank: World Bank East Asia and Pacific Economic Update, October 2018: Navigating Uncertainty.