Kỳ vọng trong khó khăn

Theo saigondautu.com

Tháng 7 qua đi với nhiều diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khi Việt Nam phải đối phó với đợt dịch mới.

Việt Nam dù ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới.
Việt Nam dù ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới.

Tuy nhiên, kinh nghiệm chống dịch trong đợt thứ nhất sẽ giúp chúng ta ứng phó thành công sự lây lan dịch trong cộng đồng, dù điều này không dễ dàng.

Các con số từ Tổng cục thống kê đưa ra, cho thấy nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi nhưng có dấu hiện chậm lại. Sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019, nhưng đà tăng chậm lại so với tháng 6. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục đà tăng nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn giảm 0,4%.

Sự phục hồi các chỉ số kinh tế trong 3 tháng qua đã giúp Việt Nam gây ấn tượng với các tổ chức quốc tế. Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam dù ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới, có mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% trong 2021.

Trước đó, HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3% từ mức 1,6% nhưng dự báo mức tăng trưởng năm 2021 xuống 8,5% từ mức 9,1%.

Việt Nam dù ảnh hưởng bởi đại dịch, vẫn sẽ là quốc gia có tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 thế giới, có mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% trong 2021."

Ngân hàng Thế giới

Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều hứa hẹn cùng với việc chỉ số giá tiêu dùng có khả năng kiểm soát dưới 4%. Mọi thứ đã, đang diễn ra tốt đẹp với kinh tế Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,39% so với cùng kỳ 2019, nhưng chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và giảm 0,19% so với tháng 12-2019 - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Bình quân 7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng dù tăng 4,07% so với cùng kỳ nhưng đã thể hiện đà giảm. Thực tế cho thấy, sự phục hồi nền kinh tế thời gian qua được cho gắn liền với thành công trong việc sớm kiểm soát được sự lây lan của đại dịch. Việc dỡ bỏ các hạn chế kinh doanh và kết thúc giãn cách xã hội từ tháng 4 đã tạo ra điểm thay đổi của nền kinh tế.

Nhưng chính điều này đang tạo ra lo ngại đối với những người làm chính sách trong nước, khi dấu hiệu về làn sóng dịch thứ 2 đang dần trở lên rõ ràng hơn, với sự bùng phát các ca nhiễm dịch mới tại thành phố du lịch Đà Nẵng. Song, chúng tôi tin Chính phủ đã có kinh nghiệm trong làn sóng thứ nhất, chắc chắn sẽ cân nhắc thấu đáo việc lựa chọn giữa kinh tế với chống dịch trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

Hồi đầu tháng 7, Tổng cục Thống kê cho biết trong số 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý II, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người) - cao nhất trong 10 năm qua.

Đặc biệt, thất nghiệp tăng nhiều nhất ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp, những người thường không có tiết kiệm để sinh tồn nếu dịch bệnh kéo dài. Đây là điều cần hết sức chú ý trong điều hành chính sách để nhóm này không bị tổn thương nặng nề do dịch.

* David Gray - Quách Mạnh Hào, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh