Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

Ngành Tài chính bứt phá để hoàn thành nhiệm vụ được giao


Năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Vượt qua những khó khăn thách thức, trong 6 tháng đầu năm, ngành Tài chính đã đóng góp vào thành công chung của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong điều hành, triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội, tạo nền tảng và niềm tin vững chắc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2019.

Kết quả hết sức tích cực

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2019 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 12/7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế trong nước đối mặt với không ít thách thức như: tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thương mại toàn cầu giảm, tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đều giảm tốc, căng thẳng địa chính trị làm đứt gãy lưu chuyển của dòng vốn đầu tư...

Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng trưởng, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,76% (mục tiêu kế hoạch 6,8%), cao hơn mức tăng cùng kỳ giai đoạn năm 2011-2017... Việt Nam tiếp tục được thế giới đánh giá cao, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế dự báo giữ vững hoặc nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các dự báo trước đó.

“Đóng góp vào thành công chung đó có nỗ lực của ngành Tài chính. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành trong việc tích cực, chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm triển khai bài bản, đồng bộ các Nghị quyết của Chính phủ. Ngành Tài chính luôn tiên phong đưa ra các Kế hoạch hành động của Bộ cho từng thời điểm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định, với những nỗ lực đó, đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến hết tháng 6/2019, thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng mừng là cả thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương tiến độ đều đạt khá, trong đó thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Tính đến hết tháng 6, chi NSNN ước đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, công tác quản lý điều hành chi NSNN trong 6 tháng đầu năm chủ động, tích cực, bảo đảm theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Ngân sách trung ương đã trích dự phòng khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng chủ yếu để hỗ trợ cho một số địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, phòng chống dịch, dập dịch tả lợn châu Phi; Đã xuất cấp 59,1 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân và học sinh vùng khó khăn...

Tính đến hết tháng 6/2019, thu NSNN đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng mừng là cả thu ngân sách trung ương và thu ngân sách địa phương tiến độ đều đạt khá, trong đó thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 46,7%), là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây; thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán (cùng kỳ năm 2018 đạt 54%), với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Trong điều hành đã giảm bội chi NSNN thấp hơn mức Quốc hội quyết định cả về số tuyệt đối và số tương đối; siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ, góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đánh giá về điểm nổi bật này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Đây là thành công rất lớn, không phải tự nhiên có được mà đó là cả một quá trình triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp của ngành Tài chính".

Nhấn mạnh thêm những kết quả của ngành Tài chính trong 6 tháng qua, Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp hài hòa triển khai chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhờ đó kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định.

Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là tác động vòng 2 của điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu Nhà nước quản lý giá đến chỉ số CPI (xăng dầu, điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục); tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá... Nhờ vậy, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước giữ ổn định, không có biến động lớn. Chỉ số CPI tháng 6/2019 tăng 1,41% so với tháng 12/2018, bình quân 6 tháng 2019 tăng 2,64%, mức thấp so với cùng kỳ 3 năm gần đây; chỉ số lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,87% so cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao những kết quả tích cực của Bộ Tài chính trên các mặt như: Cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN)...

Vẫn còn nhiều thách thức

Biểu dương những kết quả tích cực, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành địa phương nói chung cần lưu ý một số vấn đề, thách thức lớn.

Theo đó, về công tác NSNN, hiện nay đã thêm xuất hiện khó khăn, đe dọa đến công tác thu NSNN 6 tháng cuối năm và mục tiêu cho cả năm 2019 như: Thu hút vốn FDI không còn lạc quan; Một số tỉnh, thành phố dự báo công tác thu NSNN không đạt dự toán...

Phân tích rõ hơn về những thách thức này, Phó Thủ tướng chỉ rõ, hoạt động giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN tiến độ đạt thấp so với yêu cầu dự toán và cùng kỳ năm 2018. Báo cáo đến nay cho thấy, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN đạt khoảng 32,4% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2018 đạt 33,9%; trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 36,4%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 19,2%, vốn ngoài nước đạt 14,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm, có 6 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 01 DN thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo kế hoạch. Lũy kế từ năm 2017 đến nay, mới cổ phần hóa 35/127 DN theo kế hoạch (đạt 28%), số còn phải cổ phần hóa theo kế hoạch là 92 DN (tương ứng 72%). Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, ban hành các văn bản vẫn còn chậm, chưa kịp thời theo yêu cầu đề ra để trình Thủ tướng hoặc các cơ quan thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi bổ sung...

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương cần phân tích rõ các nguyên nhân, từ đó, đưa ra các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Bứt phá để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Bộ Tài chính cần quyết liệt, bám sát triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019, từ đó tạo nền tảng và động lực bứt phá để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tạo đà triển khai và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020, kế hoạch tài chính - NSNN trung hạn 3 năm giai đoạn 2020-2022...

Về dài hạn, ngành Tài chính cần rà soát lại tỷ lệ động viên NSNN để điều chỉnh chính sách thu một cách hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu... Các chính sách cần chặt chẽ nhưng phải thông thông, phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đóng góp thêm nguồn thu cho NSNN, đồng thời cần nhanh chóng trình Chính phủ chính sách hỗ trợ về thuế đối với các DNNVV...

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN và quản lý, sử dụng tiền bán cổ phần, vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con. Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa DNNN; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn...