Nhà nước không “buông” giá xăng dầu

Theo VOV

Thời gian tới, sẽ sử dụng nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu nhằm chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Xung quanh các quyết định điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian gần đây, các chuyên gia kinh tế - cho rằng Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong bình ổn giá xăng dầu và việc điều hành giá xăng đầu đã đảm bảo công khai, minh bạch và nhất quán.

Doanh nghiệp không thể thích tăng là tăng được

Trong thời gian qua, mỗi khi xăng dầu tăng, dư luận người dân lại cho rằng lĩnh vực kinh doanh xăng dầu còn độc quyền nên doanh nghiệp thích tăng thì tăng.

Điều này, trả lời trên cổng thông tin Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế PGS-TS. Ngô Trí Long cho là hoàn toàn sai lầm.

Việt Nam là nước nhập khẩu phần lớn mặt hàng xăng dầu, trên 70%, cho nhu cầu tiêu thụ trong nước cho nên giá xăng dầu nội địa phụ thuộc rất lớn vào thị trường xăng dầu thế giới. Khi giá thế giới tăng thì sự liên thông cũng bắt buộc giá trong nước phải tăng theo. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Sự biến động theo chiều hướng tăng của giá xăng trong nước trong thời gian gần đây là khá dễ hiểu và hoàn toàn theo quy luật thị trường...

Về nguyên tắc, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nhà nước cố gắng thực hiện 2 yêu cầu trong quản lý giá xăng dầu. Một là, từng bước thị trường hóa nguyên tắc quản lý này để đảm bảo nguyên tắc thị trường và hội nhập trong quá trình phát triển và đổi mới kinh tế của Việt Nam. Hai là, cố gắng giữ ổn định trong điều kiện có thể để tránh những cú sốc tăng giá ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng mục tiêu quản lý khác của Nhà nước.

Vì vậy, ý kiến cho rằng, việc Nhà nước trao cho DN được quyền quyết định giá xăng dầu liệu đang bỏ ngỏ thị trường, để cho doanh nghiệp “tự tung tự tác”, là chưa đúng.

Theo quy định tại Nghị định 84 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao quyền định giá cho doanh nghiệp, quy định tại Nghị định 84 cũng như trong thực tế điều hành của Liên Bộ Tài chính – Công Thương việc trao quyền định giá xăng  dầu  cho DN để góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh là hướng đi đúng nhưng trao quyền  cho DN không phải là Nhà nước ‘‘buông”, không  quản lý giá xăng dầu. 

DN được quyền quyết định giá nhưng chỉ được quyết định trong biên độ Nhà nước cho phép (7%), mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do Nhà nước quy định. Rồi việc điều chỉnh giá  cũng bắt buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục mà nhà nước đã đề ra và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để  giám sát, kiểm soát. Vì vậy có thể nói là DN được quyền quyết định giá nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, không phải DN muốn tăng bao nhiêu thì tăng, muốn quy định giá bao nhiêu cũng được.

Người tiêu dùng cần biết điều tiết cho phù hợp

Xăng dầu là một trong những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt. Vì nó gắn liền với yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như tác động lớn đến đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Minh Phong: “Người dân cần phải hiểu rằng, trong bối cảnh giá xăng tăng liên tục, Nhà nước chỉ có thể điều chỉnh bằng cách sao cho giá xăng bằng mức giá nhập khẩu tối thiểu, cộng với chi phí tối thiểu của doanh nghiệp chứ không có khoản bù lỗ hơn nữa. Khi giá cả tăng chỉ có cách điều tiết tiêu dùng của mình sao cho phù hợp với khả năng thanh toán”.

Sẽ sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định trên báo Đầu tư: Tới đây, nếu giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, sẽ sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp để bình ổn giá xăng dầu trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm giữa ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cụ thể, nếu giá xăng dầu gây bất lợi cho hoạt động sản xuất và người tiêu dùng, thì sẽ áp dụng các biện pháp tổng hợp để xử lý và không loại trừ việc giảm thuế, còn giảm bao nhiêu, giảm đối với mặt hàng nào, thì cần tiếp tục theo dõi, cân nhắc, tính toán trên cơ sở bảo đảm cân đối vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tránh gây sốc cho nền kinh tế.

Trên thực tế, theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, không phải đợi đến lần tăng giá xăng tiếp theo, Nhà nước  mới chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Từ giữa năm 2010 đến hết năm 2011, thuế nhập khẩu xăng dầu ở mức 0%. Cho đến tận ngày 24/5/2012, Bộ Tài chính mới khôi phục thuế nhập khẩu xăng dầu lên mức 3%, 4% và 5%, tuỳ loại và sau nhiều lần giảm giá bán lẻ, cho đến ngày 22/6/2012, thuế nhập khẩu xăng dầu mới được nâng lên 8% và 10%. Còn mức thuế nhập khẩu hiện tại (xăng 12%, diesel 10% và mazut 12%) mới được áp dụng từ ngày 3/7/2012.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, qua 4 lần tăng giá bán lẻ vừa qua, Bộ Tài chính hoàn toàn có thể giảm thuế nhập khẩu để chia sẻ phần khó khăn với người tiêu dùng. Vấn đề này ông Thỏa cho biết, việc tăng/giảm thuế nhập khẩu, tăng/giảm bao nhiêu, tăng/giảm mặt hàng nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố, như bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, bảo đảm cân đối ngân sách…

Hơn nữa, theo phân tích của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh nguồn thu trong nước đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên việc hạ thuế nhập khẩu xăng dầu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã phải giảm thuế, giãn thuế với một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Mặt khác, chúng ta cũng biết, thuế là tiền đóng góp của dân và thu thuế cũng là để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, do đó việc chưa hạ thuế cũng đã được các cơ quan chức năng tính toán kỹ, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và nhân dân cũng như hài hoà giữa các nguồn thu trong bối cảnh hiện nay.