Bộ Tài chính quyết liệt triển khai Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ

PV.

(Tài chính) Trong 9 tháng đầu năm 2013, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã nỗ lực, phấn đấu, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp theo Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Bộ Tài chính quyết liệt triển khai Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ
Với những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngành Tài chính, trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng khá. Nguồn: internet
Chủ động điều hành công tác điều hành thu chi ngân sách nhà nước (NSNN)

Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN năm 2013; tổ chức hướng dẫn các Cục Thuế và Chi cục Thuế địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thu NSNN nói chung và việc hoàn thuế Giá trị gia tăng hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền nói riêng.

Tổng cục Hải quan đã tăng cường công tác chống buôn lậu trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm soát chặt buôn bán qua biên giới; hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan. Khẩn trương rà soát, phân loại nợ thuế.

Đối với công tác điều hành chi NSN, ngày 10/9/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12067/BTC-HCSN gửi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị tiếp tục rà soát các khoản chi đã bố trí trong dự toán để tiếp tục cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xử lý một số vướng mắc trong thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch năm 2013; đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vướng mắc trong việc thu hồi vốn ứng trước NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013; đang xin ý kiến các Bộ, ngành về việc xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án khởi công mới thuộc Chương trình Mặt trận Quốc Gia.

Đối với công tác quản lý, kiểm soát, điều hành giá tháng 9/2013

Giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho điện, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh...) vẫn được giữ như lần điều chỉnh vào đầu tháng 8. Đối với giá xăng dầu, tuy giá thế giới có biến động, nhưng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu thị trường trong nước theo mức đã điều chỉnh ngày 22/8/2013 và điều chỉnh giảm vào ngày 07/10/2013.

Riêng đối với giá dịch vụ giáo dục, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các cơ sở giáo dục công lập về giá dịch vụ giáo dục năm học 2013-2014 theo hướng giãn thời gian điều chỉnh và xây dựng tiến độ điều chỉnh hợp lý (nếu có).

Đối với việc quản lý giá sữa, từ tháng 4/2013 Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế và cơ quan liên quan họp bàn về công tác quản lý giá sữa cho phù hợp với quy định hiện hành về quản lý giá và quy chuẩn an toàn thực phẩm. Đến đầu tháng 8/2013, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế cung cấp danh sách các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, danh mục các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và danh mục các thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi; đồng thời có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa cung cấp danh mục sản phẩm sữa, các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng... dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và các văn bản liên quan. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản số 12247/BTC_QLG ngày 13/9/2013  và văn bản số 12658/BTC-QLG ngày 20/9/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý mặt hàng này.

Duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và bình ổn giá tại nhiều địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế; kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong nước.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Đối với việc tái cơ cấu đầu tư công: tính đến hết tháng 9/2013, theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phân cấp và quản lý đầu tư công, trong đó: đã tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ; tham gia rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia.    

Đối với việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Tính đến tháng 9/2013, đã có 54 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu và đang triển khai thực hiện.

10 nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2013

Thứ nhất, tổ chức thực hiện dự toán NSNN;

Thứ hai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ;

Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm;

Thứ tư, tập trung thực hiện xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trọng tâm năm 2013; đồng thời chủ động rà soát, tham mưu chương trình xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực tế của nền kinh tế;

Thứ năm, thực hiện việc tăng cường  kiểm soát thị trường, quản lý giá cả;

Thứ sáu, tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu;

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và đổi mới cơ chế tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp công;

Thứ tám, tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính và hoạt động của các định chế tài chính;

Thứ chín, tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính;

Thứ mười, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.