Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Chiều 10/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Khẳng định trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, nợ công hiện vẫn trong tầm kiểm soát; giá xăng dầu hiện được điều hành linh hoạt có sự quản lý của Nhà nước; việc truy thu thuế xăng dầu theo đúng các quy định của pháp luật và quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được đẩy mạnh với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nguồn: internet
An toàn nợ công và tài chính quốc gia

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở đánh giá các yếu tố, nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn, bao gồm chỉ tiêu tỷ lệ nợ công trên GDP, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trên tổng thu ngân sách hàng năm, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ...

Tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013) hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%. Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng… là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.

Về cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là  ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Về tiêu chí phạm vi nợ công, hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước  bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả nợ công. Đó là: Thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết; Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ; thực hiện cơ cấu lại nợ;  kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, những vi phạm… 

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN

Về tốc độ cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, vừa qua trong hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và cổ phần hóa DNNN, có những bộ, ngành rất tiêu biểu, đã phối hợp với Bộ Tài chính chặt chẽ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“Bộ Tài chính với Bộ Giao thông vận tải, hai Bộ trưởng giao kèo với nhau là 6 tháng gặp nhau một lần, có lần gặp nhau Bộ Giao thông vận tải đưa ra mấy chục kiến nghị, cơ bản những kiến nghị đó trong phạm vi thẩm quyền đều được giải quyết ngay lập tức. Cùng với sự quyết liệt của người đứng đầu ngành như thế, tiến trình cổ phần hóa như Bộ Giao thông vận tải thời gian qua rất nhanh. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tương tự như thế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết Bộ đã tham mưu Chính phủ ra Nghị quyết 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa thoái vốn của DNNN đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06 về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Vừa qua, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể hóa Nghị quyết 15. Như vậy, về cơ bản văn bản pháp lý để tiến hành cổ phần hóa và các giải pháp đẩy mạnh cơ bản đã đầy đủ. Nhưng ở đây có vấn đề theo phân công của Chính phủ thì các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh phải chỉ đạo thực hiện việc này cùng với các Chủ tịch các công ty, hội đồng thành viên. Trong quá trình thực hiện tùy thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.

Đến nay về phía trách nhiệm của Bộ Tài chính đã xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đầy đủ. Về chế tài, trong Nghị quyết của Chính phủ, trong Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rất rõ chế tài, trách nhiệm đối với người đứng đầu không thực hiện đúng lộ trình, đúng kế hoạch cổ phần hóa, kế hoạch thoái vốn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Chính phủ. Về phía Bộ Tài chính, Bộ sẽ đồng hành với các ngành, các địa phương để tiếp tục thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 03/2014 đã có 81/108 DN đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 19 DN, Bộ chủ quản phê duyệt đề án của 40 DN, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án của 22 DN); 6/108 DNđã xây dựng đề  án tái cơ cấu nhưng chưa được phê duyệt; 20/108 DNchưa báo cáo việc xây dựng đề án tái cơ cấu; 01 DN hiện đang thực hiện cổ phần hóa.

Tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã  đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu.

Về kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước gửi về Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 05/2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 DN, trong đó cổ phần hóa 4.066 DN.

Năm 2013, cả nước sắp xếp, chuyển đổi: 101 DN, trong đó: cổ phần hóa: 74 DN, chuyển thành Công ty TNHH MTV 12 DN, sáp nhập, hợp nhất 12 DN, bán 3 DN. Riêng 5 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 17 DN, trong đó có 13 Tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong hai năm 2014 – 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN (trong đó năm 2014 dự kiến cổ phần hóa 163 DN). 

Điều hành giá xăng dầu theo thị trường có sự quản lý của nhà nước

Một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý, điều hành giá xăng dầu. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Giá xăng dầu được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Giá xăng dầu lên xuống, tránh điều hành giật cục, tránh các cú sốc về giá cả đã có tác động tích cực đến chỉ số lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính tham gia phối hợp sửa Nghị định 84. Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại Nghị định 84 sửa đổi và đã có kết luận, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng với Bộ Công Thương tiến hành chỉnh sửa lần cuối lấy lại ý kiến thành viên Chính phủ, để sớm ban hành Nghị định sửa đổi.

Được biết, tại kỳ họp này, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội về tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tính đến hết ngày 30/4/2014, số dư Quỹ này còn 1.180.063 triệu đồng.