Cải cách quản lý tài chính công năm 2012 có nhiều điểm sáng

Nghi Kiều

(Tài chính) Ngày 04/12/2012, trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (diễn ra vào ngày 10/12/2012 tại Hà Nội), Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp thường niên nhóm đối tác về lĩnh vực quản lý tài chính công dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trương Chí Trung. Cuộc họp lần này có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành có liên quan và các đối tác gắn bó và hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…

Toàn cảnh buổi họp
Toàn cảnh buổi họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định, mục đích cuộc họp lần này nhằm cung cấp, trao đổi và cập nhật thông tin giữa Bộ Tài chính và các nhà tài trợ về tình hình triển khai các cải cách trong lĩnh vực quản lý tài chính công, kế hoạch trong thời gian tới và nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của ngành Tài chính. Đồng thời, sự kiện này cũng nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan của Chính phủ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đang quan tâm và hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển nền tài chính công của Việt Nam. 

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong thời gian qua. Theo đó, dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và các nước tài trợ nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song các nhà tài trợ quốc tế vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ hỗ trợ Việt Nam, góp phần quan trọng đến phát triển nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính công của ngành Tài chính trong những năm qua.

Cung cấp thêm cho cho các nhà tài trợ về tình hình kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, bối cảnh năm 2012 tình hình kinh tế Việt Nam và quốc tế vẫn chưa hết khó khăn. Riêng với Việt Nam, kinh tế vĩ mô, xuất nhập khẩu… vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông thị trường… nhờ đó, kinh tế vĩ mô đã từng bước được cải thiện, thị trường tiền tệ ổn định, GDP quý sau cao hơn quý trước. Bộ Tài chính cũng đã không ngừng tăng cường đẩy mạnh việc cải cách tài chính công và nhận được sự đánh giá cao của các nhà tài trợ và nhà đầu tư quốc tế. Quan trọng hơn, các hoạt động hợp tác của Bộ Tài chính với các nhà tài trợ quốc tế đang được triển khai ngày càng hiệu quả, phục vụ thiết thực cho việc triển khai các chương trình cải cách quan trọng trong cả hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam.

Đại diện Bộ Tài chính thông tin cho các nhà tài trợ quốc tế về những kết quả cải cách quản lý tài chính công, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, năm 2012 ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực quản lý tài chính công trên 3 mảng nội dung chính. Về mặt thể chế, Bộ Tài chính đã hoàn thành Bộ Chiến lược ngành để tạo khuôn khổ triển khai các Đề án cải cách theo một lộ trình thích hợp, theo đúng các định hướng phát triển trong từng lĩnh vực và phù hợp với mục tiêu tổng quát đã được nêu tại Chiến lược tài chính đến năm 2020. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã hoàn thành 4 dự án Luật, trình Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ phê duyệt, ban hành nhiều Đề án quan trọng; ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn việc thực thi các chính sách tài chính… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường năng lực quản lý tài chính công. Cụ thể, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính đến năm 2020, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn về tài chính công cũng như các kỹ năng quản lý, kỹ năng thực thi cho hàng ngàn lượt cán bộ ngành Tài chính...

Trên phương diện hiện đại hóa công tác quản lý tài chính, năm 2012 đánh dấu việc lắp đặt và vận hành thành công hệ thống TABMIS và hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân theo mô hình xử lý dữ liệu tập trung trên phạm vi cả nước; triển khai hệ thống thông tin quản lý nợ (DMFAS) cho quản lý nợ trong nước và tích hợp dữ liệu nợ trong và ngoài nước; kiểm thử thành công hệ thống công nghệ thông tin công bố và giám sát thông tin chứng khoán. Bên cạnh đó, năm 2012 cũng ghi dấu những bước tiến cải cách quan trọng trong một số lĩnh vực như quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý giá, quản lý thu ngân sách Nhà nước, quản lý dự trữ quốc gia... tạo tiền đề thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu cải cách lớn trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng khẳng định, tiến độ cải cách quản lý tài chính công và tình hình thực hiện cải cách quản lý tài chính công năm 2012 đã đạt được một số kết quả tích cực như nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN); nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng luôn tăng cường triển khai quan hệ đối tác trong lĩnh vực tài chính công, qua đó, kết quả quan hệ đối tác trong năm 2012 đã đáp ứng nhu cầu trong việc điều phối tiến trình cải cách, là công cụ hữu ích và phù hợp cho công tác điều phối các nguồn lực, tăng cường hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực quản lý tài chính công. Các hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong năm 2012 đã mang lại các kết quả đáng kể, góp phần tích cực cho tiến trình cải cách quản lý tài chính công, đáp ứng phần nào các nhu cầu cải cách cấp bách và nhu cầu phát triển dài hạn của ngành Tài chính. Có thể nói, những thành tựu này đã, đang và sẽ có những tác động thiết thực tới toàn bộ hệ thống tài chính và trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần vào nỗ lực chung của Bộ Tài chính và của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; hướng tới thực hiện thành công mục tiêu của Kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế về tài chính công. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ dựa trên một số định hướng nội dung như: Triển khai đề án cải cách theo 8 nhóm giải pháp nêu tại Chiến lược tài chính; Tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến động dự án; Hỗ trợ tăng cường quản lý dự án (hoàn thiện quy chế quản lý dự án, mô hình ban quản lý dự án, đánh giá/kiểm tra dự án…);  Tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại chính sách; Mở rộng các hình thức hỗ trợ/hợp tác; Sớm hình thành xây dựng chương trình vay thực hiện chính sách dành riêng cho ngành Tài chính; và Phát huy các sáng kiến xây dựng các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về quản lý tài chính công.

Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính giới thiệu một số nội dung của Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2020. Ông Phạm Văn Hà cho biết, việc xây dựng Chương trình hành động được đặt ra với mục tiêu: Xác định các nhiệm vụ chủ yếu, có tính tổng hợp, bao quát của Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược; Là căn cứ cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; Là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết và đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược. Trong Chương trình hành động có nêu cụ thể 80 Đề án lớn gắn liền với 8 nhóm giải pháp xác định trong Chiến lược…

Đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính cũng nêu rõ một số nhiệm vụ của Chương trình hành động. Theo đó, tổng thu từ thuế và phí giai đoạn 2011-2015 là 22-23% GDP, giai đoạn 2016-2020 là 21-22% GDP; trong đó thu nội địa đến năm 2015 đạt trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước và đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước; giảm mức bội chi NSNN xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 tương đương 4% GDP; nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2020 không quá 65% GDP; dư nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP; phấn đấu đến năm 2015, tổng mức dự trữ Nhà nước đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.

Một trong những nội dung được các nhà tài trợ quốc tế quan tâm là tiến độ triển khai Đề án tái cấu trúc DNNN. Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, đến nay, sau khi được Bộ Tài chính hướng dẫn, có 52 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã xây dựng đề án tái cấu trúc trình Bộ chủ quản và Thủ tướng Chính phủ. 23/52 đề án đã được phê duyệt...

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã giải đáp những câu hỏi của các nhà tài trợ đến từ WB, IMF... liên quan đến vấn đề như Đề án tái cơ cấu DNNN; những khó khăn và thách thức cải cách quản lý tài chính công của Việt Nam, đặc biệt là định hướng trong những năm tới.