Điều hành ngân sách nhà nước linh hoạt, hiệu quả


(Tài chính) Vượt qua những khó khăn, thách thức, kết quả thu Ngân sách Nhà nước năm nay đã “về đích” trước hạn, góp thêm một điểm sáng ấn tượng trong công tác của ngành Tài chính. Tại Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những nhận định sâu sắc về tình hình thu ngân sách 2014 và giải pháp lớn trong điều hành Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Điều hành ngân sách nhà nước  linh hoạt, hiệu quả - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Phóng viên: Tính đến hết tháng 11/2014, thu ngân sách nhà nước đã vượt 0,9% dự toán pháp lệnh đầu năm Quốc hội giao. Trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính đã làm những gì để đạt được kết quả này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014, dự kiến vượt 63,7 nghìn tỷ đồng
so với dự toán, tăng 12,3% so với năm 2013. Tính đến hết tháng 11/2014, NSNN đã đạt 100,9% dự toán pháp lệnh đầu năm Quốc hội giao, đạt 85,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Thu NSNN “về đích” trước hạn, một phần do kinh tế năm nay đã có những tín hiệu đáng mừng, GDP có tốc độ tăng trưởng khá, dự báo cả năm đạt trên 5,8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng trưởng khá cao. Mặt khác, lường trước những khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính đã chủ động, phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương để quản lý thu và

quản lý chi NSNN ngay từ đầu năm. Đồng thời, điều hành việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ triệt để tiết kiệm; tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo đà cho phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Không chỉ vậy, toàn ngành Tài chính còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các giải pháp thu, chống thất thu, chống chuyển giá, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ đọng thuế, chống buôn lậu gian lận thương mại, cải thiện môi trường và tạo điều kiện cho tăng thu NSNN.

Nhờ sự chủ động, tích cực và đúng định hướng trong chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm và nỗ lực của ngành Tài chính, các bộ, ngành các cấp có liên quan và nhất là sự nỗ lực của các cơ quan đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, kết quả thu ngân sách mới có thể “về đích” trước hạn.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong 6 tháng vừa qua. Ước tính dầu thô thế giới cứ giảm 1 USD/thùng, NSNN sẽ giảm đi 1.000 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ đối với tình hình thu ngân sách năm 2015, Bộ Tài chính đã có kế hoạch gì để ứng phó với vấn đề này?

Dự toán thu NSNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua với phương án giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Như vậy, cứ giá dầu thô giảm 1 USD/thùng, tính toán sơ bộ sẽ giảm thu NSNN khoảng 1.000 tỷ đồng. Ứng phó với tình hình đó, 2 tháng vừa qua, Bộ Tài chính liên tục theo dõi cập nhập tình hình diễn biến của giá dầu thế giới và tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với cơ chế thị trường.

Đà giảm giá của dầu thô thế giới dự báo sẽ còn tiếp diễn, để giải quyết căn cơ thách thức này, Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến của giá dầu, nghiên cứu các phương án điều hành phù hợp, kết hợp có hiệu quả các giải pháp về công cụ tài chính, thuế nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, của DN và người dân.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai thuế của các DN để xác định chi phí đầu ra, chi phí bán hàng, chi phí lưu thông… để kịp thời phát hiện các trường hợp tăng giá bán, tăng chi phí sản xuất kinh doanh không hợp lý, không đúng quy định, qua đó, truy thu vào NSNN; tiếp tục chỉ đạo nghành thuế, hải quan triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu... Ngoài ra, phối hợp với các cấp ủy địa phương, các ngành ở Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ NSNN năm 2015, phấn đấu hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao.

Một giải pháp quan trọng và căn cơ, đó là tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, triệt để tiết kiệm chi tiêu NSNN. Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các ngành để tham mưu cho Chính phủ tính toán đẩy nhanh lộ trình quản lý giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường trong điều kiện lạm phát đang rất thấp, kể cả điều hành sản xuất khai thác dầu thô năm 2015, đảm bảo vừa có thu cho NSNN vừa hiệu quả trong khai thác dầu thô.

Lạm phát năm 2014 dự báo không quá 4%, thấp hơn so với chỉ tiêu (7%) nhưng lại là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mức lạm phát trên có đáng lo ngại và bài học rút ra từ công tác kiềm chế lạm phát là gì, thưa Bộ trưởng?

Mức lạm phát này không đáng lo ngại, ngược lại, nó còn là tín hiệu đáng mừng cho sản xuất kinh doanh. Bởi khi lạm phát thấp thì chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm sẽ giảm… qua đó, kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Như vậy, bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác kiềm chế lạm phát là phải đảm bảo được kinh tế vĩ mô. Trong đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải hài hòa và nhịp nhàng. Cùng với đó là luôn phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá cả, chống buôn lậu gian lận thương mại, thực hiện việc thông tin công khai minh bạch các giải pháp điều hành với người dân, DN để tăng cường giám sát của xã hội đối với công tác điều hành.

 Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014