Nghị quyết 19 của Chính phủ:

Đột phá về thủ tục hải quan

Theo daibieunhandan.vn

Tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh - nhìn từ lĩnh vực hải quan”, các chuyên gia và doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, mục tiêu giảm số giờ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu xuống bằng các nước tiên tiến trong ASEAN đến hết năm 2015 trong Nghị quyết 19 của Chính phủ sẽ khó thành hiện thực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Nghị quyết 19, xét riêng chỉ số thông quan, Chính phủ đặt mục tiêu giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng các nước ASEAN-6, với thời gian hàng hóa xuất, nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu trong năm 2015. Đến năm 2016, phải giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. Nhận định về mục tiêu thông quan này, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho rằng: việc cắt giảm giờ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là điều hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu. Theo Nghị quyết 19, trong năm 2014 và 2015 rất nhiều điều về vấn đề thông quan sẽ được bổ sung, sửa đổi. Khi các văn bản thay thế này được thực hiện đồng bộ, Việt Nam sẽ đạt được mức trung bình của nhóm ASEAN 4…

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến cuối năm 2014, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu ở Việt Nam gồm: chuẩn bị tài liệu, thông quan, kiểm tra hải quan, vận tải nội địa, bốc dỡ tại cảng biển và cửa khẩu... tổng cộng là 21 ngày, cao gấp 5 lần so với Singapore, gần 3 lần so với Malaysia và gần 2 lần so với Thái Lan. Theo tính toán, Việt Nam có thể tiết kiệm được 10 tỷ USD/năm nếu đạt được mục tiêu giảm thời gian thông quan bằng trung bình của 4 nước đầu bảng ASEAN như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, tính toán này được thực hiện theo phương pháp của ngân hàng thế giới, không chỉ tính trên một nước mà áp dụng với nhiều nước. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tác động tích cực nhất. Hiện chỉ còn 4 tháng nữa là hết năm 2015, nên thời gian làm thủ tục hải quan càng dài ngày càng tốn nhiều chi phí. Trong quá trình này, nếu chi phí cứ đội lên qua mỗi khâu, lợi nhuận giảm, dẫn tới giá trị gia tăng giảm.

Ở thời điểm hiện tại, theo ông Cung, việc sửa đổi những văn bản đã được điểm danh là gây cản trở cho hoạt động thông quan hàng hóa qua biên giới vẫn còn chậm, chẳng hạn như Nghị định 187. Chậm so với yêu cầu của nghị quyết cũng như sự chỉ đạo của Thủ tướng. Ông Cung chia sẻ, theo quan sát của ông, ngành hải quan thời gian qua đã chủ động và tích cực cải cách. Tuy nhiên, chỉ ngành hải quan là chưa đủ. Nghị quyết 19 đã chỉ ra gần 300 văn bản liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu phải sửa đổi và cần có sự hợp tác giữa nhiều cơ quan, bộ, ngành. Vậy nhưng, hiện tại một số bộ tích cực, một số bộ thì chưa. Công việc đáng lẽ một tuần thì kéo hằng tháng, việc của một tháng thì kéo thành một quý.

Mấu chốt của việc tạo thuận lợi hóa thương mại này nằm ở quản lý chuyên ngành và kết nối giữa hải quan và cán bộ làm thủ tục thông quan hàng hóa. Bên cạnh đó, để hoạt động thông quan thuận lợi đòi hỏi phải đồng bộ từ các bộ, ngành. Nếu một bộ trục trặc, hoặc sự kết nối giữa hải quan và các bộ không thông suốt như mong muốn thì chưa đạt mục tiêu. Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng, doanh nghiệp rất mong đợi vào Nghị quyết 19. Nếu theo Nghị quyết này thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí đầu vào, giá thành thấp, như thế sẽ tạo điều kiện cho đầu ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu không có tính đột phá thì cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ sẽ rất khó đạt mục tiêu và doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều.

Xét từ chỉ số tạo thuận lợi hóa thương mại, chỉ mỗi ngành hải quan thì chưa đủ mà thủ tục này liên quan đến toàn bộ hệ thống quy định về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu. Vì vậy, Nghị quyết số 19 được Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu: tiếp tục cải cách toàn diện theo hướng chuyển mạnh sang hậu kiểm, áp dụng tối đa công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Nghị quyết còn đề ra rất rõ là văn bản nào thực sự đang cản trở hoạt động thông quan.

Việt Nam không thua các nước về trí tuệ, con người. Văn bản, chính sách đã ban hành. Quan trọng là các bộ, ngành hãy bắt tay thực hiện. Và “Đừng nói nữa, các ngành hãy làm đi” là thông điệp mà TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ.