Hải quan Việt Nam: Dấu ấn năm 2016, kế hoạch năm 2017

PV.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tập thể lãnh đạo các cấp và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, năm 2016, ngành Hải quan đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Thu ngân sách tính đến ngày 19/12/2016, đạt 256.292 tỷ đồng, bằng 94,9% tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2015. Để hiểu rõ hơn về hoạt động của ngành Hải quan trong năm vừa qua và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong năm 2017, Tạp chí Tài chính có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Phóng viên: Năm 2016, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu ngân sách nhà nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính. Xin ông cung cấp thêm những thông tin về giải pháp mà Tổng cục Hải quan đã thực hiện và kết quả mang lại?

Hải quan Việt Nam: Dấu ấn năm 2016, kế hoạch năm 2017 - Ảnh 1


Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.


Ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:
Năm 2016, ngành Hải quan được giao dự toán thu ngân sách là 270.000 tỷ đồng. Thu ngân sách tính đến ngày 31/12/2016, đạt 272.167 tỷ đồng, tăng 100,8% dự toán được giao.

Trong năm, giá dầu thô thế giới giảm so với khi xây dựng dự toán đã khiến thu từ dầu thô xuất khẩu giảm mạnh. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu tăng nhưng số thu không tăng tương ứng một phần là do việc giảm thuế sâu đã khiến thu NSNN của ngành Hải quan bị ảnh hưởng.

Ngay từ đầu năm 2016, xác định thu NSNN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành Hải quan, Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao với kết quả cao nhất qua hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Trong đó, Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cụ thể cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; chỉ đạo cụ thể các giải pháp cần triển khai thực hiện công tác quản lý thu ngân sách, kiểm tra sau thông quan, chống buôn lậu gian lận thương mại, chống thất thu...

Các đơn vị trong toàn Ngành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách cho doanh nghiệp (DN); Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu hiện có để xác định dấu hiệu nghi vấn, thực hiện kiểm tra trong thông quan hoặc sau thông quan để làm rõ hành vi vi phạm, thu đủ thuế... Đồng thời thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo các chuyên đề chống thất thu thuế...

Tính đến ngày 15/11/2016, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 8.311 cuộc, trong đó có 1.157 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan (bằng 101% so với cùng kỳ năm 2015), đạt 86% chỉ tiêu được giao; ra quyết định truy thu 3.090 tỷ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ năm 2015), đã thực thu vào NSNN 2.032 tỷ đồng (tăng 30% so cùng kỳ năm 2015), đạt 73% chỉ tiêu được giao.

Toàn Ngành bắt giữ 13.827 vụ vi phạm, trị giá 479,451 tỷ đồng, thu nộp NSNN 153,287 tỷ đồng; Thanh tra theo kế hoạch 21 cuộc tại 21 đơn vị; Kiến nghị truy thu thuế khoảng 260 triệu đồng và xử phạt khoảng 23,5 triệu đồng; Kiểm tra theo kế hoạch 21 cuộc tại 82 đơn vị; Kiến nghị truy thu thuế 575 triệu đồng; Xử lý sau thanh tra, kiểm tra thu nộp NSNN 18,9 tỷ đồng.

Đến ngày 15/11/2016, đã thu hồi và xử lý được 357 tỷ đồng nợ thuế quá hạn.

Bên cạnh những nỗ lực và giải pháp thu NSNN, năm vừa qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN phát triển. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các giải pháp này và các kết quả mang lại?

Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tại Quyết định 1134/QĐ-BTC, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TCHQ Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Để thực hiện thành công mục tiêu, yêu cầu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng DN, giảm thiểu thời gian và chi phí trong việc thực hiện thủ tục hải quan, năm 2016 ngành Hải quan, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, xây dựng, trình Chính phủ ban hành 03 nghị định, 04 quyết định, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016; triển khai hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại…

Bên cạnh đó, Hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS) đã được vận hành ổn định và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi và niềm tin cho cộng đồng DN. Đến nay, hệ thống được vận hành tại 100% đơn vị hải quan (với sự tham gia của trên 99% tổng số DN, trên 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và hơn 99% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước) với mức độ tự động hóa cao, thời gian thông quan đối với các lô hàng phân luồng xanh không phải nộp thuế chỉ có 4 giây.

Cùng với đó, công tác thanh toán thuế điện tử cũng được mở rộng triển khai. Tổng cục Hải quan đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu bằng phương thức điện tử với 30 ngân hàng thương mại, nâng số thu qua các ngân hàng này lên 90% tổng số thu NSNN của ngành Hải quan.
Ngành Hải quan đã chính thức triển khai e-Manifest, tiếp nhận 100% hồ sơ tàu biển và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất nhập cảnh trên địa bàn 09 Cục Hải quan có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, với sự tham gia của hơn 90% hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận.

Để đạt được yêu cầu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động triển khai cải cách, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt, từ thể chế, thủ tục hải quan đến đầu tư máy móc trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực của cán bộ công chức…

Với sự vào cuộc quyết liệt của tập thể lãnh đạo các cấp và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, năm 2016, ngành Hải quan đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2016, chỉ số về giao thương hàng hóa qua biên giới của Việt Nam đứng ở vị trí số 93/190, tăng 15 bậc so với năm 2015, là 1 trong 3 lĩnh vực có sự cải cách, thay đổi đáng kể trong năm 2016.

Trong đó, chỉ số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đã rút ngắn đáng kể, đứng trong top 4 khu vực Đông Nam Á (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam). Đặc biệt, thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể (thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu giảm từ 106 giờ xuống còn 76 giờ, thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm từ 83 giờ xuống còn 50 giờ).

2016 là năm đầu tiên Tổng cục Hải quan thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa giai đoạn 2016-2020 và đang ở giữa chặng đường thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xin ông cho biết, thời gian tới, tiến trình hiện đại hóa hải quan sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP với các chỉ tiêu: Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; Bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Toàn Ngành phấn đấu thực hiện thành công Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành hải quan giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định 1614/QĐ-BTC, ngày 19/7/2016 của Bộ Tài chính nhằm đạt được 3 mục tiêu:

(i) Tạo thuận lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với DN, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế, đảm bảo nguồn thu, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội;

(ii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan;

(iii) Từng bước xây dựng cơ quan hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc Bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (được thành lập theo Quyết định số 1899/2016/QĐ-TTg 4/10/2016), hệ thống Hải quan tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ chủ yếu sau:

(i) Triển khai, vận hành và duy trì Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết hình thành Cộng đồng ASEAN;

(ii) Thực hiện cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại thể hiện tại Hiệp định tạo thuận lợi thương mại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Điều ước quốc tế khác có liên quan đến tạo thuận lợi thương mại;

(iii) Triển khai các giải pháp tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa qua biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ.  

Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, trong đó có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của ngành Hải quan. Ngành Hải quan đã có các chương trình hợp tác quốc tế như thế nào trong thời gian qua và công tác chuẩn bị cho thời gian tới?

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và thực hiện 17 Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong đó, 11 Hiệp định đã ký, 9 Hiệp định đã có hiệu lực, 06 Hiệp định đang trong quá đàm phán hoặc đã kết thúc đàm phán. Các nội dung liên quan đến cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam mà cơ quan Hải quan phải giám sát và kiểm soát tại cửa khẩu khi thực hiện thủ tục hải quan bao gồm: kiểm tra xuất xứ hàng hóa, kiểm soát các kết quả kiểm tra chuyên ngành để từ đó quyết định cho hưởng các ưu đãi về thuế quan cho những hàng hóa đáp ứng được các cam kết theo từng hiệp định.

Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng được các điều kiện theo các cam kết tiếp cận thị trường và mới có thể được hưởng các ưu đãi về mặt thuế quan. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến lĩnh vực Hải quan thuộc các Hiệp định thư FTA còn là các cam kết về các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh theo các chuẩn mực quốc tế.

Thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã chủ động thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác, hội nhập quốc tế, trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng gồm:

Thứ nhất, về đàm phán các hiệp định FTA: Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác xây dựng các phương án đàm phán, các nội dung, vấn đề được giao như thủ tục hải quan, biện pháp tạo thuận lợi thương mại và hỗ trợ hành chính lẫn nhau.

Thứ hai, về thực hiện các FTA đã ký kết: Tổng cục Hải quan đã cập nhật cho đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là các công chức thừa hành tại cửa khẩu, các nội dung cam kết liên quan đến trách nhiệm thực hiện của cơ quan hải quan như vấn đề xuất xứ hàng hóa, các biểu thuế quan ưu đãi đặc biệt, lộ trình cắt giảm thuế quan…

Thứ ba, về các chương trình hợp tác hải quan song phương: Tổng cục Hải quan chú trọng hợp tác với các nước láng giềng có chung đường biên giới đường bộ, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Úc, New Zealand… Các chương trình này tập trung vào hỗ trợ lẫn nhau trong điều tra xác minh các lô hàng có nghi ngờ, trao đổi thông tin về các đối tượng vận chuyển các chất ma túy, xây dựng các biện pháp hỗ trợ tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ đối tác với cộng đồng DN.

Thứ tư, về hợp tác trong khuôn khổ đa phương: Hải quan Việt Nam đã tích cực tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như: WTO, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) đảm bảo vừa làm tốt nghĩa vụ thành viên, vừa tham gia có trách nhiệm trong việc đàm phán xây dựng các luật chơi chung liên quan đến kiểm soát hải quan và tạo thuận lợi thương mại.

Trong thời gian tới, để chuẩn bị cho việc triển khai một loạt các FTA, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình hội nhập và đảm bảo có hiệu quả và thực chất các chương trình hợp tác, hội nhập quốc tế Tổng cục Hải quan đã và đang chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng yếu dưới đây:

Một là, rà soát toàn bộ các cam kết đa phương và song phương bao gồm các cam kết trong các FTA, xác định cụ thể những nghĩa vụ mà Hải quan Việt Nam phải thực hiện, đồng thời tiến hành đánh giá việc thực hiện những cam kết này.

Hai là, xây dựng kế hoạch hợp tác và hội nhập trung hạn đến năm 2020 với các hoạt động cụ thể và phân giao nhiệm vụ cho từng đơn vị để thực hiện. Gắn công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đối với các vấn đề nghiệp vụ chuyên môn của các đơn vị chức năng. Kế hoạch này sẽ chú trọng đến các đối tác quan trọng của Hải quan Việt Nam như các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia, đến các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc EU, và thị trường khu vực Trung Đông.

Ba là, tập trung đàm phán các hiệp định/thỏa thuận hợp tác hải quan thế hệ mới thực chất hơn, gắn chặt với công tác điều tra, xác minh trao đổi thông tin, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng cấm và các chất ma túy qua biên giới và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới.

Bốn là, thực thi tốt trách nhiệm thành viên của Hải quan Việt Nam trong các tổ chức quốc tế như WCO, hợp tác hội nhập Hải quan ASEAN, APEC… khẳng định vai trò chủ động của Hải quan Việt Nam trong đàm phán các cam kết hải quan mới phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thương mại quốc tế.

Năm là, tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong việc hiện đại hóa hải quan, nâng cao trình độ quản lý hải quan hiện đại, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hải quan đáp ứng yêu cầu cả về hội nhập và thực thi các cam kết.

Xin cảm ơn ông!