Hỗ trợ tái thiết sau thiên tai: Thành quả đáng ghi nhận

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Hợp phần 3 hỗ trợ tái thiết Dự án quản lý rủi ro thiên tai được Chính phủ Việt Nam và World Bank (WB) ký kết vào 6/8/2010 (Bộ Tài chính đóng vai trò điều phối) có trị giá hơn 75 triệu USD sẽ chính thức khép lại vào 31/12/2013. Tại hội nghị tổng kết Hợp phần 3 dự án, diễn ra mới đây tại Hà Nội, đại diện Bộ Tài chính, WB, các tỉnh thụ hưởng lợi ích dự án đều ghi nhận thành và đạt được và những hạn chế cần khắc phục.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hơn 3,5 triệu người được hưởng lợi

Hợp phần 3 hỗ trợ tái thiết Dự án quản lý rủi ro thiên tai được thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn của WB (75 triệu USD) vốn đối ứng phía Việt Nam là 40.000 USD. Mục tiêu dự án nhằm giảm nguy cơ thiệt hại của 15 tỉnh thuộc dự án trước thảm họa bão lụt, tăng hiệu quả thực hiện các hoạt động phục hồi và tái thiết sau thiên tai; tăng cường năng lực ứng phó nhanh trước thiên tai cho các tổ chức quản lý rủi ro thiên tai ở cấp Trung ương và địa phương.

Tại hội nghị tổng kết Hợp phần 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đánh giá cao ý nghĩa của dự án. Hợp phần 3 đã góp phần quan trọng giải quyết thiếu hụt nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đối với các công trình cơ sở hạ tầng, theo cơ chế đổi mới để cung cấp nhanh nguồn vốn hỗ trợ và tăng cường năng lực đánh giá thiệt hạ ở cấp Trung ương và địa phương để quyết định giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Trong 3 năm thực hiện, tổng mức hỗ trợ trong hợp phần này cho các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai đạt 1.530 tỷ đồng (tương đương 73,97 triệu USD), đạt 99% tổng nguồn vốn được tài trợ cho 15 tỉnh ở khu vực miền trung, tây nguyên, tây nam bộ. Trong đó, căn cứ vào mức độ thiệt hại, tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam nhận được hỗ trợ nhiều nhất lên tới 160 tỷ đồng.

Với nguồn vốn hỗ trợ này các tỉnh đã khôi phục, nâng cấp, xây mới 516 tiêu dự án, trong đó có 148 công trình trường, lớp học, 36 công trình y tế, 201 công trình giao thông và 131 công trình thủy lợi đóng góp tích cực ổn định đời sống nhân dân vùng bị lũ lụt, thiên tai, phù hợp với chính sách và định hướng phát triển kinh tế tại các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung  cũng đánh giá cao cơ chế phân bổ vốn và giải phân của hợp phần 3 được thiết kế đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ được luân chuyển nhanh chóng cho các địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ. Khi thiên tai xảy ra, Bộ Tài chính, WB và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử ngay đoàn công tác đánh giá thiệt hại tại các địa phương để trình Chính phủ quyết định mức phân bổ. Nguồn vốn của dự án cũng được chuyển vào Kho bạc Nhà nước để thanh toán ngay cho các địa phương khi hoàn thành hồ sơ thủ tục.

 “Nhìn lại 3 năm thực hiện hợp phần 3 của dự án, các tỉnh đã tích cực tham gia cùng nhà tài trợ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng thực hiện tố việc đánh giá thiệt hại,  tổ chức thực hiện các công trình nghiêm túc, đúng hạn, đảm bảo chất lượng… Bên cạnh việc chú trong rút ngắn thời gian xử lý nguồn vốn hỗ trợ, Hợp phần 3 cũng chú trọng đến vấn đề chất lượng công trình của dự án. Bộ Tài chính và các bên liên quan đã xây dựng sổ tay thực hiện dự án để các địa phương có hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện các công trình với phương châm công trình sau phải tốt hơn công trình trước; công trình xây dựng phải đảm bảo bền vững chịu được các đợt mưa bão lớn hơn.”, ông Trương Chí Trung cho biết thêm.

Nâng cao hiệu quả hợp tác

Tại hội nghị, bà Keiko Sato - Vụ trưởng Vụ kế hoạch tổng hợp (WB) cho rằng thành công của việc thực hiện giải ngân 75 triệu USD của phía Việt Nam là đáng ghi nhận. Thông qua các hoạt động của dự án, công tác phòng chống thiên tai  từ cấp Trung ương đến các địa phương Việt Nam là rất hiệu quả, ước chúng có hơn 3,5 triệu người dân thuộc 15 tỉnh được hưởng lợi. Điển hình như trước cơn bản Hải Yến vừa qua, Việt Nam đã có phản ứng nhanh, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng quân đội vào cuộc…, kịp thời lên kế hoạch khoanh vùng có thể chịu ảnh hưởng thiên tai, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng thiên tai và triển khai nhanh các phương án giải quyết hậu quả sau thiên tai.

Bà  bà Keiko Sato mong muốn phía Bộ Tài chính và các địa phương tham gia dự án, có sự đúng rút kinh nghiệm xây dựng khung chính sách, thủ tục quản lý thực sự hỗ trợ tốt hơn cho quá trình huy động vốn khẩn cấp cho tái thiết sau thiên tai.

“Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến việc xây dựng tái thiết sau thiên tai, không chỉ xây dựng mới, xây dựng lại mà cần nghiên cứu xây dựng được các công trình có chất lượng tốt hơn nữa, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của cộng đồng cư dân vùng lũ, lụt, thường phải gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra…”, bà Keiko Sato cho biết thêm.