Tin học Tài chính:

Hướng tới tài chính điện tử hiện đại

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Việc xây dựng ngành Tài chính điện tử từ nay đến 2015, hướng tới hệ thống thông tin quản lý hợp nhất toàn Ngành đã từng bước hình thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thăm quan hệ thống máy chủ của Trung tâm Dữ liệu Kho bạc Nhà nước (tháng 8/2013). Nguồn: baohaiquan.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thăm quan hệ thống máy chủ của Trung tâm Dữ liệu Kho bạc Nhà nước (tháng 8/2013). Nguồn: baohaiquan.vn

Ứng dụng toàn diện

Ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, công tác tin học trong ngành Tài chính đã từng bước được hoạch định và đã xây dựng các hệ thống thông tin đáp ứng yêu cầu cơ bản công tác quản lý. Hạ tầng cơ sở được trang bị từng bước, đáp ứng ngay các yêu cầu triển khai bức thiết. Hầu hết các lĩnh vực nghiệp vụ của Bộ Tài chính đã và đang được tin học hoá, đạt hiệu quả sử dụng tương đối tốt với 105 phần mềm ứng dụng, đáp ứng trên 90% hoạt động tác nghiệp của các hệ thống dọc toàn Ngành.

Một số ứng dụng được phát triển đã có tính liên kết dữ liệu chặt chẽ, điển hình là các ứng dụng trong lĩnh vực quản lý ngân sách có tính liên thông với nhau, có thể trao đổi thông tin tạo thành hệ thống khép kín, đầu ra số liệu báo cáo của đơn vị này sẽ là nguồn dữ liệu đầu vào của đơn vị kia. Hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) ngành Tài chính đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin đa dạng, đa chiều; hỗ trợ đắc lực công tác tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động nghiệp vụ; giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn, thông tin chính xác, an toàn, kịp thời.

Trong bối cảnh có nhiều thay đổi, điều chỉnh về cơ chế chính sách, bất ổn về giá cả, thị trường, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành trên nhiều nội dung, đảm bảo kế hoạch triển khai nhiều dự án lớn, xây dựng các hệ thống ứng dụng hiện đại tạo nền tảng cho việc thực hiện Chính phủ điện tử, bao gồm: Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS); Hệ thống thông tin quản lý thuế Tích hợp (ITAIS), Hệ thống quản lý thuế Thu nhập cá nhân tập trung (PIT), Hệ thống thông tin quản lý hải quan (VCIS)... Các hệ thống này đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu triển khai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật được duy trì ổn định, thông suốt. Các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân và DN được từng bước triển khai thực hiện và phân thành 3 nhóm là ứng dụng phục vụ hoạt động nghiệp vụ (tác nghiệp và quản lý); ứng dụng phục vụ người dân và DN; ứng dụng phục vụ hoạt động nội bộ (ứng dụng dùng chung).

Việc triển khai ứng dụng CNTT còn được thực hiện trên hầu hết các yêu cầu quản lý của Ngành, quá trình thực hiện đã bám sát các yêu cầu nghiệp vụ, đáp ứng tốt các khâu tính toán, luân chuyển, hỗ trợ tốt các nghiệp vụ tổng hợp toàn Ngành. Tỷ lệ đáp ứng chung khoảng 60%-70% so với yêu cầu nghiệp vụ. Việc cung cấp các thông tin, diễn đàn trao đổi góp ý qua các trang tin điện tử, website, cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chương trình cải cách hành chính tiến tới nền Tài chính điện tử.

Bộ Tài chính cũng đã thực hiện quản lý tập trung triển khai ứng dụng CNTT, có phân cấp quản lý, triển khai cho các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ; giao việc quản lý, triển khai CNTT cho các đơn vị CNTT thuộc các đơn vị hệ thống. Sự quan tâm này thể hiện qua việc tăng cường đầu tư cho hệ thống CNTT toàn Ngành, hoàn thiện thể chế, cơ chế, cơ cấu tổ chức của hệ thống CNTT ngành Tài chính.

Tập trung xây dựng hạ tầng mạnh

Khi hệ thống nghiệp vụ ngành Tài chính ngày càng được mở rộng và phức tạp hơn thì nhu cầu cập nhật công nghệ, đi kèm với đó là công tác quản lý Nhà nước đầu tư ứng dụng CNTT trong giai đoạn mới cũng khác trước. Điều này đòi hỏi việc triển khai ứng dụng CNTT phải đổi mới cả về cơ cấu tổ chức lẫn cung cách quản lý, phân bổ công việc đến từng đơn vị.

Đầu việc nhiều thêm trong khi đầu tư ứng dụng CNTT có nhiều đặc thù như công nghệ thay đổi nhanh; định giá, đánh giá chất lượng sản phẩm khó; sự thành công của dự án phụ thuộc nhiều vào đào tạo, chuyển giao công nghệ cũng như sự quan tâm của cán bộ sử dụng... Do đó, việc vận dụng các quy định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT cần linh hoạt song vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.

Đề cập khó khăn, Cục trưởng Đặng Đức Mai cho biết, điểm vướng nhất trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT của ngành Tài chính giai đoạn hiện nay là phải áp dụng theo quy định của Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn NSNN. Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định thay thế theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thực tế của Bộ Tài chính thời gian qua như nâng cấp, chỉnh sửa ứng dụng nghiệp vụ; trang cấp thiết bị bổ sung, thay thế, xác định chủ đầu tư, về tổ chức tư vấn, về lập tổng mức đầu tư, về thiết kế thi công, tổng dự toán, về thành lập Ban quản lý dự án, về năng lực kinh nghiệm, tổ chức thực hiện...

Trước mắt, để đảm bảo việc tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trong toàn ngành được đồng bộ thống nhất, tuân thủ các quy định của Nhà nước Nghị định số 102, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Quy chế quản lý đầu tư ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính. Theo đó toàn bộ cách quản lý, đầu tư, triển khai ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thực hiện theo quy trình quản lý đầu tư.

Song song với đó, Cục Tin học và Thống kê tài chính sẽ tiếp tục đào tạo chuyên sâu tin học cho phù hợp với trình độ của từng đối tượng cán bộ và gắn liền với công nghệ áp dụng trong hệ thống thông tin của ngành Tài chính nhằm trang bị các kiến thức kỹ năng công nghệ mới để chỉ đạo và tổ chức triển khai các chương trình, dự án công nghệ thông tin của hệ thống tài chính; tổ chức các lớp đào tạo kiến thức tin học cơ bản, các lớp tập huấn sử dụng các ứng dụng tác nghiệp, hướng dẫn khai thác cơ sở dữ liệu cho cán bộ nghiệp vụ đảm bảo toàn bộ cán bộ có đủ kiến thức để sử dụng thành thạo các ứng dụng tác nghiệp phục vụ công tác chuyên môn...

Cục trưởng Đặng Đức Mai khẳng định, giai đoạn 2011- 2015 là thời kỳ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó việc đầu tư CNTT được coi là một đòn bẩy phát triển kinh tế. Trên cơ sở các chiến lược phát triển chung của quốc gia, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong Ngành một cách an toàn, hiệu quả, tiếp tục đi đầu trong các bộ, ngành về ứng dụng CNTT.

Trong đó, tập trung vào việc tăng cường cung cấp các dịch vụ công, trao đổi thông tin, gắn kết các ứng dụng của ngành Tài chính với cải cách hành chính; xây dựng các ứng dụng theo mô hình tập trung, quản lý nguồn lực cũng như tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hạ tầng máy chủ, hạ tầng cơ sở dữ liệu và hạ tầng truyền thông của ngành Tài chính để tạo ra hạ tầng đủ mạnh, an toàn, phục vụ cho các ứng dụng CNTT phục vụ công tác nghiệp vụ, hướng tới một nền tài chính điện tử hiện đại.

Ngày 22/10/1989, Tổ nghiên cứu Đề án tổ chức hệ thống tin học ngành Tài chính (tiền thân của Cục Tin học và Thống kê tài chính - Bộ Tài chính) chính thức được thành lập, khởi động công cuộc nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNTT vào công tác quản lý ngành Tài chính.

Bộ Tài chính luôn được đánh giá là một trong những bộ ngành phát triển ứng dụng CNTT hàng đầu trong nhóm các cơ quan Chính phủ. Điển hình, kết quả xếp hạng VIETNAM ICT INDEX (mức độ sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT của Việt Nam), Bộ Tài chính đứng thứ 2 năm 2012 và đã thăng hạng chiếm vị trí thứ nhất vào năm 2013 với chỉ số là 0.7987.

Hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính đã hình thành hệ thống mạng diện rộng gồm 2 trung tâm miền và 61 trung tâm tỉnh, kết nối 95% các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và 96% đơn vị cấp huyện. Hiện nay, tất cả các hoạt động tác nghiệp quan trọng hàng ngày của ngành về thu chi ngân sách tại các phân hệ Thuế, Hải quan, Kho bạc, Tài chính... đều thực hiện dựa trên hệ thống mạng này.