Không ban hành chính sách làm giảm thu- tăng chi

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Ngày 23/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ở điểm cầu Trụ sở Chính phủ tại Hà Nội. Nguồn: chinhphu.vn
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ở điểm cầu Trụ sở Chính phủ tại Hà Nội. Nguồn: chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng hàng trăm đại biểu dự hội nghị trực tuyến trên khắp đất nước.

Nội dung của Hội nghị là đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Chính sách tài khóa góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất

Về chính sách tài khóa, Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày tại Hội nghị đánh giá: Trong năm qua, các cấp, các ngành đã kịp thời thực hiện miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu NSNN theo Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 09/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu; khẩn trương rà soát các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc xử lý các khoản nợ đọng thuế, chống thất thu (cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2013 đã thanh tra, kiểm tra 43.654 doanh nghiệp, thu vào 8.916 tỷ đồng tăng 14% so với cùng kỳ, giảm số lỗ 7.970 tỷ đồng; đã thanh tra, kiểm tra 1.223 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu, phạt, truy hoàn 481 tỷ đồng, giảm lỗ 1.697 tỷ đồng); chấn chỉnh công tác hoàn thuế, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; chủ động, tích cực trong đấu tranh chống buôn lậu, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại...

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch- Đầu tư cũng nhấn mạnh, năm 2013 công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan tiếp tục được quan tâm thực hiện, như: giảm thời gian kê khai và nộp thuế; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thuế, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế qua mạng; tuyên truyền hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng...

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực rà soát chặt chẽ các khoản chi; triệt để tiết kiệm, hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài kế hoạch; xử lý các khoản chi không chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Tính đến hết tháng 11/2013, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi đối với gần 495.900 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN; đã phát hiện trên 53.050 khoản chi của gần 23.950 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; tạm dừng chưa thanh toán với số tiền gần 1.000 tỷ đồng;  cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm (khoảng 3.100 tỷ đồng).

Theo Báo cáo, mặc dù NSNN còn nhiều khó khăn nhưng vẫn bảo đảm chi đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng an ninh, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội cũng như các khoản chi đột xuất như ứng cứu thiên tai, lũ lụt...

Các biện pháp về thu chi ngân sách đã được tăng cường

Khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước cùng với việc triển khai các biện pháp hoãn, giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.... đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thu NSNN năm 2013, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhờ tăng cường các biện pháp về thu- chi NSNN theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ thu NSNN, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm đã có sự cải thiện. Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng thu NSNN đạt 85,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.

Tổng chi NSNN ước đạt 88,6% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân đạt khoảng 94,1% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt khoảng 86,4% kế hoạch. Bội chi NSNN cả năm 2013 khoảng 195,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% GDP (kế hoạch là 162 nghìn tỷ đồng, bằng 4,8% GDP). Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn.

Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm

Dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày tại Hội nghị. Theo đó về chính sách tài khóa, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Rà soát lại các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế.

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. Rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trong quý II/2014.

Phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án, tình hình thị trường tiền tệ và tình hình kinh tế vĩ mô. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Kiểm tra, giám sát và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm của bộ, cơ quan, địa phương trong phân bổ, bố trí và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ.

Rà soát các nội dung đầu tư, cắt giảm các chi phí, hạng mục chưa thật cần thiết trên nguyên tắc vẫn bảo đảm mục tiêu chủ yếu của dự án; căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án và xem xét, quyết định dừng những dự án chưa thật cấp bách, kém hiệu quả, tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả cao hơn.

Tiếp tục thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép và thu gọn mục tiêu, giảm chi sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn hiệu quả; khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện.