Minh bạch hóa xăng dầu theo cơ chế thị trường

Theo Chinhphu.vn

(Tài chính) Chiều ngày 20/12, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến "Minh bạch hóa giá xăng dầu theo cơ chế thị trường". Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Cục trưởng phụ trách Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo tham dự cuộc tọa đàm.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
BTV: Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá lại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/10/2009, xin hỏi là công tác này tiến hành đến đâu và qua rà soát, đánh giá thì đã thấy có vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung không?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương rà soát Nghị định 84 và yêu cầu trong tháng 12 phải trình, chúng tôi đã hoàn thành và  sẽ trình  trong 1, 2 ngày tới. Chúng ta phải hình dung Nghị định 84 là văn bản cụ thể, còn có những văn bản khác quy định về vấn đề này và chúng ta không nên nhầm lẫn giữa Nghị định 84 và các văn bản khác đó. Nghị định 84 quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về kinh doanh xăng dầu, còn cụ thể hóa dành cho các văn bản cụ thể.

BTV: Thưa Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay chúng ta đang áp dụng quy định kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng vì sao đã 3 năm thực hiện theo Nghị định 84 mà kinh doanh xăng dầu vẫn chưa theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu vẫn chưa lên xuống theo giá thế giới. Vì sao đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được quyền định giá bán xăng dầu như tinh thần Nghị định 84? Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này được không?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta xây dựng nền kinh tế hị trường có sự quản lý của Nhà nước, xuất phát từ một nền kinh tế tập trung bao cấp. Việc chuyển đổi đó không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai. Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây là nghị định tiếp nối các Quyết định 187, Nghị định 55 và sau này còn nhiều bước nữa để kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

BTV: Gần đây có một số ý kiến cho rằng Petrolimex độc quyền (hoặc thuộc nhóm có vị trí thống lĩnh thị trường) trong kinh doanh xăng dầu, do vậy việc giao quyền cho doanh nghiệp tự quyết định giá là đi ngược với nguyên lý quản lý và do đó, khó có cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước khi giá giảm, ngược lại, giá trong nước tăng ngay khi giá thế thề giới vừa tăng...Ông bình luận vần đề này như thế nào?...

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Theo tôi khi nhận xét một vấn đề cần phải phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn. Đối với trường hợp của Petrolimex có 2 điều kiện cần xem xét. Thứ nhất, khi chúng ta còn trong cơ chế kinh tế bao cấp thì Petrolimex là đơn vị duy nhất cung cấp xăng dầu cho cả nước.  Đến nay, chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu và cần nhiều hơn nữa. Thứ hai, chúng ta tiến từ việc Nhà nước định giá, đến nay doanh nghiệp được định giá 7% trở xuống, khi chúng ta có 13 đầu mối thì việc tự định giá này được thực hiện nhiều hơn.

Nói về độc quyền thì cần nói 2 vấn đề là: thị phần và định giá. Petrolimex hiện nay còn 48% thị phần, rõ ràng từ 100% xuống 48% là bước tiến dài. Về định giá từ ngày 1/10/2009, khi Nghị định 84 có hiệu lực đến nay, cơ bản là hoạt động định giá vẫn là do Nhà nước điều tiết (40 tháng), doanh nghiệp chỉ có 2 tháng.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Nói minh bạch hoá xăng dầu theo Nghị định 84 sẽ không đầy đủ nếu không bám theo lộ trình của Chính phủ điều hành xăng dầu theo thi trường thì từ Quyết định 187 năm 2003, khi đó quản lý giá xăng dầu với tinh thần minh bạch, công khai, tiếp cận với giá thị trường.

Thứ hai, trong chủ trương kinh doanh xăng dầu thì trong Quyết định 187, Nghị định 55 ( năm 2007) và sửa đổi bằng nghị định 84 (2009) đây là lộ trình trong 10 năm và đối với Petrolimex từ một đơn vị trước năm 1990 độc quyền 100% có trách nhiệm cung ứng theo chỉ tiêu nhà nước thì chúng ta đã tạo ra thị trường và Petrolimex cũng chủ động tạo khoảng trống cho thị trường cho các doanh nghiệp khác. Tới nay cơ bản đã có 13 đầu mối, hàng ngàn doanh nghiệp với 13.000 cửa hàng trong đó Petrolimex có 2.500, tất cả doanh nghiệp đầu mối khoảng  trên 3.000. Như vậy thị trường xăng dầu đã có khả năng xác lập. Vấn đề còn lại là vận hành như thế nào để tạo ra thị trường thực thụ. Vì vậy, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84 nhằm thiết lập một thị trường xăng dầu chuyển dần sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước mà chúng ta đã và đang từng bước thực hiện.

BTV: Xin hỏi ông Nguyễn Anh Tuấn về tính minh bạch của giá xăng dầu? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, chúng ta thực hiện quản lý giá xăng dầu theo theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện các quy định của pháp luật, trong đó có các Nghị định của Chính phủ. Chúng ta đang thực hiện theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong Nghị định này: Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các doanh nghiệp.  Chúng tôi cho rằng cơ chế giá này rất công khai, minh bạch.

Về công khai, Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84, các bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 quy định cụ thể về cấu thành giá, quỹ bình ổn giá... Thứ hai, mỗi lần điều hành giá, chúng tôi đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao. Thứ ba, kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí...

Về minh bạch, chúng tôi đều thông báo rõ ràng các chi phí cấu thành giá, ví dụ giá cơ sở... Tôi xin thông tin đến người dân và các cấp như vậy.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Những ai cho rằng giá xăng dầu không minh bạch, xin dành 1 giây đồng hồ, giở bất cứ một tờ Thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính. Do vậy, không thể nói là không minh bạch.

BTV: Thứ ông Nguyễn Anh Tuấn, có ý  kiến cho rằng “Cơ chế giá hiện hành khiến lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng bị xung đột. Khi giá cả thế giới xuống thấp, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá cả thế giới lên cao thì lợi ích của nhà nước lại bị thiệt hại.”

Ông nhận xét về ý kiến này như thế nào? Thực tế này có khiến cho việc điều chỉnh giá trong nước không bắt kịp với biến động giá xăng dầu thế giới hay không? Vì chính điểm này khiến người tiêu dùng bức xúc do thấy giá thế giới giảm nhưng ở ta lại không giảm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin được chia sẻ thế này. Thứ nhất là phải thực hiện theo nguyên tắc như tôi đã đề cập, tức là bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Tôi xin thông tin lại là hiện nay giá cơ sở tính theo giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải dựa trên giá dầu thô. Do vậy, cơ quan báo chí cần lưu ý để thông tin tuyên truyền cho phù hợp.

Thứ hai là hiện chúng ta tính giá cơ sở trong 30 ngày nên phải tính đủ thời gian để tính giá bán lẻ. Thời gian qua, do tính 30 ngày có lẽ hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới nên cần phải xem xét lại vấn đề này để kiến nghị các cơ quan chức năng. Xem xét Nghị định 84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.

BTV: Ý kiến đưa ra là chu kỳ tính giá nên khoảng 15-20 ngày, ông đánh giá thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Rất nhiều phương án đặt ra, và chúng tôi cũng đang tính khoảng 10 ngày phù hợp hơn với tín hiệu thị trường thế giới. Trong Nghị định 84 cũng có quy định tối thiểu 10 ngày các doanh nghiệp mới được tăng giá và tối đa 10 ngày phải giảm theo tín hiệu thị trường thế giới. Đây cũng là một cơ sở nhưng chúng tôi thấy chu kỳ 10 ngày thì hơi ngắn, sẽ ảnh hưởng tới vấn đề lưu thông. Do vậy xác định lưu thông phải dài hơn và còn liên quan đến an ninh năng lượng. Vấn đề đặt ra là có nên điều chỉnh chu kỳ 30 ngày không. Chúng tôi đang nghiên cứu để có hướng để báo cáo cơ quan chức năng và có lẽ giảm chu kỳ tính giá độ 15 ngày. Tuy nhiên cũng nên cân nhắc vấn đề lưu thông.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Về vấn đề này tôi xin được bổ sung. Có một nguyên tắc mà chúng ta hay quên là khi tính trung bình một giai đoạn nếu giai đoạn càng dài thì số trung bình càng cao, càng thể hiện tính định hướng và bỏ qua giao động bất thường. Xăng dầu cũng vậy thôi. Chúng ta tính thời gian càng dài bao nhiêu thì càng điều hành theo định hướng, xu thế mà không điều hành theo thang giá nhất thời từng ngày. Và ngược lại chúng ta tính càng ngắn thì tính nhất thời càng thể hiện rõ.

Còn 30 ngày hay không 30 ngày thì chủ yếu liên quan đến giá. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại quan tâm một số vấn đề khác là đảm bảo nguồn cung, dự trữ khi thị trường bất ổn, hệ thống cung ứng. Chúng ta phải có một lượng dữ trữ nhất định. Nguồn này đến từ đâu? Một là Nhà nước bỏ tiền ra. Hai là doanh nghiệp kinh doanh phải dự trữ. Trong tình hình hiện nay, nguồn lực Nhà nước có hạn nên Nhà nước dự trữ không nhiều. Chúng ta phải giao nhiệm vụ dự trữ cho doanh nghiệp trong 30 ngày. Tuy nhiên, trong tình hình thị trường xăng dầu gần đây, 30 ngày có thể không đảm bảo an ninh năng lượng, Nhà nước đã tính đến khả năng dự trữ 45 ngày. Nhưng điều này vì nhiều lý do chúng ta không thực hiện được.

Chúng ta yêu cầu dự trữ 30 ngày nhưng không thể điều hành giá theo 10 ngày được. Vậy chúng ta chỉ có hai cách, giảm dự trữ 15 ngày và điều hành giá trong 15 ngày. Nếu không Nhà nước phải bỏ tiền ra để bù 15 ngày còn lại. Đây là bài toán giải quyết một vấn đề.

BTV: Vậy theo ông, giải bài toán này như thế nào?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi cho rằng giải bài toán này làm sao để đạt được hai việc. Thứ nhất là đảm bảo dự trữ cho an ninh năng lượng. Tình hình càng ổn định chúng ta càng có điều kiện giảm dự trữ và ngược lại. Thứ hai, kinh tế đất nước mạnh hơn chúng ta có điều kiện tăng dự trữ Nhà nước và giảm dự trữ cho doanh nghiệp.

BTV: Nhưng người dân luôn nghĩ rằng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì phải giảm, còn khi tăng họ cũng sẵn sàng chi tiền để mua xăng dầu với giá tăng?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Tôi phải nhắc lại vấn đề này. Với người dân, điều quan trọng là có xăng dầu để mua và hay là vấn đề giá? Tôi nhắc lại vấn đề để chúng ta tự kết luận, thời bao cấp giá rất rẻ nhưng không có hàng bán, dân có lợi không? Đôi khi có hàng hóa thì phải xếp hàng từ nửa đêm để mua hàng hóa mà nhiều người không mua được. Điều hành phải tính tới làm sao để mọi người đều có thể dễ dàng mua được xăng dầu và sau đó, tính tới giá cả hợp lý. Đây là phương trình nhiều ẩn số chứ không phải chỉ để giải quyết một vấn đề.

Ông Bùi Ngọc Bảo:  Đúng là chúng ta có câu hỏi lên nhanh, xuống chậm, những quy định của chúng ta có giải quyết được không? Thứ nhất, mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá, rất minh bạch, nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào. Nhìn lại kết cấu giá năm 2012, tôi lấy ví dụ giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng, chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%, điều này phải giải thích bằng cách  thức khác. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng “chạy” cả thì rõ ràng ảnh hưởng đến giá cuối cùng.

Trong việc tổ chức vận hành thuế của chúng ta, trong suốt thời gian dài , chúng tôi theo dõi và thấy thuế của chúng ta được vận hành thiên về bình ổn giá, nghĩa là giá thế giới cao thì điều chỉnh hạ thuế, để giá bán thấp, thậm chí nhiều thời điểm về bằng 0%, đương nhiên giá bán sẽ không theo xu thế thế giới, chỉ tăng vừa phải. Điều đó chứng tỏ Chính phủ và Bộ Tài  chính quan tâm bình ổn giá và khi giá hạ thì điều chỉnh thuế. Trong năm 2012, gần như thuế bằng 0% trong 6 tháng đầu và phải sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh giá tăng cao. Tất yếu đến nay khi giá xăng dầu thế giới hạ thì phải có thuế.

Nhưng nếu nhìn cả chu trình dài thì có vẻ không minh bạch. Tôi nhấn mạnh đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản, từ Quyết định 187, Nghị định 55 và Nghị định 84, cả 3 đều không thực hiện được điều khoản về thuế, các điều khoản khác rất tốt. Những bức xúc của dư luận về tăng nhanh giảm chậm là vì thế.

Tôi cho rằng phải thực hiện đúng quy định, là phải ổn định thuế. Mục tiêu thứ nhất của thuế là nguồn thu ngân sách chính, mục tiêu tiếp theo mới là giá, còn quy định 30 ngày, 20 hay 10 chỉ đặt ra là 30 ngày thì giá ổn định cao hơn, nhưng với doanh nghiệp thì không quan trọng. Quy định 10, 20, 30 ngày phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu của chúng ta chứ không phụ thuộc vào việc giá thế giới tăng nhanh hay chậm. Nếu ta không đánh giá kỹ điều này thì có sửa đổi Nghị định cũng không quy định được, và sẽ lại tăng nhanh, giảm chậm.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Phải nói đến 2 vấn đề. Thứ nhất, năm 2009 khi ban hành Nghị định 84, tình hình kinh tế thế giới khó khăn, giá xăng dầu chủ yếu tăng, chỉ giảm cục bộ. Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo trong 3 lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân, ưu tiên trước hết người dân, thứ hai là doanh nghiệp, thứ ba là nhà nước. Lợi ích người dân thể hiện ở giá, của doanh nghiệp ở chỗ ít nhất hòa vốn, của nhà nước ở thuế. Thực hiện như thế nào? Đó là ưu tiên giá bán dưới giá cơ sở, tôi khẳng định điều này dù nhiều người còn nghi ngờ.  Nhưng nếu không tin, hãy mở tờ Thị trường hàng ngày, so sánh với giá cơ sở là biết ngay.

Thứ hai, ta luôn bình ổn giá, để giá thấp hơn giá cơ sở, trước đây bù giá trực tiếp cho doanh nghiệp, năm 2008 khoảng 23 nghìn tỷ đồng, theo Nghị định 84 thì không còn nên doanh nghiệp bị lỗ tích lũy. Nhà nước hầu hết hi sinh về thuế, trong khoảng từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 9 năm nay, không thu thuế xăng dầu. Lẽ ra khi giá thế giới giảm thì ta phải bù thuế, khi nào giá tăng thì cho tăng để doanh nghiệp bù lại, nhưng ta chưa bao giờ bù cho doanh nghiệp cả. Sau khi kiểm toán năm ngoái, Bộ Tài chính thừa nhận doanh nghiệp lỗ tích lũy mười mấy nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vừa qua đánh giá toàn diện về xăng dầu thì như anh Bảo nói, từ Quyết định 187 đến 55 và 84, chúng tôi đánh giá Nghị định 84 là tương đối tích cực khi chuyển sang cơ chế thị trường, trước khi ban hành Nghị định 84 thì năm nào cũng phải bù lỗ. Xin nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần bình ổn giá. Vừa qua, Thủ tướng đã nhắc, khi giá xăng dầu thế giới tăng thì điều hành phải cân nhắc tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, sử dụng công cụ thuế, phí... nhà nước phải hi sinh lợi ích. Thứ hai là sử dụng quỹ bình ổn giá, sử dụng rất linh hoạt trên nguyên tắc quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

BTV: Đối với thuế, nhiều nước đã áp dụng cách tính thuế theo giá tính thuế cố định, thuế suất tính thuế cũng rất ổn định, rất ít khi thay đổi để chủ động trong thu ngân sách và doanh nghiệp cũng chủ động trong tính giá xăng dầu? Vì sao đến nay Bộ Tài chính không áp dụng cách tính này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong định giá xăng dầu hiện nay có thuế tuyệt đối là thuế môi trường, tuy nhiên, khi đánh giá tác động thực hiện sắc thuế đó, các nước đa phần sử dụng thuế tương đối. Và khung thuế xuất nhập khẩu xăng dầu của chúng ta thực hiện theo cam kết khi gia nhập WTO là từ 0-40%, đây cũng là cơ hội sử dụng công cụ thuế để thực hiện bình ổn giá, đảm bảo mức độ giá hợp lý phù hợp nhất.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Nếu chúng ta giữ mức thuế cố định hoặc thu thuế tuyệt đối thì lợi cho Bộ Tài chính, Nhà nước thì không có chuyện duy trì giá xăng dầu thấp như 2 năm qua. Vì vậy, trong khung thuế xăng dầu từ 0-40%, chúng ta đã duy trì mức thuế rất thấp hàng năm và mới đây nâng lên 5-10%, cứ giữ thuế xăng ổn định tuyệt đối thì thời gian qua giá xăng dầu dù được bình ổn sẽ cao hơn nhiều.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Đúng là khi tham gia WTO thì chúng ta có cam kết khung thuế 0-40% và Chính phủ  đã trình Quốc hội duyệt khung thuế này. Và việc chúng tôi đề xuất ban hành mức thuế tuyệt đối không phải cố định con số tuyệt đối mà có yêu cầu theo tỷ lệ, hầu hết các nước ban hành biểu thuế theo tỷ lệ % nhưng cố định con số từng năm, từng giai đoạn, kế hoạch và áp dụng theo tỷ lệ % tuỳ theo yêu cầu ngân sách và tính toán mức giá bán cho người dùng trong vòng 6 tháng hay 1 năm.

Nếu giá xuống thấp quá thì chúng ta có thể tăng thuế lên đến 40%. Cái này sẽ giải quyết những vấn đề hết sức bức xúc thời gian qua như tạm nhập tái xuất, hoàn thuế, gian lận giá… Như đối với Campuchia, Lào đều áp dụng thu thuế tuyệt đối và rất thuận tiện trong xây dựng ngân sách. Đối với doanh nghiệp chúng tôi, vài năm gần đây không thể xây dựng được kế hoạch lợi nhuận và chỉ tiêu ngân sách. Chúng tôi đưa ra sản lượng nhưng giá không ổn định nên không thể làm được điều này.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Nếu chúng ta áp mức thuế 1 năm thì lợi cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhưng người dân thiệt khi tăng giá bất thường, như vậy đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng là điều hành giá linh hoạt, thứ nhất nếu giá tăng thì giảm thuế, thứ hai là doanh nghiệp hi sinh một phần và cuối cùng mới đến người dân.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Theo tôi, quan trọng là cần xác định chúng ta muốn gì. Giá xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, và đây chính là tâm điểm dư luận bức xúc là tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường. Muốn điều ấy không xảy ra thì phải ổn định giá. Có nghĩa là có nghĩa giá lên bao nhiêu thì giảm thuế, và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định. Vấn đề chúng ta đặt mục tiêu gì, thuế là để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá.

Thường giá cao hay thấp thì chúng ta hoàn toàn có thể bình ổn. Vấn đề vận hành theo thị trường tôi nói thêm cả ba văn bản Quyết định 187, Nghị định 55, Nghị định 84 thì đều nói xây dựng mức thuế ổn định. Vì vậy, cần xác định là bám theo mục tiêu này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Mỗi sắc thuế ban hành thì đều phải được tính toán, lấy ý kiến các đối tượng tham gia với các mục tiêu: động viên ngân sách, là công cụ điều tiết sản xuất, thực hiện điều chỉnh giá… tuỳ theo từng thời kỳ thì chúng ta tính toán mục  tiêu nào là trên hết. Đối với sắc thuế nhập khẩu cần phải đánh giá thực hiện công cụ gì, theo chỉ tiêu nào nên không thể để giá chạy và chúng tôi đánh giá thời gian qua bình ổn giá xăng dầu là nhịp nhàng giữa các bộ, ngành. Tôi xin nói là bình ổn, chứ không phải ổn định, nếu không còn công cụ nào thì phải tăng giá, còn doanh nghiệp phải chia sẻ.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Tôi cho rằng có những giai đoạn đảm bảo yếu tố thị trường thì chúng ta cần phải điều tiết thậm chí lỗ, nhưng điều tôi muốn đề cập là chúng ta nói xăng dầu không bù lỗ, vận hành theo thị trường có sự quản lý nhà nước (sắc thuế, phí) thì việc giảm thuế có nghĩa chúng ta bù lỗ gián tiếp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp thông qua thuế. Năm 2009, thuế nhập khẩu của Petrolimex nộp cho nhà nước là 11.000 tỷ đồng, đồng nghĩa cả nước chừng 22.000 tỷ đồng, năm 2011 chúng tôi nộp hơn 1.000 tỷ đồng, có nghĩa năm 2011 nhà nước bù 9.000 tỷ để ổn định giá, có nghĩa chúng ta vẫn đang tiếp tục bù lỗ. Doanh nghiệp đòi hỏi vận hành theo thị trường không phải để đảm bảo lợi nhuận mà chúng ta cần vận hành thống nhất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Vừa rồi Chính phủ, Bộ Tài chính hy sinh rất nhiều để bình ổn giá. Nhưng theo Nghị định 84 thì chỉ khi giá xăng dầu vượt quá 12% thì mới sử dụng công cụ đó.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Đúng là Nghị định 84 quy định tăng giá trong vòng 7% là quyền của doanh nghiệp nhưng nước ta còn nghèo, nhất là từ năm 200,  kinh tế toàn cầu khủng hoảng nên mục tiêu điều hành bình ổn giá lúc đó đặt lên trên mục tiêu tiến tới vận hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, do công cụ điều chỉnh giá ít nên chúng ta điều hành có lúng túng nhất định, lại theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau.

Một độc giả hỏi: Tôi mong chờ một cơ chế để có quyền  lựa chọn cây xăng với giá bán khác nhau?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều hành giá đang xác định theo giá cơ sở theo Nghị định 84, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 234 đưa ra công thức tính, để cơ quan quản lý nhà nước tính, không phải giá thực tế của doanh nghiệp.

Chúng tôi khẳng định không phải chỉ có 1 giá, các doanh nghiệp cạnh tranh khá khốc liệt về giá, dĩ nhiên theo biên độ cho phép. Hiện nay không đến nỗi các doanh nghiệp bắt tay nhau định giá, nhưng vì đều bám sát giá cơ sở nên giá giữa các doanh nghiệp chênh lệch không nhiều, vì giá thế giới tương đối ngang nhau, thuế, phí như nhau...

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Chúng ta đều có nguyện vọng “sông trong nhà đẹp”, nhưng muốn có phải xây theo quy trình, nếu nóng vội thì có khi không có nhà mà có đống đổ nát. Xây dựng thị trường cạnh tranh xăng dầu là một quá trình dài, chúng ta đang hướng tới điều đó.

Độc giả Trần Văn Lực chủ doanh nghiệp tư nhân Toàn Phát tại Thành phố Đông Hà , tỉnh Quảng Trị chuyên kinh doanh về lĩnh vực xăng dầu hỏi: Tôi được biết giá xăng dầu được tính theo vùng miền vận chuyện càng xa thì cấu thành giá càng cao thế tại sao tỉnh Quảng Bình gần tổng kho xăng dầu Vũng Áng hơn tỉnh Quảng Trị nhưng chỉ số giá bán lẻ Quảng Trị lại thấp hơn Quảng Bình? Những doanh nghiệp ngoài hệ thống Petrolimex chúng tôi không được bù giá (trường hợp bị lỗ) thì có được quyền tự đóng cửa hàng không? Tại sao?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Về câu hỏi thứ hai, tôi xin nói là anh không có quyền đóng cửa hàng, vì đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nếu đóng phải đóng cửa vĩnh viễn. Khi tham gia kinh doanh thì phải bán đến cùng và đây là điều kiện khi gia nhập thị trường kinh doanh xăng dầu.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Về chi phí định mức, đây là mức bình quân, trong quy định vừa qua không quy định vùng, nhưng trong thực tế thì chi phí gần cảng, xa cảng có khác. Chúng tôi ghi nhận và sẽ cùng Bộ Công Thương quy định mức giá phù hợp, nhưng khống chế tối đa chênh lệch vùng không quá 2%.

BTV: Xin hỏi Bộ Công Thương, vừa qua Petrolimex công bố kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu quý III/2012 cho thấy, kinh doanh xăng dầu nội địa vẫn còn lỗ, xin cho biết nguyên nhân? Vì sao hầu hết các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài và tạm nhập tái xuất xăng dầu đều công bố có lãi trong khi kinh doanh trong nước lại gặp khó khăn?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Thời gian qua, doanh nghiệp có thời gian tự định giá ngắn, phạm vi hẹp, tất cả biến động do nhà nước điều hành và chúng ta bình ổn giá thì vẫn bán dưới giá cơ sở nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước vẫn lỗ là đương nhiên, còn tạm nhập tái xuất thì không bị điều tiết bởi quy định điều tiết xăng dầu. Thời gian qua không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước nếu kinh doanh tậm nhập tái xuất xăng dầu đều có lãi.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Năm nay là năm đầu tiên Petrolimex cổ phần hoá nên chế độ công bố thông tin theo quy định Uỷ ban Chứng khoán, 6 tháng đầu năm, Petrolimex lỗ do giá cả lên cao, do mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhà nước điều hành giá tương  đối ổn định, doanh nghiệp không tính được định mức… nên 6 tháng chúng tôi lỗ, nhưng quý III/2012 chúng tôi đã có lãi và tính chung 9 tháng Petrolimex có lợi nhuận công bố 58 tỷ đồng, đương nhiên đây là con số quá nhỏ so với vốn sản xuất kinh doanh.

BTV: Xin hỏi Bộ Công Thương, mỗi năm cả nước nhập trên dưới 10 triệu tấn xăng dầu. Đây là khối lượng rất lớn nhưng hiện nay chúng ta lại đang nhập khẩu nhỏ lẻ qua 11 đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu đã nhập nhỏ lẻ thì hình như giá bán sẽ phải theo nguyên tắc nhỏ lẻ, tức là giá cao? Vậy xin ông giải thích rõ hơn về điều này?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Các doanh nghiệp cũng phải nhập theo từng lô, theo tháng, ngày cụ thể. Vấn đề này anh Bùi Ngọc Bảo nắm rõ hơn.

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi không rõ nói nhập nhỏ lẻ là theo quy định, hay suy nghĩ nào, nhưng Petrolimex thì không thể mua lớn hơn được nữa, vì một chuyến tàu của chúng tôi có khi lên tới 150.000 khối, đó là quy mô lớn nhất trong thương mại bình thường trên thế giới. Tất cả các đầu mối của Việt Nam cũng nhập với giá như các doanh nghiêp khác trên thế giới.

BTV: Khi nhập khẩu, chúng ta có đầu thầu không?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Chúng ta nhập theo nhu cầu dài hạn, đều có nhà cung cấp đủ điều kiện, theo đấu thầu, chào hàng cạnh tranh, hàng quý đều có đấu thầu, chào hàng cạnh tranh. Giá xăng dầu hết sức minh bạch theo cơ chế thị trường.

BTV: Có ý kiến cho rằng, việc kìm giữ giá xăng dầu quá dài trong năm 2010 là không cần thiết, ảnh hưởng tới thực hiện chủ trương về chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường của Chính phủ, không được duy trì nhất quán. Ông nghĩ thế nào về ý kiến trên và việc này có lặp lại hay không?

Ông Nguyễn  Anh Tuấn: Trước năm 2010, bối cảnh nền kinh tế rất khó khăn nên với mục tiêu đặt ra là bình ổn giá nên Nhà nước đã hy sinh thuế và đã giữ được ở mức giá tương đối ổn định, thấp hơn giá cơ sở, tức là thấp hơn mặt bằng giá thế giới. Nhà nước đã sử dụng công cụ thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ở đây chúng ta phải nhìn nhận vai trò của Nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Do vậy, chúng ta phải nhìn nhận theo từng giai đoạn, nếu kinh tế mạnh, chúng ta có điều kiện hội nhập sâu hơn, có điều kiện áp dụng cơ chế thị trường. Lúc đó, chúng ta sẽ phải tính toán để có lợi nhất mà tôi xin nhắc lại là đạt hai vấn đề: bám sát tín hiệu thị trường, theo giá thế giới nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước.

BTV: Xin được quay trở lại với lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu. Ông đánh giá thế nào về việc hiện nay có nhiều cây xăng bán xăng kém chất lượng và gian dối về số lượng? Tại sao không thể quản lí được chặt chẽ về vấn đề này?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Hiện thống cửa hàng xăng dầu trên cả nước có khoảng 13 ngàn, trong đó của Petrolimex khoảng 2.500, của các doanh nghiệp Nhà nước khác khoảng 500, còn hơn 10 ngàn cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Hệ thống này đều theo quy định của Nghị định 84, là đại lý cho 13doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp phải giám sát đại lý của mình, kể cả chất lượng.

Vừa qua, các đầu mối, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng trên thực tế thì mạng lưới rất lớn, tản mạn, cơ sở kỹ thuật vật chất không thực sự đồng đều, quan hệ giữa đầu mối và đại lý là quan hệ giữa pháp nhân và pháp nhân nên trong chừng mực nào đó việc quản lý cũng không thực sự như cửa hàng của mình. Với Petrolimex, qua kiểm tra 2.500 cửa hàng đều không phát hiện gian lận về đong đo, chất lượng, vì đó là hệ thống của chúng tôi, có chế tài kiểm tra, kiểm soát rất chi tiết.

Thứ hai, thời gian qua, các doanh nghiệp cũng phải tiết giảm chi phí, một vấn đề tôi phải thừa nhận là hoa hồng không đủ cho doanh nghệp hoàn vốn, có thể do lợi ích cục bộ, họ có thể vi phạm. Nhưng với sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương, các đầu mối, sẽ tạo ra một cơ chế để đại lý có lợi nhuận, tình trạng này sẽ dần chấm dứt.

Ông  Nguyễn Cẩm Tú: Ta không nên lấy hiện tượng để kết luận về tất cả. Trong 13 nghìn cây xăng thì tỷ lệ gian lận là rất nhỏ, có thời điểm cơ quan nhà nước đã phát hiện đến 20, 30 cây xăng vi phạm, nhưng đừng kết luận cả 13 nghìn cây xăng đều vi phạm. Hãy công bằng hơn với những người làm tốt.

Bạn đọc Ngô Văn Sơn tại địa chỉ sonhamnghi@...com gửi câu hỏi: Xin hỏi Thứ trưởng Bộ Công Thương hiện nay có còn qui định 1 đại lý, Tổng đại lý chỉ được mua xăng dầu của 1 đầu mối?

Trường hợp đầu mối không đảm bảo thù lao để cho đại lý duy trì hoạt động dẫn đến lỗ kéo dài như năm 2012 thì đại lý có được phép đóng cửa không? Nếu đóng cửa có bị rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh như hiện nay hay không? cơ sở nào để Bộ Công Thương đề ra qui định này? Việc qui định đại lý kinh doanh xăng dầu đóng cửa sẽ bị rút giấy phép đủ điều kiện kinh doanh có trái luật pháp không?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Như tôi đã nói, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện, nên những doanh nghiệp khi tham gia thị trường thì đều phải chấp hành, không còn cách nào khác.

BTV: Bạn đọc tên là Ngọc Hải gửi thư đến cho chương trình, tôi chỉ xin đọc vắn tắt như sau:  Chúng tôi là những cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Thực sự các đại lý bán lẻ trực tiếp như chúng tôi đây đang chết dần chết mòn, phải chịu sự thống trị của các công ty đầu mối, và lại sắp có chính sách mới quy định hoa hồng đại lý Không vượt quá 50% chi phí định mức, trong khi chi phí định mức là 680 đồng/ 1lít, sao các vị không tính đến cửa hàng bán lẻ?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Thứ nhất, trong vấn đề phí, giá, thuế phải đặt trong bối cảnh cụ thể, tổng thể của thị trường. Thứ hai tăng phí lên không khó, nó sẽ vào giá, vấn đề là ưu tiên lợi ích của ai, tôi xin nhắc lại thứ tự ưu tiên lợi ích hiện nay là người tiêu dùng, doanh nghiệp và cuối cùng là nhà nước. Vì vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được, đầu tư không đủ, chi phí cao thì phải rút khỏi thị trường. Luật chơi đã được định sẵn, còn nếu trong hoàn cảnh thuận lợi thì nếu Petrolimex làm như thế thì cơ quản lý nhà nước đã “thổi còi từ lâu”.

Ông Hoàng Ngọc Bảo: Thực tế đại lý cùng chung quyền lợi với doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vì vậy không có chuyện doanh nghiệp đầu mối có lợi nhuận mà không chia sẻ cùng đại lý. Trong thời gian qua cùng với mục tiêu bình ổn giá cả , giảm thiểu lạm phát thì bản thân doanh nghiệp đầu mối cũng hết sức khó khăn và doanh nghiệp đại lý cũng phải chia sẻ. Và việc sửa đổi mức phí, giá đúng hơn thực tế thì mức chia sẻ thời gian tới sẽ đảm bảo doanh nghiệp trong dây chuyền ít nhất có lãi.

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Nếu điều hành giá trong 13.000 cây xăng có một vài chục, một vài trăm cây xăng khó khăn về chi phí thì điều hành đúng, nếu 50% số cây xăng có khó khăn đến mức phải đóng cửa thì điều hành có vấn đề. Tôi xin chia sẻ khó khăn với các đại lý, cây xăng, có những thời điểm như tháng 3/2011 phí hoa hồng chỉ còn  70-100 đồng/lít, thời điểm ngấp nghé vỡ hệ thống xăng dầu và buộc chúng ta phải tăng giá xăng dầu ở mức tương đối lớn.

BTV: Các doanh nghiệp đầu mối đều kêu chi phí định mức 600 đồng/lít xăng dầu mà Bộ Tài chính quy định xây dựng đã lâu và quá lạc hậu, tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn không điều chỉnh chi phí này. Vậy Bộ Tài chính dự định thay đổi cách tính chi phí này như thế nào để công khai và tránh cơ chế xin-cho?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chi phí định mức với xăng dầu được quy định tại Thông tư  234 , được xây dựng từ năm 2009, ở thời điểm đó thì định mức này là phù hợp. Nhưng từ đó tới nay, các yếu tố tác động tới chi phí định mức đã có thay đổi, chúng tôi đang đánh giá rà soát để sẽ có điều chỉnh hợp lý, đặc biệt là chi phí tiền lương, tài chính (lãi suất), vận chuyển.

BTV: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải chịu trách nhiệm về hệ thống tổng đại lý, đại lý của mình, tuy nhiên thực các doanh nghiệp đầu mối không thể quản được hệ thống tổng đại lý, đại lý. Vì thế có nhiều hiện tượng các tổng đại lý làm trái quy định Nghị định 84, ký hợp đồng lấy xăng dầu tại nhiều doanh nghiệp đầu mối, rồi các đại lý nhập xăng dầu không rõ nguồn gốc... dẫn tới chất lượng xăng dầu không bảo đảm. Để giám sát hệ thống này, Bộ Công Thương sẽ có biện pháp gì?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Theo Nghị định 84, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu phải chịu trách nhiệm về hệ thống tổng đại lý, đại lý của mình, kể cả về chất lượng, nhưng điều đó không có nghĩa các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối chỉ kiểm soát về nguyên tắc, doanh nghiệp đầu mối không phải cảnh sát, trong khi có tới 320 tổng đại lý, 4.500 đại lý và 13 nghìn cửa hàng bán lẻ... Chúng ta phải cùng kiểm soát để hiện tượng mà biên tập viên vừa nhắc đến không phải là phổ biến, còn các cơ quan quản lý cũng phải tham gia, như Bộ Công Thương phải đảm bảo không có cây xăng nào nghỉ bán, phải bán xăng dầu của đầu mối chứ không được nhập hàng từ doanh nghiệp khác hay không rõ nguồn gốc, Bộ Tài chính phải xem chi phí thế nào, Bộ Khoa học và Công nghệ đảm bảo cửa hàng bán lẻ không được bơm xăng dầu thiếu, không được pha... Không nên để doanh nghiệp đầu mối phải làm tất cả.

Ông Bùi Ngọc Bảo: Tôi cho rằng mọi việc sẽ dần theo chuẩn mực. Cùng với sự giám sát về quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp đầu mối, trách nhiệm của đầu mối với từng cửa hàng, cộng với quyền lợi thiết thực mà doanh nghiệp mang lại cho đại lý, hệ thống bán lẻ sẽ đi vào ổn định.