Ngành Tài chính thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP

PV.

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ và Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, trong tháng 3 và Quý I/2015, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt nhiều kết quả khả quan.

Chính phủ tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet
Chính phủ tiếp tục mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: internet

1. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát:

a) Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính

(1) Hoàn thành việc thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2015 cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện dự toán và thẩm định việc phân bổ, giao dự toán của các đơn vị dự toán cấp I theo quy định.

(2) Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế cho Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006), tạo cơ sở để xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp trong từng lĩnh vực: giáo dục đào tạo, dạy nghề; y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ...

(3) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành:

- Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015 (công văn số 213/BTC-NSNN ngày 26/3/2015).

 - Chỉ thị về tăng cường quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN (công văn số 3387/BTC-NSNN ngày 17/3/2015).

(4) Tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thuế và tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế và thu ngân sách tại các doanh nghiệp; phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tính đến hết tháng 3/2015, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành quy định của pháp luật về thuế đối với trên 10.000 doanh nghiệp, đạt 13,9% kế hoạch năm, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2014, qua đó xử lý thu vào NSNN trên 1.300 tỷ đồng; đồng thời, đã xử lý khoảng 9.800 tỷ đồng tiền nợ thuế từ năm 2014 chuyển sang, góp phần giảm 0,7% nợ thuế so với thời điểm 31/12/2014. Cơ quan Hải quan đã thực hiện gần 230 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 26% kế hoạch đề ra; xử lý truy thu vào NSNN khoảng 320 tỷ đồng, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2014

b, Tăng cường kiểm soát thị trường giá cả:

Tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiếu yếu theo lộ trình. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất mùi 2015 theo đúng Chỉ thị số 36/CT-TTg  ngày 22/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

(2) Tổ chức điều hành giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá dầu thế giới. Theo đó, trong tháng 3 đã điều chỉnh tăng giá bán trong nước đối với mặt hàng xăng với tổng mức tăng 1.610 đồng/lít so với cuối tháng 2 (từ 15.670 đống/lít lên 17.256 đồng/lít). Trong quá trình điều hành, Liên Bộ Tài chính – Công thương đã cung cấp đầy đủ thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu và tạo sự đồng thuận của cả xã hội.

(3) Căn cứ quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương (tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3/2015), Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan dự kiến mức NSNN hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách khoảng 49.000 đồng/hộ/tháng, tăng 3.000 đồng/hộ/tháng so với mức hỗ trợ trước, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách năm 2015 tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng.

(4) Tiếp tục đôn đốc, theo dõi các địa phương trong việc triển khai Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1079/QĐ-BTC và 6544/BTC-QLG ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

c, Quản lý và điều hành Thị trường chứng khoán:

Do chủ động có những giải pháp ngay từ đầu năm, hoạt động của thị trường Chứng khoán vẫn đảm bảo ổn định, an toàn, cụ thể:

- Về chỉ số: Tính đến ngày 30/3/2015, chỉ số VN-Index đạt 545,19 điểm, giảm 8% so với cuối tháng 2 và giảm 0,1% so với cuối năm 2014. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 81,59 điểm, giảm 4,9% so với tháng 2 và giảm 1,7% so với cuối năm 2014.

- Về mức vốn hóa thị trường: Mức vốn hóa thị trường đến cuối ngày 30/3 đạt khoảng 1.144 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 87 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 2 và tương đương 29% GDP năm 2014 (tăng 2% so với cuối năm 2014).

- Về giá trị giao dịch: Trong tháng 3/2015, quy mô giao dịch bình quân phiên đạt 6.509 tỷ đồng, tăng 59,5% so với tháng 2 và tăng 16,8% so với bình quân phiên năm 2014, trong đó giao dịch trái phiếu chính phủ bình quân mỗi phiên đạt 4.114 tỷ đồng/phiên, tăng 80% so với bình quân phiên tháng 2/2015

2. Thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:

Theo kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa 289 doanh nghiệp (chưa kể số doanh nghiệp sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp mới theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014). Tính đến nay, 289 doanh nghiệp đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó, 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 29 doanh nghiệp (3 Tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Trong 3 tháng đầu năm có 27 DNNN thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 Sở giao dịch Chứng khoán (bằng 28% số lượng cả năm 2014, năm 2014 là 97 doanh nghiệp). Tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,6 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014), trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được là trên 60,5 triệu cổ phần (chiếm 44% tổng số lượng cổ phần chào bán), thu được gần 1.251 tỷ đồng (bằng 11% cả năm 2014).

Như vậy, trong 9 tháng cuối năm 2015 còn phải thực hiện cổ phần hóa 262 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch năm 2015.

3. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh:

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; trên cơ sở đó đang khẩn trương hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định trên nhằm sớm đưa chính sách vào cuộc sống. 

Triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 – 2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện CCHC góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới, kết quả cải cách TTHC thuế, bảo hiểm xã hội năm 2014 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 và năm 2016, trong đó:

(i) Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tiếp tục được đẩy mạnh, phấn đấu giảm số giờ kê khai nộp thuế, tăng số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số địa phương nộp thuế điện tử. Cơ quan Thuế, Hải quan đã chủ động rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế, nhằm tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn pháp luật về thuế, tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân để nâng cao tính tuân thủ trong thực thi pháp luật thuế.

Phấn đấu trong năm 2015 giảm số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan về mức tương đương các nước ASEAN-6 (thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm, thời gian hàng hóa xuất, nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu) và đến cuối năm 2016 tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 (thời gian nộp thuế còn 119 giờ/năm; thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu còn dưới 10 ngày, thủ tục nhập khẩu còn dưới 12 ngày).

 (ii) Đối với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội: Bộ Tài chính đang cùng các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam thực hiện các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm giờ thủ tục hành chính về BHXH theo chỉ đạo của Chính phủ