Dự án Luật thuế Tài sản:

Thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, góp phần đảm bảo công bằng xã hội

PV.

Xây dựng Dự án Luật thuế tài sản nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, góp phần đảm bảo công bằng xã hội - Ảnh 1
Toàn cảnh buổi Họp báo.

Đó là đánh giá của ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tại buổi Họp báo Chuyên đề về Đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế Tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 13/4/2018 tại trụ sở Bộ Tài chính.

Sự cần thiết xây dựng Luật thuế tài sản

Chia sẻ thêm về sự cần thiết xây dựng Luật thuế Tài sản, ông Phạm Đình Thi khẳng định nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN); Thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Khẳng định vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng Luật thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, ông Phạm Đình Thi cho biết, xây dựng Luật thuế Tài sản để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, một trong những yêu cầu đặt ra là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, trong đó cải cách chính sách thuế nhằm điều chỉnh kịp thời các hoạt động kinh tế đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thuận lợi và bảo vệ lợi ích quốc gia trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những mục tiêu và yêu cầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như sự cần thiết đồng bộ cơ chế chính sách lĩnh vực tài chính ngân sách nói riêng, Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, góp phần đảm bảo công bằng xã hội - Ảnh 2
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Bộ Tài chính phát biểu tại buổi Họp báo.

Nhiều cơ chế phù hợp thực tiễn

Nêu bật những nội dung trọng tâm được Bộ Tài chính đề nghị tại Dự án Luật thuế Tài sản, ông Phạm Đình Thi cho biết, Luật thuế Tài sản quy định về đối tượng chịu thuế; Đối tượng không chịu thuế; Người nộp thuế; Căn cứ tính thuế; Giá tính thuế, thuế suất; Nguyên tắc miễn, giảm thuế; miễn thuế, giảm thuế và đăng ký, khai, nộp thuế.

Luật thuế Tài sản áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng chịu thuế tài sản và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Tại Dự án Luật thuế Tài sản, Bộ Tài chính đề nghị quy định đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tài sản đối với đất như sau: Đất ở (gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị); Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; Đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm); Đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Đối tượng không chịu thuế tài sản đối với đất gồm đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều trường hợp miễn, giảm thuế đối với đất, nhà ở của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật.

Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế tài sản đối với đất ở trong hạn mức giao đất ở mới, nhà ở của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; Thương binh hạng 1/4, 2/4; Người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; Bệnh binh hạng 1/3; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; Vợ, chồng của liệt sỹ; Con của liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng; Người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn...