Thị trường trái phiếu chính phủ: Kỳ vọng tăng trưởng!

TRẦN THỊ MINH HẢI

(Taichinh) - Mặc dù tình hình huy động vốn trái phiếu chính phủ 5 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng, tuy nhiên, với ổn định kinh tế vĩ mô cùng nền tảng phát triển của thị trường trái phiếu trong những năm qua, mục tiêu đề ra trong năm 2015 vẫn có thể đạt được...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đối mặt với khó khăn

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2015, qua HNX, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công 66.943,91 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP). Tuy nhiên, kết quả các phiên đấu thầu cũng cho thấy, việc phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên) đã bắt đầu bộc lộ khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự “mặn mà”.

Chẳng hạn như ngày 21/5/2015, HNX tổ chức phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng với 2 loại kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.000 tỷ đồng). Kết quả là loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 17 thành viên tham gia dự thầu, nhưng chỉ huy động thành công 35 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,40%/ năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 19/5/2015). Đối với loại trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 6 thành viên tham gia dự thầu, chỉ huy động thành công được 180 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,60%/ năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 15/5/2015).

Thậm chí, trong phiên đấu thầu TPCP ngày 26/5/2015 do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 5 và 10 năm nhưng cũng không thành công và không có lãi suất trúng thầu. Các đợt phát hành trước đó với các kỳ hạn dài cũng không thành công do các nhà đầu tư chưa có ý định đầu tư.

Theo kế hoạch phát hành TPCP quý II/2015, tổng giá trị phát hành là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm chiếm tỷ trọng lớn nhất là 50.000 tỷ đồng, còn lại kỳ hạn 10 năm và 15 năm mỗi kỳ hạn 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình hình các nhà đầu tư kém “mặn mà” như hiện nay, không ít ý kiến lo ngại về kịch bản của quý I sẽ tái hiện trong quý II này.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc huy động vốn TPCP trong thời gian qua giảm khá mạnh là vì thị trường có nhu cầu mua các loại trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm, nhưng nhà phát hành không chào bán các loại trái phiếu này (theo yêu cầu của Quốc hội bắt đầu từ năm 2015, chỉ phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên nhằm tránh các áp lực trả nợ trong ngắn hạn). Trong khi đó, các nhà đầu tư – chủ yếu là các ngân hàng thương mại lại có vẻ thích thú với các loại trái phiếu ngắn hạn hơn. Ngoài ra, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước khống chế tỷ lệ đầu tư trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Cụ thể, ngân hàng thương mại trong nước được đầu tư TPCP theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 35%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%... Điều này phần nào ảnh hưởng đến sức mua TPCP trong thời gian qua.

Vẫn nhiều kỳ vọng

Bất chấp những lo lắng về khối lượng phát hành TPCP giảm trong thời gian qua, chuyên gia Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, trong năm 2015, các yếu tố như quy mô nền kinh tế lớn hơn, quá trình tái cấu trúc hiệu quả, lạm phát và tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, thặng dư cán cân thanh toán cao, nguồn vốn đầu tư từ FDI tăng… sẽ tạo ra niềm tin lớn cho nhà đầu tư và tác động đẩy thị trường trái phiếu phát triển. Việc khống chế tỷ lệ đầu tư trái phiếu đối với các ngân hàng thương mại cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường TPCP bởi nếu xét tổng thể, “room” còn lại của các ngân hàng thương mại đầu tư vào TPCP vẫn vượt tổng số lượng phát hành TPCP huy động vốn trong năm nay mà Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra.

Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2009 - 2014, số vốn huy động được do đấu thầu tập trung tại HNX đạt gần 655 nghìn tỷ đồng, gấp 13 lần so với giai đoạn 2000 - 2008. Từ năm 2012, huy động vốn thông qua đấu thầu đã trở thành kênh chủ đạo, với giá trị huy động tăng mạnh. Thị trường đấu thầu được tổ chức trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai minh bạch, đã giúp hình thành mức lãi suất phát hành hợp lý, luôn thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng thương mại, tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng, góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất và giảm lạm phát.

Nhằm tiếp tục huy động vốn phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường TPCP. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu mà trọng tâm là thị trường TPCP theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 261/ QĐ-BTC năm 2013 nhằm thúc đẩy việc huy động vốn cho NSNN, cho chính quyền địa phương và cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc điều hành thị trường TPCP của Bộ Tài chính cũng sẽ gắn với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ; Thực hiện cơ chế điều hành lãi suất TPCP linh hoạt phù hợp với lãi suất trên thị trường tiền tệ đảm bảo vai trò định hướng và tham chiếu cho các loại lãi suất khác, hình thành đường cong lãi suất chuẩn của thị trường; Thực hiện tái cơ cấu các loại trái phiếu đã phát hành để tạo thuận lợi cho giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục trái phiếu, giảm gánh nặng trả nợ của ngân sách trong ngắn hạn.

Có thể nói, với các giải pháp đồng bộ được đưa ra, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng có thể thực hiện thành công kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng TPCP đề ra cho năm nay.