Thiết lập mạng lưới quản lý chi tiêu công ở châu Á

Huyền Thu

(Tài chính) Ngày 9/10, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế cùng phối hợp tổ chức Hội thảo của Cộng đồng hành nghề Kho bạc thuộc Mạng lưới quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA) tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Financeplus.vn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Financeplus.vn

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đánh giá cao sáng kiến của Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Quốc tế, các tổ chức liên quan về việc thiết lập mạng lưới quản lý chi tiêu công ở châu Á. Diễn đàn là cơ hội tốt để các quốc gia thành viên chia sẻ, trao đổi và học tập lẫn nhau về các kinh nghiệm trong cải cách quản lý tài chính công, cũng như phân tích những thách thức, qua đó thống nhất giải pháp cùng nhau phát triển.

Hội thảo của Cộng đồng hành nghề Kho bạc thuộc Mạng lưới quản lý chi tiêu công châu Á được thực hiện ngay sau khi Bộ Tài chính hoàn thành việc triển khai Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc, đánh dấu một bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện chiến lược cải cách tài chính công của Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện, cải cách quản lý tài chính công ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, thông qua việc thực hiện đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng nâng cao tính chủ động và quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý và sử dụng ngân sách, đổi mới công tác quản lý NSNN, tăng cường minh bạch ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực tài chính, từng bước phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, tình hình cải cách quản lý tài chính công ở Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đó là phải tổng kết, nghiên cứu để xác lập hệ thống NSNN, tổ chức phân cấp ngân sách phù hợp với các điều kiện và thực tiễn quản lý kinh tế, phân định thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan đảm bảo quản lý ngân sách thống nhất, hiệu quả; Phân bổ ngân sách còn dựa trên các yếu tố đầu vào, chưa dựa trên kết quả đầu ra; chưa xây dựng, ban hành và áp dụng chuẩn mực kế toán công cho lĩnh vực công; Trách nhiệm giải trình trong quản lý sử dụng NSNN còn hạn chế, chưa thực hiện một cách đầy đủ.

Tại Hội nghị này, trên diễn đàn trao đổi, tổng kết nghiên cứu về vấn đề tổng hợp báo cáo tài chính trong lĩnh vực công, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ chia sẻ với các nước thành viên tham gia về một số nội dung sau:

Thứ nhất, thực trạng và xu hướng trình bày, giải trình và công bố thông tin tài chính Chính phủ, mối quan hệ với chuẩn mực kế toán công tại các nước đang phát triển.

Thứ hai, nội dung, hình thức báo cáo tài chính của các đơn vị trong lĩnh vực công, báo cáo tài chính toàn Chính phủ, mối quan hệ với chuẩn mực công quốc tế, quy trình tổng hợp, phê duyệt, phát hành và công khai thông tin tài chính toàn Chính phủ.

Thứ ba, tổ chức bộ máy kế toán, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm giải trình của các đơn vị trong lĩnh vực công. Đi sâu và tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm giải trình của đơn vị thực hiện nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tài chính toàn Chính phủ.

Thứ tư, hỗ trợ của hệ thống thông tin trong việc tổng hợp thông tin tài chính Chính phủ từ cấp cơ sở lên đến toàn quốc.

Thứ năm, lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam, đối tượng và phạm vi áp dụng kế toán tiền mặt, kế toán dồn tích; cơ sở kế toán để lập báo cáo thu, chi ngân sách và báo cáo tài chính toàn Chính phủ.

Hội thảo kéo dài trong 3 ngày, từ 9-11/10/2013.