Thống nhất đầu mối kiểm soát chi qua KBNN: Giao dịch thuận lợi, đúng quy trình

PV.

Nhiều đơn vị đã đến làm thủ tục tạm ứng, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu khi Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện Đề án Thống nhất kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Thống nhất đầu mối kiểm soát chi qua KBNN giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thống nhất đầu mối kiểm soát chi qua KBNN giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Thông tin trên vừa được ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) cho biết tại Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức mới đây.

Tiếp nhận hồ sơ, xử lý giao dịch nhanh chóng

Theo ông Vũ Đức Hiệp, từ khi triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN của các tỉnh, thành phố đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Việc kiểm soát thanh toán qua KBNN theo hướng một cửa, một giao dịch viên diễn ra khá thuận lợi, đúng quy trình.

Cán bộ kế toán và kiểm soát chi phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là tại cấp tỉnh, cấp huyện đã giúp tháo gỡ các vướng mắc kịp thời, nhất là trong việc giao nhận chứng từ giữa 2 phòng kiểm soát chi và kế toán tại KBNN cấp tỉnh; giữa cán bộ kiểm soát chi và cán bộ kế toán tại KBNN cấp huyện, nên việc triển khai Đề án được thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống, đảm bảo thời gian kiểm soát chi theo quy định.

Cùng với đó, do nhận được thông báo từ trước nên các đơn vị đến giao dịch với KBNN đã chủ động tìm hiểu các thông tin, chỉ dẫn giao dịch với công chức kiểm soát chi theo sự phân công được công khai trên các bảng chỉ dẫn. Nhiều đơn vị đã đến làm thủ tục tạm ứng, thanh toán các khoản chi NSNN ngay những ngày đầu tiên khi KBNN triển khai thực hiện Đề án. 

Điểm đáng ghi nhận nhất là các thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán chuyển tiền của khách hàng được diễn ra nhanh chóng, khách hàng không phải mất thời gian đi lại nhiều lần. Do đó, Đề án này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao từ phía khách hàng.

Theo số liệu sơ bộ của KBNN các tỉnh, thành phố, từ ngày 2/10/2017 đến ngày 15/10/2017, tổng số bộ hồ sơ KBNN các tỉnh tiếp nhận là 662.064 bộ; trong đó 659.341 bộ đã được giải quyết với tổng số tiền thanh toán là 67.737.400 triệu đồng và 2.723 bộ hồ sơ đã được tiếp nhận, đang trong giai đoạn triển khai giải quyết.

Đơn giản hơn nữa các hồ sơ thủ tục kiểm soát chi

Để triển khai có hiệu quả Đề án Thống nhất kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN, theo ông Nguyễn Hồng Hà, Tổng giám đốc KBNN, thời gian tới hệ thống KBNN cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu ban hành văn bản pháp lý hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về quy trình nghiệp vụ, cơ chế chính sách, hạch toán kế toán, mục lục NSNN…  để KBNN các tỉnh, thành phố có cơ sở thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hoàn thiện quy trình bàn giao điện tử theo hướng giảm bớt thao tác thực hiện, rút ngắn thời gian kiểm soát, thanh toán nhằm phân định rõ trách nhiệm của Phòng/bộ phận kiểm soát chi và Phòng/bộ phận kế toán.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN theo nguyên tắc giảm bớt và đơn giản hơn nữa các hồ sơ thủ tục kiểm soát chi của các đơn vị gửi đến KBNN; thực hiện phân quyền nhiều hơn nữa cho các đơn vị sử dụng NSNN, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quyết định chi NSNN (cả chi thường xuyên và chi đầu tư).

Thứ ba, rà soát hoàn thiện Quy chế hoạt động, phân công và phối hợp công tác trong Ban lãnh đạo đơn vị KBNN và quan hệ công tác giữa các phòng nghiệp vụ, giữa các công chức trong thực thi nhiệm vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng chức danh, vị trí công việc được phân công; chú ý đến việc phân quyền, phân cấp trong việc ký thay, ký ủy quyền trên các hồ sơ, chứng từ, các bảng đối chiếu số liệu, cũng như việc quản lý, sử dụng con dấu cơ quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ công chức tại KBNN cấp huyện, tạo điều kiện và hướng dẫn công chức KBNN cấp huyện học tập, bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn.

Thứ năm, để hạn chế tắc nghẽn Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, công chức kiểm soát chi và công chức kế toán cần nâng cao tinh thần trách nhiệm khi sử dụng Hệ thống TABMIS, ra khỏi hệ thống ngay khi đã hoàn thành công việc nhằm giảm tải hệ thống TABMIS.

Thứ sáu, thực hiện công khai quy trình, hồ sơ, thời gian thực hiện kiểm soát chi tại trụ sở KBNN để khách hàng biết, thực hiện theo đúng quy định.

Theo số liệu sơ bộ của KBNN các tỉnh, thành phố, từ ngày ngày 2/10/2017 đến ngày 15/10/2017, tổng số bộ hồ sơ KBNN các tỉnh tiếp nhận là 662.064 bộ; trong đó 659.341 bộ đã giải quyết với tổng số tiền đã thanh toán là 67.737.400 triệu đồng và 2.723 bộ hồ sơ đã được tiếp nhận giải quyết.