Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý giá cả, ổn định thị trường

N. Phan

(Tài chính) Triển khai Quyết định số 128/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ ký ngày 17/01/2013 về Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, ngành Tài chính đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về tài chính – ngân sách nhà nước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Triển khai Quyết định số 128/QĐ-BTC do Bộ trưởng Vương Đình Huệ ký ngày 17/01/2013, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát. Nguồn: Internet
Triển khai Quyết định số 128/QĐ-BTC do Bộ trưởng Vương Đình Huệ ký ngày 17/01/2013, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát. Nguồn: Internet
Một trong những kết quả quan trọng đạt được những tháng đầu năm 2013 là Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát. Đây là động thái nhất quán tiếp nối thành công của công tác điều hành giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết liệt xây dựng và chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối năm 2011 và suốt hành trình năm 2012.

Trong những tháng đầu năm 2013, diễn biến giá cả thị trường tương đối ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp; so với tháng 12/2012 tăng 2,39% và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Lạm phát được kiềm chế cho phép cộng đồng DN và nhân dân có lòng tin hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012 và khả thi hơn.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hoặc trực tiếp ban hành các cơ chế, chính sách quản lý giá chung cũng như theo dõi tình hình triển khai công tác giá của các tỉnh, thành phố nhằm tổng hợp và đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình, góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá xăng, dầu theo diễn biến của giá xăng, dầu thế giới, đã xử lý, kết hợp hài hòa giữa thuế nhập khẩu và quĩ Bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Giá than, giá điện, giá nước sạch được giữ ổn định phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Đối với giá xăng dầu, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2013, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng, dầu.

Đến ngày 28/3/2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi, Quỹ BOG xăng dầu của các DN kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt  Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.

Sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện ngừng sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; khôi phục lợi nhuận định mức (300 đồng/lít, kg), tăng giá bán đối với các mặt hàng, xăng dầu tối đa bằng phần chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu.

Trong tháng 4, giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh giảm 3 lần, với mức giảm giá đạt hơn 1.200 đồng/lít xăng. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu mới đây nhất vào ngày 26/4/2013, Bộ Tài chính đã quyết định tăng 2% thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu, đưa thuế nhập khẩu xăng lên 16%, dầu diezel lên 12%, dầu hỏa lên 14%, dầu mazut  lên 14%.

Thực tế cho thấy, xăng, dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược đối với sản xuất, tiêu dùng, do vậy việc điều hành giá xăng dầu đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới nền kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngành Tài chính luôn ý thức được vấn đề này và đã đảm bảo điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước.

Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước thời gian qua đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hoà lợi ích giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng.

Đồng thời, việc công bố thông tin luôn đảm bảo công khai, kịp thời và minh bạch. Đơn cử là trong  những lần tăng giá, Bộ Tài chính đều thực hiện họp báo hoặc giải đáp đầy đủ các câu hỏi của phóng viên báo chí, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết phải điều chỉnh giá, nguyên tắc điều hành và mức giá điều chỉnh….

Công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá đối với một số mặt hàng quan trọng khác cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ và chủ động. Theo đó, giá điện, giá than bán cho sản xuất điện, giá nước sạch, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…được giữ ổn định giá trong 3 tháng đầu năm; tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí)… tại một số địa phương theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với giá sữa, trước tình hình một số DN tăng giá sữa, ngày 12/3/2013 Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3181/BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh thành phố tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về giá; chỉ đạo không tăng giá khi các yếu tố hình thành giá không thay đổi; đồng thời có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và kiểm tra.

Thành công của công tác điều hành, quản lý giá của ngành Tài chính trong năm 2011, 2012 đang được toàn Ngành tiếp tục thực hiện nhất quán và nỗ lực phát huy trong những tháng đầu năm 2013. Nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá những tháng tiếp theo của năm 2013 còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với nền tảng cơ bản đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính xây dựng trong những năm qua, tin tưởng rằng công tác giá sẽ tiếp tục ghi điểm sáng mới. Và nỗ lực xây dựng cơ chế điều hành minh bạch, công khai, nhất quán sẽ tạo nền tảng cho thành công cho công tác điều hành giá cho cả những năm tiếp theo…

Nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá những tháng tiếp theo của năm 2013 còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với nền tảng cơ bản đã được xây dựng trong những năm qua, tin tưởng rằng công tác giá sẽ tiếp tục ghi điểm sáng mới. Và nỗ lực xây dựng cơ chế điều hành minh bạch, công khai, nhất quán sẽ tạo nền tảng cho thành công cho công tác điều hành giá cho cả những năm tiếp theo…