TP Hồ Chí Minh: Thách thức lớn trong việc đảm bảo thu ngân sách

Nguyễn Huyền

(Tài chính) Để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm, cơ quan này phải tập trung nguồn thu từ các doanh nghiệp (DN) có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, khai thác triệt để nguồn thu từ thuế đất, kiểm tra truy thu nợ đọng thuế…

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các nhóm giải pháp để tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm. Nguồn: gdt.gov.vn
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện các nhóm giải pháp để tăng thu ngân sách trong những tháng cuối năm. Nguồn: gdt.gov.vn

Chỉ tiêu trung ương giao quá cao

Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, trong 8 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố ước đạt hơn 150.621 tỷ đồng, chiếm 63,2% dự toán năm và tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Trong đó: Thu nội địa đạt hơn 77.000 tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ; Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt gần 51.000 tỷ đồng, bằng 63,5% dự toán, tăng 19,2%; Thu từ dầu thô gần 21.000 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, giảm 6,8%.

Tuy nhiên, dự ước tổng thu ngân sách nhà nước ở Thành phố năm 2013 đạt 216.950 tỉ đồng, tương đương 91,61% dự toán, nghĩa là hụt gần 20.000 tỉ đồng so với kế hoạch.

Trả lời ý kiến về việc thu ngân sách chung của Thành phố không đạt kế hoạch, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh giải thích là do kế hoạch thu của Trung ương giao cho Thành phố năm 2013 cao trong khi tình hình kinh tế khó khăn.

Cụ thể, ngân sách thu trên địa bàn năm 2013 giao tăng 21% (1% ở Thành phố tương đương số thu khoảng 1.500 tỉ đồng), trong đó riêng thu thuế nội địa (không tính tiền sử dụng đất) tăng hơn 29% so với thực hiện năm 2012, còn thu từ khu vực kinh tế giao tăng 33%.

Theo số liệu thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh, năm 2010 địa phương này thu đạt 93,82% kế hoạch nhưng tăng 30,56% so với số thu năm 2009; năm 2011 tương ứng đạt 91,85% và tăng 11,48%; năm 2012 là 79,36% và 5,56%. Thế nhưng, đến năm 2013 địa phương đã nhận mức dự toán tăng 32,39% so với thực hiện của năm 2012.

Tuy vậy, tất cả nguồn thu 2013 (đến hiện nay) đều vượt kế hoạch so với thực hiện năm 2012, đặc biệt thu từ khu vực kinh tế dù tình hình khó khăn nhưng ước thu tăng hơn 10% so với thực hiện 2012.

Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 389.377 tỷ đồng, tăng 12,2%; chỉ số giá trên địa bàn tăng 2,98% so với cùng kỳ và so với tháng 12/2012 chỉ số giá tăng 1,26%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 17,8 tỷ USD; tổng vốn huy động trên địa bàn đến đầu tháng 8 đạt 1.053.510 tỷ đồng, tăng 10,3%, trong đó dư nợ tín dụng đến đầu tháng 8 đạt 896.693 tỷ đồng, tăng 17,8%; lượng khách quốc tế đến Thành phố trong 8 tháng đầu năm ước đạt 2.443.800 lượt, tăng 1,4% và đạt 60% kế hoạch năm 2013, đem lại doanh thu 55.712 tỷ đồng tăng 17,8%.

Tập trung kiểm soát các nguồn thu

Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2013, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng, trung bình phải thu ngân sách đạt khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày.

Trong những tháng cuối năm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ khai thác triệt để nguồn thu từ thuế đất, đặc biệt tăng cường kiểm tra truy thu nợ đọng thuế để tăng thu cho ngân sách.
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng cuối năm, Cục sẽ tăng cường thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: Tăng cường quản lý thu ngân sách, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; rà soát lại kết quả thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2013; Tập trung nguồn thu từ các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, rà soát nguồn thu từ các lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh đó, khai thác triệt để nguồn thu từ thuế đất, đặc biệt tăng cường kiểm tra truy thu nợ đọng thuế để tăng thu cho ngân sách. Tăng cường nguồn thu từ sản xuất hàng hóa, cũng không để sót nguồn thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ như vận tải, nhà hàng, khách sạn, du lịch, bất động sản, kinh doanh bia rượu…

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, tăng thu từ các doanh nghiệp sản xuất gia công, xuất khẩu có dấu hiệu chuyển giá.

Ngoài ra, cán bộ của ngành cũng sẽ tập trung hơn kiểm soát nguồn thu từ hoạt động kinh doanh mặt hàng nông - lâm - thủy sản, các trung tâm thương mại, siêu thị có hoạt động cho thuê mặt bằng, quầy kinh doanh, các ngành lĩnh vực có khả năng khai thác nguồn thu cao như dược phẩm, dịch vụ du lịch, dịch vụ quảng cáo trên truyền hình, kinh doanh vàng bạc, bất động sản, điện lực, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản, kinh doanh trực tuyến, trò chơi điện tử, thiết bị y tế, bệnh viện, trường học…