Tổng cục DTNN:

Xây dựng nhiều điểm kho quy mô lớn, hiện đại

Hồng Sâm

Giải được bài toán về công tác đầu tư xây dựng là một trong những thành công của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) trong gần 10 năm qua. Từ thành công này, ngành DTNN đã được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư xây dựng đề hoàn thành quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTNN...

Lãnh đạo Tổng cục DTNN thị sát công trình đầu tư xây dựng cơ bản của ngành DTNN.
Lãnh đạo Tổng cục DTNN thị sát công trình đầu tư xây dựng cơ bản của ngành DTNN.

Đột phá trong công tác đầu tư xây dựng

Ông Trần Huy Hiệu, Vụ trưởng Vụ Tài vụ quản trị, Tổng cục DTNN cho biết: Để sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của Nhà nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục DTNN là từng bước củng cố, hoàn thiện và xây dựng cơ sở vật chất cho ngành theo quy hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Xây dựng nhiều điểm kho quy mô lớn, hiện đại - Ảnh 1

Ông Trần Huy Hiệu - Vụ trưởng Vụ Tài vụ Quản trị - Tổng cục DTNN:

Nhờ sự quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch đến từng Cục DTNN khu vực, đến nay đã có trên 30 điểm kho được địa phương thỏa thuận cấp đất; 14 điểm kho đã hoàn thành công tác mở rộng, xin đất mới.

Theo quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTNN thuộc Tổng cục DTNN đến năm 2020, mạng lưới kho DTNN bao gồm tổng số trên 100 điểm kho; trong đó kho lương thực, vật tư cứu hộ cứu nạn với tích lượng 1, 3 triệu tấn kho và kho muối tích lượng trên 300 nghìn tấn/kho.

Các kho được đảm bảo bố trí theo vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đáp ứng định hướng chung đối với hệ thống kho DTNN thuộc Bộ Tài chính, đồng thời xây dựng những điểm kho mới tập trung, quy mô đủ lớn và đầu tư đồng bộ công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, ông Trần Huy Hiệu cho biết, Tổng cục DTNN đã triển khai đề án theo tình hình thực tế tại các đơn vị theo cách: Vừa kịp thời thông báo kết luận của lãnh đạo Tổng cục sau khi làm việc tại các đơn vị, vừa thông báo về quy hoạch chi tiết tới 22 Cục DTNN khu vực, để các đơn vị có căn cứ làm việc với địa phương về phương án mở rộng hoặc xin đất mới và thanh lý kho cũ theo đúng danh mục, địa điểm quy hoạch, lộ trình thực hiện được duyệt; đề xuất phương án huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo triển khai quy hoạch chi tiết kho.

Việc triển khai quy hoạch chi tiết hệ thống trụ sở làm việc của Tổng cục DTNN đến năm 2020, Tổng cục DTNN cũng định hướng đầu tư tập trung, dứt điểm, đảm bảo các tiêu chí cơ bản về diện tích làm việc theo quy định, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành DTNN, nâng cao cơ sở vật chất, phục vụ chuyên môn theo từng giai đoạn, phù hợp thực tế sử dụng.

Đây là những đột phá mãnh mẽ trên cả ba mặt: từ việc xin cấp đất theo quy hoạch, đến xây dựng hệ thống kho DTNN và hệ thống trụ sở Nhà văn phòng làm việc..

Quyết liệt triển khai

Chia sẻ với phóng viên về thành công này, ông Trần Huy Hiệu cho biết, nhờ sự quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch đến từng Cục DTNN khu vực, đến nay đã có trên 30 điểm kho được địa phương thỏa thuận cấp đất; 14 điểm kho đã hoàn thành công tác mở rộng, xin đất mới.

Trong đó, 7 điểm kho của các Chi cục DTNN như: Tuyên Quang 3,3 ha, Hà Giang 3ha (Cục DTNN Khu vực Hoàng Liên Sơn), Đồng Nai 3,3ha (Cục DTNN Khu vực TP. Hồ Chí Minh), Ngọc Lặc 5,5 ha (Cục DTNN Khu vực Thanh Hóa), Đăk Nông 4,5ha (Cục DTNN Khu vực Nam Tây Nguyên), Tây Ninh 3ha (Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ), Bắc Kan 3,3 ha (Cục DTNN Khu vực Bắc Thái) hoàn thành công tác xin đất mới. Hiện nay, các điểm kho Tuyên Quang, Đồng Nai, Ngọc Lặc đã được khởi công mới năm 2016, đang triển khai thi công và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2018.

7 điểm kho của các Chi cục DTNN như: Vũ Thư (Cục DTNNKV Thái Bình), Cẩm Thạch, Đức Lâm (Cục DTNN Khu vực Nghệ Tĩnh), Lạng Giang (Cục DTNN Khu vực Hà Bắc), Điện Bàn (Cục DTNN Khu vực Đà Nẵng), Ninh Thuận (Cục DTNN Khu vực Nam Trung Bộ), Dung Quất (Cục DTNN Khu vực Nghĩa Bình) hoàn thành công tác mở rộng đất. Đây được coi là thành công lớn của ngành khi biết rằng trong suốt nhiều năm qua, công tác xin cấp đất đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng luôn gặp khó khăn.

Cùng với việc xin cấp đất, hệ thống kho tàng cũng được khẩn trương đầu tư xây dựng, đảm bảo đáp ứng tốt các yêu cầu của thời kỳ mới. Từ 2010 đến nay, Tổng cục DTNN đã đầu tư hoàn thiện 14 dự án kho DTNN gồm: Trà Nóc, Buôn Ma Thuột, Mông Hóa, Đông Anh, Nghi Lộc, Thủy Nguyên, Đồng Tu, Bình Mỹ (giai đoạn 1), Bình Nghi, Ninh Đa, Hòa Khương, Long An, Tân Yên, Thạch Hà với tổng tích lượng khoảng 120.000 tấn. Hiện đang triển khai thi công 10 dự án chuyển tiếp: Kho DTNN Tân Hiệp, Yên Bái, Gia Lai, Bến Cát, Cẩm Thạch, Trương Xá, Tuyên Quang, Ngọc Lặc, Quảng Bình, Đồng Nai dự kiến hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2017 - 2018 với tổng tích lượng khoảng 40.000 tấn.

Hệ thống kho tàng được hoàn thành đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng đã khắc phục được khó khăn lớn nhất của ngành là thiếu kho tàng, hoặc kho tàng không đảm bảo sẽ ảnh hưởng lớn đến việc bảo quản hàng DTQG.

Công tác xây dựng nhà văn phòng làm việc cũng được Tổng cục tập trung chỉ đạo và đạt được thành tựu quan trọng, thông qua việc đầu tư và đưa vào sử dụng 4 dự án Nhà văn phòng Cục gồm: Cục DTNN Khu vực Nam Tây Nguyên (2.672m2); Cục DTNN Khu vực  Đông Bắc (4.362 m2); Cục DTNN Khu vực Nam Trung Bộ (2.628 m2); Cục DTNN Khu vực Bắc Tây Nguyên (2.356 m2).

Cũng trong thời gian này, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo các Tổng cục trong Bộ đã bố trí trụ sở làm việc cho 3/4 Cục DTNNKV mới được thành lập từ nguồn trụ sở do sắp xếp lại của các hệ thống tổ chức thuộc Bộ mà nếu chờ vốn đầu tư tập trung của NS thì sau 2020 mới bố trí được vốn.

Năm 2017, Tổng cục hoàn thành và đưa vào sử dụng 3 nhà văn phòng  Cục gồm: Nhà văn phòng Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình (2.409 m2); Nhà văn phòng Cục DTNN khu vực Bắc Thái (1.900 m2); Nhà văn phòng Cục DTNN khu vực Hà Bắc (3.525 m2) và hoàn thành 16 nhà điều hành chi cục tại 16 dự án kho dự trữ Trà Nóc, Buôn Ma Thuột, Mông Hóa, Đông Anh, Nghi Lộc, Thủy Nguyên, Đồng Tu, Bình Mỹ (giai đoạn 1), Bình Nghi, Ninh Đa, Hòa Khương, Long An, Tân Yên, Yên Bái, Gia Lai, Bến Cát; 01 nhà bảo quản tại kho dự trữ Tân Hiệp. Tổng cộng đưa vào sử dụng hơn 10.000 m2 sàn nhà điều hành Chi cục...

Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, Tổng cục đã huy động từ các nguồn vốn khác hỗ trợ công tác đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng thêm hơn 77.000 tấn kho chứa hàng hóa gồm 21 nhà kho: Điện Biên (2), Phú Tài, Kon Tum, Lâm Đồng, Phủ Đức, Cầu Mây, Hiệp Hòa, Phủ Đức, Trâm Vàng, Dĩ An, Yên Thanh, Yên Khánh, Quang Hanh, Vũ Thư, Mộc Châu, Sim, Đức Lâm, Phúc Yên, Cẩm Phúc, Dĩ An và hệ thống nhà điều hành chi cục đưa vào sử dụng được hơn 5.000 m2 sàn gồm 7 nhà điều hành chi cục: Điện Biên, Việt Trì, Lạng Giang, Đức Lâm, Cẩm Phúc và Dĩ An.

Có thể nói với sự giúp đỡ của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và chính quyền địa phương cùng sự năng động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo Tổng cục, các Cục DTNN khu vực và các cán bộ công chức trong ngành đã khắc phục được những khó khăn về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về thủ tục hành chính và nguồn vốn... để hoàn thành một khối lượng lớn công việc, góp phần nâng cao cả về số lượng và chất lượng cơ sở vật chất của Tổng cục, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.

Đây là một quyết tâm rất lớn của Tổng cục khi đã có nhiều đột phá để “khơi thông” “dòng chảy” đầy “gấp khúc” về đầu tư xây dựng cơ bản của ngành DTNN.