Thúc đẩy sáng kiến về kết nối Hải quan Á - Âu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Thái Hằng

Thực hiện nghĩa vụ thành viên trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), trong 2 ngày, từ 9-10/10/2019, Tổng cục Hải quan chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 (ASEM 13) tại Hạ Long, Quảng Ninh.

Toàn cảnh Họp báo chuyên đề thông tin trước thềm Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn ASEM tại Hà Nội, ngày 3/10/2019
Toàn cảnh Họp báo chuyên đề thông tin trước thềm Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn ASEM tại Hà Nội, ngày 3/10/2019

Nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trên diễn đàn hợp tác ASEM

Phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề thông tin về việc Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan Diễn đàn ASEM (ngày 3/10/2019), ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 là Hội nghị có quy mô lớn với 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới, Liên minh châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.

“Việc đăng cai Hội nghị ASEM 13 của Hải quan Việt Nam là một hoạt động cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trên diễn đàn hợp tác ASEM”, ông Mai Xuân Thành chia sẻ.

Theo ông Mai Xuân Thành, việc đăng cai Hội nghị ASEM 13 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam cũng như của Hải quan Việt Nam nhằm khẳng định sự hợp tác và tuân thủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan, củng cố lòng tin của các đối tác hải quan cũng như đối tác thương mại, nâng cao thương hiệu uy tín của hàng Việt Nam.

Vì vậy, Hải quan Việt Nam chủ động tham gia giải quyết các mối quan tâm chung, cũng như đề xuất định hướng hợp tác hải quan ASEM, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác từ các cơ quan Hải quan của các nước ASEM, đặc biệt là các nước đối tác châu Âu với ưu thế về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, thúc đẩy quan quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực với các đối tác châu Âu quan trọng.

8 vấn đề ưu tiên của kế hoạch hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết: Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt.  

Giai đoạn 2018-2019, hợp tác hải quan ASEM tập trung vào 4 ưu tiên. Các vấn đề này được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 năm 2017 tại Đức, bao gồm: (1) Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; (ii) Đấu tranh chống hàng giả và thực thi Quyền sở hữu trí tuệ; (iii) Bảo vệ xã hội và môi trường; (iv) Kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là 4 ưu tiên xuyên suốt hoạt động hợp tác hải quan ASEM kể từ năm 2009 đến nay. Do vậy, các nội dung chương trình nghị sự mà Hải quan Việt Nam xây dựng cho ASEM 13 sẽ xoay quanh các trọng tâm ưu tiên xuyên suốt của hợp tác hải quan ASEM trong một thập kỷ vừa qua và cụ thể hơn, hội nghị này sẽ xây dựng và thông qua để triển khai thực hiện Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020 - 2021 thực chất hơn và hiệu quả hơn.

“Tại Hội nghị ASEM 13, Hải quan Việt Nam thể hiện tinh thần là nước chủ nhà đăng cai hội nghị, sẽ tham gia chủ động tích cực vào các chương trình hoạt động của ASEM. Hải quan Việt Nam mong muốn thúc đẩy thực hiện một số sáng kiến về kết nối hải quan Á - Âu, góp phần tăng cường tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ an ninh chuỗi cung ứng và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.

Dự kiến các chương trình trọng tâm mà Kế hoạch hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 chú trọng, bao gồm: (i) Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; (ii) Thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain); (iii) Kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao; (iv) Chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải; (v) Hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới; (vi) Kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin; (vii) Hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải; (viii) Quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.

Tuyên bố Hạ Long thể hiện cam kết của các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM về các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong tương lai cũng như Kế hoạch hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 với các chương trình hoạt động được chính thức thông qua tại Hội nghị này.

Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW, việc chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng hải quan ASEM khẳng định sự chủ động của Việt Nam trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác hải quan Á - Âu; góp phần tạo ra sự kết nối và hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, là việc thế giới đang phải đối mặt với các thách thức về gian lận thương mại, an ninh, chống khủng bố, vận chuyển trái phép hàng hóa nguy hại đến môi trường, xã hội với mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi, quy mô lớn...    

“Bên cạnh nhiệm vụ đạt được các thỏa thuận về nội dung ưu tiên trong kế hoạch hành động ASEM 2020-2021, Hải quan Việt Nam cũng sẽ chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, lễ tân, hậu cần để quảng bá văn hóa và đất nước Việt Nam đến bạn bè khu vực và quốc tế”, ông Mai Xuân Thành nhận định.