Hạn chế xây dựng nhà mới ở Khu phố cũ Hà Nội

Theo CafeLand

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội với tổng diện tích 507,88 ha. Đây có tính chất là khu vực hạn chế phát triển, gồm các khu vực bảo tồn, cải tạo, tái thiết đô thị.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, Khu phố cũ (gồm những khu vực ký hiệu A, B, C, D), có diện tích khoảng 507,88 ha (không bao gồm những Khu phố cổ, Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình phía Nam phố Hoàng Hoa Thám, Khu vực Hồ Gươm và phụ cận) với khoảng 150 tuyến phố và 215 ô phố. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Khu vực thuộc địa bàn quận Ba Đình (Khu A) bao gồm 58 ô phố, có diện tích khoảng 144 ha, chia làm 02 khu vực với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực liền kề Hoàng Thành Thăng Long và Khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tập trung nhiều cấu trúc, công trình di sản, cây xanh cần phải bảo tồn. Khu vực tiếp giáp Khu phố cổ và Hồ Trúc Bạch với hình thái quy hoạch chủ yếu là các nhà ống liền kề, tầng cao đặc trưng từ 4 đến 6 tầng;

Thứ hai, Khu vực thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm (Khu B) bao gồm 88 ô phố, có diện tích khoảng 200,81 ha, gồm nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo nên những ô phố với nhiều công trình, biệt thự di sản và cây xanh, khoảng trống cần phải được bảo tồn; những công trình dịch vụ, thương mại, khách sạn, văn phòng, các dãy nhà liền kề mặt phố cần phải được quản lý về trật tự xây dựng, kiểm soát về chức năng và phải được cải tạo, chỉnh trang để bảo đảm mỹ quan đô thị;

Thứ ba, Khu vực thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng (Khu C) bao gồm 65 ô phố, có diện tích khoảng 143,33 ha, chia làm 02 khu vực với một số đặc điểm chính như sau: Khu vực phía Tây gồm nhiều tuyến phố giao cắt liên tiếp tạo thành những ô phố với các khu nhà vườn, biệt thự, nhà phố cũ xây dựng chen cần phải được chỉnh trang. Khu vực phía Đông có nhiều chuỗi công viên và công trình di sản cần phải được bảo tồn;

Thứ tư, Khu vực thuộc địa bàn quận Tây Hồ (Khu D) bao gồm 04 ô phố, có diện tích khoảng 19,74 ha, gắn với cảnh quan bên bờ Nam Hồ Tây và một phần khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, có công trình di sản và cảnh quan tự nhiên phải được bảo tồn, mật độ xây dựng thấp.

Hạn chế xây dựng nhà mới ở Khu phố cũ Hà Nội - Ảnh 1
Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cũ Hà Nội

Bên cạnh 4 khu trên, Khu vực phụ cận (ký hiệu E) có quy mô khoảng 92,95 ha, là khu vực nằm bên ngoài phạm vi khu phố cũ nhưng vẫn được áp dụng quy chế quản lý kiến trúc như đối với Khu phố cũ. Khu vực phụ cận bao gồm những phân khu vực Văn Miếu - Hồ Văn và xung quanh (E.1), ô phố giới hạn từ phía Nam phố Nguyễn Thái Học tới Nguyễn Khuyến (E.2), khuôn viên ga Hà Nội (E.3), Công viên Thống Nhất (E.4) và những thửa đất mặt phố, những không gian mở, mặt nước, vườn cây nằm bên ngoài phạm vi khu vực Khu phố cũ và tiếp giáp những đường phố giới hạn Khu phố cũ và tuyến phố Nguyễn Thái Học từ Tôn Đức Thắng tới ngõ Thanh Báo.

Các lô đất có tầng cao xây dựng đặc trưng là từ 4-6 tầng (16-22m), một số lô đất lớn thì có thể xem xét cho cao tới 8 tầng (29m); Mật độ dân số khoảng 230 người/ha; Mật độ xây dựng ở các ô phố không quá 70%.

Đặc biệt, Khu phố cũ ưu tiên phát triển những công trình văn hóa, văn phòng làm việc cao cấp, dịch vụ du lịch, các ngân hàng, chứng khoán, tài chính và các chức năng công cộng, cây xanh, dịch vụ.

Đây là khu vực hạn chế xây dựng thêm các công trình nhà ở, trừ trường hợp chỉnh trang, cải tạo hoặc xây dựng lại nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư tại chỗ hoặc trường hợp xử lý nhà nguy hiếm đang có nguy cơ sập đố; Không xây dựng xen cấy công trình cao tầng mới; Hạn chế tối đa xây dựng mới công trình nhà ở cao tầng làm gia tăng quy mô dân số Khu phố cũ.

Khu phố cũ có phía Nam giáp đường Đại cồ Việt, phố Lò Đúc, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ; phía Bắc giáp bờ Nam Hồ Tây - đường Ven Hồ, Thanh Niên; phía Tây giáp dốc La Pho, các phố Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương, Trần Phú; phía Đông giáp đường Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Yên Phụ, Trần Quang Khải.