Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) - Luận cứ khoa học và thực tiễn

Thành Trung

(Tài chính) Sáng ngày 18/12/2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Dự án "Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam”, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) - Luận cứ khoa học và thực tiễn”.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm. Nguồn: Thành Trung
Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi Tọa đàm. Nguồn: Thành Trung

Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương và PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đồng chủ tọa buổi tọa đàm. Đây là sự kiện lớn, thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu, gồm: Đại diện các vụ, đơn vị của Ban Kinh tế Trung ương, đại diện một số ban ngành của TP. Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia đến từ các cơ quan quản lý của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh, các viện nghiên cứu, trường Đại học và các chuyên gia kinh tế độc lập.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương  nêu rõ: Cuộc Tọa đàm “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm  (2016-2020) - Luận cứ khoa học và thực tiễn” có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp thêm những luận cứ để xây dựng bản Báo cáo sát với tình hình thực tiễn đất nước, góp phần thiết thực vào việc xây dựng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”. Theo đồng chí, trong gần 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả hết sức quan trọng. Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, quy mô và tiềm lực được nâng lên rõ rệt; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được kết quả bước đầu. Mặc dù vậy, song song với những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều mặt khó khăn, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra giải pháp khắc phục.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với  nhiệm kỳ 2011-2015, chúng ta đã được 4/5 đoạn đường, khả năng chúng ta chỉ đạt tăng trưởng được 5,8%. Lần này, với tinh thần khoa học và trí tuệ, chúng tôi rất mong có những đề xuất, hiến kế cho kế hoạch chính sách để dạt dược chỉ tiêu tăng trưởng 6,5-7% cho kế hoạch 2016-2020. Chúng ta phải nhìn nhận thực tiễn có những điểm nghẽn nào để có kiến nghị chính sách cho thời gian tới. Chúng ta cần những vấn đề khoa học có tính thực tiễn để làm rõ chủ đề.

Phát biểu tham luận, GS.,TS. Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong tiến trình hội nhập nhanh với khu vực và thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, như quy mô sản xuất nhỏ mang tính manh mún, phân tán và tính phụ thuộc rất cao. Vì vậy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa bền vững, tăng trưởng thấp, người dân sống ở nông thôn nghèo, đời sống chậm cải thiện.

Đồng tính với ý kiến trên, GS.,TS. Hoàng Thị Chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất một số giải pháp đưa nông nghiệp phát triển một cách hiệu quả và bền vững là: làm lại quy hoạch, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tăng cường tình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao trình độ dân trí cho người lao động, tăng cường sự hội nhập vào nền nông nghiệp thế giới.

Tham gia ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nông nghiệp nông thôn nước ta đã có những bước tiến quan trọng, theo đánh giá sơ kết 5 năm là trụ đỡ của nền kinh tế. Năng suất, sản lượng các sản phẩm nông nghiệp đã đạt rất cao, nhưng quy mô nhỏ lẻ và chia cắt giữa các hộ sản xuất, với hợp tác xã (HTX), với doanh nghiệp, giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến, với thị trường. Giá tăng không đáng kể nhưng chi phí ngày càng tăng, làm đời sống người nông dân tuy có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Vấn đề quan trọng là đánh giá lại kinh tế hộ. Với kinh tế tập thể, trong 10 năm vừa rồi vẫn rất yếu kém. Về doanh nghiệp, chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh đó, các nông lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả. Vì vậy chúng ta phải tăng đầu tư để chuyển dịch lao động, tăng sức mạnh của kinh tế tập thể và doanh nghiệp, làm vững mạnh từ chế biến tới xuất khẩu. Chúng ta phải liên kết các hộ nông dân vào các HTX, với doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Trọng Bình, vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, lợi thế cạnh tranh nhất không phải là tài nguyên. Cần nghiên cứu để Việt Nam có một chi phí cạnh tranh nhất. Chúng ta phải tổ chức lại hệ thống thể chế, xác định vai trò của Nhà nước, tư nhân và các hội nghề nghiệp.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Trưởng Ban Lê Vĩnh Tân chúc mừng thành công của buổi tọa đàm. Với tinh thần hợp tác, đồng chí mong hai cơ quan Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy trong nghiên cứu để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hiện nay, Ban cũng đang rất tích cực ký các quy chế phối hợp, liên kết với các cơ quan và có trên 1000 nhà khoa học công tác với Ban, đây là việc làm hết sức thiết thực. Đồng chí trân trọng cảm ơn trường và các thầy cô đã chuẩn bị chu đáo, để có những ý kiến sâu sắc, đi vào trọng tâm, đáp ứng được yêu cầu, tạo điều kiện cho việc tiếp tục nghiên cứu, trao đổi sau này.