Kho bạc Nhà nước chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao


Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống Kho bạc Nhà nước đã được triển khai theo đúng quy định với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2018, Kho bạc Nhà nước đã cử hơn 30 nghìn lượt công chức đi đào tạo, bồi dưỡng… phục vụ quá trình hội nhập và phát triển hệ thống.

Kho bạc Nhà nước tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Kho bạc Nhà nước tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Một số kết quả nổi bật

Công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011 - 2018 của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã được triển khai theo đúng quy định của Nhà nước và của Bộ Tài chính. Từ năm 2011 đến nay, KBNN tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo và tiêu chuẩn ngạch công chức; đào tạo chuyển đổi nhóm cán bộ có liên quan đến thay đổi nhiệm vụ.

Ngoài ra, KBNN còn tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (trên đại học) phục vụ quá trình hội nhập và phát triển, thực hiện nhiệm vụ hoạch định chính sách; đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu để triển khai thực hiện các chức năng nhiệm vụ mới như Tổng Kế toán nhà nước, quản lý ngân quỹ, thanh tra chuyên ngành theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020…

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011 - 2018, KBNN đã cử được 2.160 lượt công chức đi đào tạo đại học; 1.340 lượt công chức đi đào tạo sau đại học; 3.400 lượt công chức tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị; 5.200 lượt công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 2.490 lượt công chức tham gia bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý; 2.600 lượt công chức mới tuyển dụng tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kho bạc; 1.700 lượt công chức tham gia bồi dưỡng ngoại ngữ; 15.600 lượt công chức tham gia bồi dưỡng tin học.

Cùng với đó, KBNN còn tổ chức đào tạo lại đối với trên 1.700 lượt công chức làm công tác thủ quỹ, kiểm ngân để chuyển sang làm nghiệp vụ khác khi triển khai thực hiện công tác kiện toàn tổ chức bộ máy mới.

Ngoài việc cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước, KBNN còn cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng và tham gia công tác khảo sát, nghiên cứu tại nước ngoài. Sau khóa học, nhiều công chức, viên chức đã vận dụng những kiến thức được học vào việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo phù hợp.

Công tác xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng được KBNN đặc biệt quan tâm. Theo đó, KBNN đã xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho công chức mới tuyển dụng, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng; đã chỉnh lý, sửa đổi và hoàn thiện nội dung chương trình cho phù hợp với từng giai đoạn. Điển hình năm 2018, KBNN đã xây dựng chương trình bồi dưỡng cập nhật theo vị trí việc làm đối với lãnh đạo KBNN cấp huyện nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo KBNN cấp huyện; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tiến trình cải cách hành chính.

Một số vấn đề đặt ra

Nhìn chung, công tác tổ chức, quản lý các lớp đào tạo, bồi dưỡng được KBNN thực hiện theo đúng chương trình, thời gian, đối tượng quy định và ngày càng chuyên nghiệp hơn. KBNN cũng đã thực hiện việc đổi mới, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực cũng như tăng cường cơ sở vật chất, tạo điều kiện nâng cao năng lực để triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng hệ thống KBNN trong giai đoạn tiếp theo…

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống KBNN hiện nay mới chủ yếu tập trung hoàn thiện về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, tiêu chuẩn ngạch công chức; việc cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ công chức hoạch định chính sách còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Hệ thống giáo trình, tài liệu tuy đã được KBNN chú trọng xây dựng nhưng vẫn còn thiếu; việc sửa đổi, bổ sung và cập nhật thông tin, chế độ chính sách, quy trình nghiệp vụ vào giáo trình, tại liệu giảng dạy hiện nay còn chậm. Hệ thống văn bản quy định chung về tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống KBNN chậm được sửa đổi và ban hành.

Công tác tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các trường, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc ngành Tài chính triển khai thực hiện còn có sự trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí khi tổ chức lớp, khó khăn cho việc cử công chức thuộc hệ thống KBNN tham gia, hiệu quả và chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với một số lớp học chưa cao.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu với số lượng rất ít, chủ yếu dựa vào giảng viên kiêm chức; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy, phương pháp sư phạm của đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức chưa mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp; đồng thời, giảng viên kiêm chức phải tập trung triển khai nhiều công việc chuyên môn, nên việc tham gia giảng dạy còn hạn chế.

Chưa kể, một bộ phận đội ngũ công chức, viên chức còn chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm trong việc nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý…