Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi 12 luật hiện hành

PV.

Tại phiên họp diễn ra vào ngày 18/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Lý giải sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật nêu quan điểm: Thực tiễn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.

Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội), phạm vi sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở, Luật Khoáng sản, Luật Điện ảnh, Luật Đấu thầu và Luật Quy hoạch đô thị.

Đa số ý kiến đều thống nhất là cần tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung sửa đổi liên quan đến 12 luật hiện hành là quá nhiều, nội dung sửa đổi của từng luật cũng khá lớn (tổng cộng liên quan đến 89 điều trong các luật hiện hành), trong đó có nhiều luật mới có hiệu lực thi hành.

Việc sửa đổi số lượng lớn các điều, trong khi dự thảo luật lại chưa làm rõ được tính cấp thiết của các nội dung sửa đổi; tính thống nhất trong nội tại các luật hiện hành sau khi sửa đổi; tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật hiện hành được sửa đổi với nhau và với toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh tế… Một số nội dung dự kiến sửa đổi gây mâu thuẫn, không thống nhất, đồng bộ trong nội tại của luật hiện hành và trong cả hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Một luật sửa cho nhiều luật, phải hết sức cân nhắc, phải đánh giá thật kỹ về tác động, bởi nếu không nó sẽ phá vỡ cấu trúc, logic của các đạo luật khác.

Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung và chỉ đưa ra các nội dung thực sự cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp và cần có sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; không đưa vào sửa đổi, bổ sung những nội dung chỉ nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh từ việc thi hành, áp dụng pháp luật… để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung mang tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục bổ sung hồ sơ, hoàn thiện thêm về nội dung của Luật, bởi đây là một luật nhưng sửa nhiều luật, nên cần phải hết sức cân nhắc.

“Làm một luật phải sửa nhiều luật thì phải hết sức cân nhắc, phải làm thật kỹ, phải đánh giá tác động, vì nó sẽ phá vỡ cấu trúc, logic của các đạo luật khác”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát thống nhất phạm vi sửa đổi, bao gồm các vấn đề cấp thiết gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp trong 3 luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.

Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 18 điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng. Trong đó, Luật Đầu tư sửa đổi 6 điều và danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 4); Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung 5 điều; Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 7 điều.

Trên quan điểm dự án Luật phải tiếp tục tạo dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh... trong ngày 18/10, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật; bố cục và phạm vi điều chỉnh của Luật; tính đồng bộ trong nội tại của Luật, cũng nhự sự đồng bộ và tương thích của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; đánh giá tác động của Luật khi được ban hành, hoặc những ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh nếu như Luật sửa đổi, bổ sung này không được ban hành...

Kết luận lại phiên thảo luận,  Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Quan điểm là luôn ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ phối hợp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đất nước, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu căn cứ vào Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thì quy trình về thủ tục, hồ sơ và chất lượng của dự án Luật cũng chưa được bảo đảm. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung, cũng như hồ sơ dự án Luật để Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.