Từ 10/7, thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ôtô đã chính thức giảm về 0%


Theo đó, bắt đầu từ 10/7, thuế suất thuế nhập khẩu một số nguyên, vật liệu linh kiện để sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã giảm về 0%.

Từ 10/7, thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ôtô đã chính thức giảm về 0%.
Từ 10/7, thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp ôtô đã chính thức giảm về 0%.

Ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, có quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2020.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 7b, Nghị định số 57 của Chính phủ, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô sẽ được áp dụng từ ngày 10/7. Như vậy, từ 10/7, thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ôtô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0%.

Sau khi lệ phí trước bạ chính thức giảm 50% từ ngày 28/6, ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục có cơ hội giảm giá bán, khi thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại linh kiện để lắp ráp ôtô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ chính thức giảm về mức 0%.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 57/2020 để được hưởng chính sách này, ngoài việc đáp ứng một số điều kiện về thủ tục, giấy tờ như: hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp; giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp… Các doanh nghiệp còn phải có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, để được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu linh kiện, đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí về sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu.

Cụ thể, theo quy định mới doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước phải đạt sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu lần lượt là 6.500 xe và 2.600 xe mỗi 6 tháng trong năm 2020, giảm 35% so với trước (10.000 và 4.000 xe) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19. Đối với các năm tiếp theo, doanh nghiệp có thể lựa chọn đăng ký theo tiêu chí sản lượng chung hoặc riêng cho mẫu xe và tiêu chí sản lượng quay về mức cũ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc miễn thuế nhập khẩu đối với một số, nguyên liệu, linh kiện lắp ráp ô tô mà trong nước chưa sản xuất được là một chính sách hợp lý của Chính phủ để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước nhất là sau giai đoạn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Doanh nghiệp đáp ứng các quy định nêu trên sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% trong kỳ xét ưu đãi thuế tối đa không quá 6 tháng.

Theo Nghị định số 57/2020, ngoài các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô, chính sách này cũng áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô. Loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thuộc hiện hưởng thuế nhập khẩu 0% phải đáp ứng các điều kiện tại Nghị định số 57/2020 và các quy định liên quan.

Đánh giá thông tin này, một số chủ đại lý phân phối ô tô tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cho rằng, việc giảm thuế linh kiện nhập khẩu về 0% sẽ giúp doanh nghiệp lắp ráp trong nước giảm chi phí, qua đó, giá ô tô nội địa có cơ hội sẽ hạ nhiệt.

Tuy vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng, ở thời điểm hiện tại thậm chí là trong vài tháng tới, khi thuế nhập khẩu một số nguyên vật liệu, linh kiện giảm về 0%, giá ô tô lắp ráp trong nước cũng khó có thể giảm ngay. Bởi các hãng xe lắp ráp trong nước đã có kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho cả năm. Trong đó, kế hoạch mua linh kiện nhập khẩu để sản xuất lắp ráp đã lên kế hoạch trước đó.