Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chính sách, pháp luật tài chính, ngân sách


Trong 2 ngày 29 – 30/7, tại Quảng Ninh, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm đổi mới chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách giữa Quốc hội 2 nước Việt Nam và Lào.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải và Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào Vilayvong Bouddakham đồng chủ trì Hội thảo.

Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam có Thứ trưởng Vũ Thị Mai đến dự và chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quá trình cải cách, hoàn thiện và nội dung của một số sắc thuế quan trọng trong hệ thống thu ngân sách nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chính sách, pháp luật tài chính, ngân sách

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước chuyển biến, phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi mạnh từ sản xuất nông nghiệp là chính sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ; từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN…

Sự ổn định của hệ thống chính trị đã giúp Việt Nam từ một nước nghèo, có nền sản xuất lạc hậu được xếp vào nhóm các nước đang phát triển và trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia thành viên của các tổ chức lớn trên thế giới; tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với rất nhiều tổ chức kinh tế thế giới và hầu hết các nước có quan hệ hợp tác.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải khẳng định, cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, nền tài chính công của Việt Nam đã có nhiều thay đổi, với hệ thống pháp luật, chính sách quản lý kinh tế, tài chính liên tục được đổi mới theo xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản đã đáp ứng được xu thế phát triển và hội nhập với khu vực và thế giới.

Các chính sách về quản lý thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước đã dần được tiếp cận với các chuẩn mực chung của các tổ chức quốc tế, góp phần tăng cường nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo được các nhiệm vụ chi tiêu của nền kinh tế; đồng thời vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chính sách, pháp luật tài chính, ngân sách - Ảnh 1

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam rất vui mừng được tổ chức hội thảo này để chia sẻ với Đoàn ĐBQH của Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào về những kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách thu ngân sách trong giai đoạn vừa qua

Đồng thời, cũng rất mong muốn nhận được ý kiến góp ý, chia sẻ thẳng thắn của các quý vị đại biểu về hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính, thuế, bảo hiểm, chứng khoán và kinh nghiệm trong việc kiểm toán, thẩm tra, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm."

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán của Quốc hội Lào Vilayvong Bouddakham bày tỏ vui mừng khi tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chính sách, pháp luật tài chính, ngân sách do Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam tổ chức. Đồng thời khẳng định, sự hợp tác giữa hai Ủy ban ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu, qua đó đóng góp vào sự hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội và hai nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán Vilayvong Bouddakham cho biết, tại hội thảo lần đầu tiên tổ chức ở Quảng Nam năm 2017 chia sẻ kinh nghiệm quản lý nợ công, Ủy ban Kế hoạch, tài chính và kiểm toán đã nhận được thông tin bổ ích và vận dụng trong quá trình xây dựng Luật Quản lý nợ công. Năm 2018, Quốc hội Lào đã ban hành Luật Quản lý nợ công, giúp quản lý nợ công ngày càng hiệu quả, bảo đảm khả năng trả nợ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hợp tác tài chính không ngừng được củng cố và phát triển

Liên quan đến lĩnh vực hợp tác trong công tác tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, hai nước Việt Nam - Lào có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và không ngừng được vun đắp, củng cố, phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Lĩnh vực tài chính ngân sách luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ hai nước, cùng với nhiều lĩnh vực hợp tác khác thì hợp tác trong lĩnh vực tài chính ngân sách hai nước luôn đạt nhiều kết quả hết sức tốt đẹp. Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tài chính cũng thường xuyên được triển khai và duy trì, tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội đàm giữa lãnh đạo cũng như các hoạt động giao lưu giữa cán bộ công chức, góp phần tăng cường mối quan hệ đặc biệt hai nước.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới giai đoạn vừa qua, lĩnh vực tài chính, ngân sách, đặc biệt là lĩnh vực thu ngân sách của Việt Nam đã có nhiều cải cách sâu, rộng để thích ứng với hoàn cảnh mới, nhờ vậy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, vừa hỗ trợ hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đảm bảo nền tài chính lành mạnh.

Việt Nam - Lào chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới chính sách, pháp luật tài chính, ngân sách - Ảnh 2

Việc triển khai hóa đơn điện tử là giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và chống thất thu thuế hiệu quả, tuy nhiên, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách về hóa đơn điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các thành phần doanh nghiệp phát triển, qua đó đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam."

Thứ trưởng Vũ Thị Mai.

Tuy vậy, trong xu thế vận động mới của thế giới cũng đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn, đòi hỏi lĩnh vực tài chính ngân sách, đặc biệt là hệ thống thu ngân sách của hai nước Việt Nam và Lào cần phải tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của xu hướng hội nhập và phát triển mới.

Về những nội dung cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Việt Nam đã bổ sung các quy định mới về thuế giá trị gia tăng phù hợp với các hoạt động kinh tế mới phát sinh; giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% từ năm 2016 để thúc đẩy tích lũy, tích tụ vốn.

Trong đó, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để khoan thư sức dân; nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng có hại cho sức khỏe và cần hạn chế tiêu dùng. 

Tháng 6/2019 vừa qua, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi), theo đó bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế một cách chặt chẽ, tăng cường quản lý thuế điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết trong việc chống chuyển giá, trốn thuế. 

"Thông qua Hội thảo lần này, hy vọng hai nước Việt Nam và Lào sẽ trao đổi và học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách về lĩnh vực thuế, cũng như kinh nghiệm trong công tác hành thu tại mỗi nước" - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Về kinh nghiệm quản lý nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện Việt Nam đang cố gắng giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách. Cơ quan thuế xác định phải phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có dòng tiền mới có nguồn thu thuế bền vững. Đối với những khoản nợ mới phát sinh, cơ quan thuế cần đôn đốc và thu hồi ngay.

Theo chương trình, các đại biểu dự hội thảo sẽ chia sẻ, thảo luận về các chuyên đề: Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam; Kinh nghiệm kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước; Quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động xây dựng pháp luật;  Kinh nghiệm thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm…