Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics

Theo Nguyễn Khoa/sggp.org.vn

Một trong những vấn đề được quan tâm, TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) cần xác định rõ sẽ là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ có chất lượng cao cho ngành logistics hay là trung tâm logistics. Khách quan, đây là vấn đề không dễ phân định rõ ràng bởi tại TPHCM có trung tâm vận tải đường biển và vận tải hàng không lớn nhất nước nhưng thành phố lại đang phải đối mặt với sự quá tải về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics.
Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực logistics.

Tuần qua, Sở Công thương TPHCM, Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam đã tổ chức hội thảo đầu kỳ “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong những vấn đề được quan tâm, TPHCM cần xác định rõ sẽ là trung tâm cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ có chất lượng cao cho ngành logistics hay là trung tâm logistics. Khách quan, đây là vấn đề không dễ phân định rõ ràng bởi tại TPHCM có trung tâm vận tải đường biển và vận tải hàng không lớn nhất nước nhưng thành phố lại đang phải đối mặt với sự quá tải về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã cho biết một số quan điểm về phát triển “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025.

Quá tải từ đường biển tới đường hàng không

PV: Thưa ông, TPHCM đang làm đề cương xây dựng thành trung tâm logistics. Theo đó, có 2 nội dung được bàn luận, một là thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động logistics; hai là thành trung tâm diễn ra hoạt động logistics. Thành phố nên chọn hướng nào?

Ông Hoàng Minh Trí.
Ông Hoàng Minh Trí.

Ông Hoàng Minh Trí: Theo tôi, thành phố nên hướng tới trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà của Vùng TPHCM - Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phát triển theo hướng này, TPHCM có lợi thế lớn là có rất nhiều trường đại học hàng đầu phía Nam đang hoạt động ở đây. TPHCM còn có các khu công nghệ cao, trung tâm phát triển khoa học - công nghệ.

Nơi đây còn là điểm đến giao lưu, hợp tác đào tạo của nhiều trường đại học hàng đầu quốc tế. Còn nếu theo hướng thứ hai “trung tâm diễn ra hoạt động logistics” như là đầu mối vận chuyển, xây dựng hệ thống kho bãi… sẽ cần một quỹ đất rất lớn để thực hiện cùng việc phải sử dụng số lượng lớn lao động cho ngành dịch vụ này. Hướng này không những làm cho tình trạng quá tải của thành phố thêm trầm trọng mà còn không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 về điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025.

Theo quyết định này, vị trí, vai trò và định hướng phát triển TPHCM trong mối quan hệ với các đô thị của Vùng TPHCM như sau: “Tại TPHCM, bố trí và hình thành các trung tâm tổng hợp và chuyên ngành về thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí, thể dục thể thao... của vùng; TPHCM phát triển công nghiệp sạch không gây ô nhiễm môi trường, có công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao và giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông...”.

Cảng ở TPHCM có thể được điều chỉnh quy mô cho phù hợp với thực tế.
Cảng ở TPHCM có thể được điều chỉnh quy mô cho phù hợp với thực tế.

TPHCM có 2 đầu mối giao thông lớn là sân bay Tân Sơn Nhất và cụm cảng biển Cát Lái. Về nguyên tắc, đây sẽ là những điều kiện rất tốt để hình thành các trung tâm logistics. Sao ông lại cho rằng, chỉ nên trở thành trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành logistics?

Đúng là TPHCM có 2 đầu mối giao thông lớn. Nhưng sân bay Tân Sơn Nhất hiện quá tải từ trên không, xuống mặt đất và hệ thống giao thông xung quanh. Do đó, việc tăng thêm lượng hàng hóa và hoạt động logistics sẽ càng thêm quá tải. Điều này vừa làm tăng chi phí vận chuyển, vừa tạo áp lực buộc TPHCM đầu tư thêm để giải quyết tình trạng quá tải. Cụm cảng biển Cát Lái cũng vậy, sẽ bất lợi như ở sân bay Tân Sơn Nhất, nếu tăng thêm lượng hàng hóa và hoạt động logistics.

Vì những lý do này, thành phố chỉ nên trở thành “trung tâm đào tạo nguồn nhân lực” cho cả Vùng TPHCM để cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động này ở cụm cảng Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu) và chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động logistics hàng không khi sân bay Long Thành được xây dựng.

Tăng nguồn thu bằng hoạt động kinh tế kỹ thuật cao

Có một thực tế khác, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của miền Tây Nam bộ, nếu muốn xuất bằng đường biển qua cụm cảng biển Cái Mép- Thị Vải đều phải vận chuyển qua TPHCM. Còn xuất bằng đường hàng không (trong tương lai) cũng phải qua thành phố để tới sân bay Long Thành… Chưa kể, TPHCM còn là trung tâm kinh tế, nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất khu vực. Xây dựng nơi đây trở thành trung tâm logistics cũng hợp lý?

Cần phải nhìn xa và trong tổng thể phát triển Vùng TPHCM. Như tôi đã nói ở trên, vị trí TPHCM trong Vùng TPHCM là trung tâm phát triển công nghệ cao, ít sử dụng lao động phổ thông. Ngoài ra cũng phải nhìn nhận theo hướng tích cực, khi hệ thống giao thông liên vùng được đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh với các đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Bến Lức-Long Thành-Dầu Giây,... các cầu vượt sông Sài Gòn, Đồng Nai,… xây dựng xong, thì lượng hàng hóa ở các tỉnh miền Tây Nam bộ có thể tới thẳng sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép-Thị Vải mà không phải qua TPHCM. Tới lúc đó, sẽ khó có hàng hóa đưa vào “trung tâm logistics” của TPHCM. Còn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của TPHCM, có thể dùng xe tải nhỏ vận chuyển hàng hóa vào.

Hiện nay, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất… chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn thu của thành phố. Nếu không xây dựng thành trung tâm logistics cũng như di dời cảng, sân bay trọng yếu đi,… kinh tế TPHCM còn gì? Lấy gì bù đắp?

Nếu tính đúng - đủ tất cả chi phí mà TPHCM bỏ ra hoặc chịu thiệt hại về mặt giao thông và môi trường cho việc đảm bảo hoạt động thông suốt của cụm cảng biển Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất sẽ là con số khổng lồ. Chỉ xây dựng một nút giao thông, như Mỹ Thủy, để giải quyết ùn tắc giao thông khu vực cảng Cát Lái đã tới hàng chục ngàn tỷ đồng hay xây một cầu vượt giải quyết tắc nghẽn giao thông sân bay Tân Sơn Nhất đã vài trăm tỷ đồng… Trừ hết chi phí, phần lợi nhuận thuần thu được, chắc chắn không cao. Chưa kể, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực tới thu hút đầu tư chất lượng cao vào thành phố.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển TPHCM cũng như Vùng TPHCM, sẽ không có chuyện chuyển hết các cụm cảng biển, sân bay ra khỏi TPHCM mà chỉ điều chỉnh quy mô cho phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Ngoài ra, việc phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế kỹ thuật cao, văn hóa,… với công nghệ hiện đại, hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông phù hợp với định hướng phát triển TPHCM trở thành đô thị thông minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chắc chắn sẽ giúp TPHCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của vùng và của cả nước.