8 dấu hiệu cho thấy bạn chưa sẵn sàng khởi nghiệp kinh doanh

Theo Hoài Thu/vneconomy.vn

Thiếu "máu" liều hay cần có lợi nhuận nhanh chóng là hai trong nhiều dấu hiệu cho thấy một người không nên khởi nghiệp kinh doanh riêng ...

Khoảng 70% startup không tồn tại vượt qua năm thứ 10. Nguồn: internet
Khoảng 70% startup không tồn tại vượt qua năm thứ 10. Nguồn: internet

Trong bối cảnh nhiều quốc gia tích cực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt trong giới trẻ, có một thực tế là không phải tất cả mọi người đều có tư duy của một doanh nhân và có những dấu hiệu rõ ràng để nhận biết khi nào không nên khởi nghiệp.

"Thành lập và phát triển một doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Việc này cũng rất rủi ro", Rani Langer-Croager, người đồng sáng lập của Uptima Business Bootcamp, chia sẻ với Business Insider. Langer-Croager đưa ra 8 dấu hiệu cho thấy một người chưa sẵn sàng để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh.

1. Thiếu "máu" liều

Theo hãng tư vấn tài chính cho doanh nghiệp nhỏ Fundera, khoảng 70% startup không tồn tại vượt qua năm thứ 10. Kể cả khi có sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời, một startup vẫn có thể gặp phải những rào cản ngoài dự kiến, từ cạn tiền cho tới mất động lực tăng trưởng.

Để giải quyết rủi ro này, "mỗi doanh nhân nên đưa vào dự tính riêng của mình" việc khi nào công ty có thể sinh lời và trả lương cho người sáng lập, theo Langer-Croager. Lịch trình dự tính này nên "gắn liền với tình hình tài chính của những người sáng lập".

Nói cách khác, doanh nhân khởi nghiệp nên tự tính toán về việc có thể cung cấp tài chính cho startup được bao lâu và hiểu rõ liệu startup có khả năng không thể sinh lời hay không. Langer-Croager cho rằng bằng cách đó, việc "quản lý rủi ro sẽ trở lên dễ dàng hơn đôi chút".

2. Có "tư duy khan hiếm"

"Những người có 'tư duy khan hiếm' thường nghĩ rằng không có đủ cơ hội hay nguồn lực cho họ", Langer-Croager nói. Điều này có thể dẫn đến cảm giác tuyệt vọng, khiến họ theo đuổi những con đường làm hại cho doanh nghiệp của mình, thay vì chờ đợi thời cơ tốt hơn. Theo Langer-Croager, đây là cạm bẫy kể cả với những chủ doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm khi công ty của họ rơi vào khủng hoảng.

3. Cần lợi nhuận nhanh chóng

Theo Small Business Trends, chỉ 40% startup thực sự có lợi nhuận và 82% công ty nhỏ thất bại do những vấn đề về dòng tiền. Langer-Croager cho biết một startup có thể mất nhiều năm để sinh đủ lợi nhuận để người sáng lập có thể tự trả lương cho mình.

"Nếu cố gắng kiếm tiền thật nhanh, bạn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực khi startup không phát triển theo đúng cách (để có thể sinh lời), Langer-Croager nói.

4. Không hiểu các số liệu kinh doanh

Một doanh nhân cần phải hiểu rõ được tình hình tài chính của startup của mình. Theo Langer-Croager, nếu một người không hiểu được các con số về tài chính, họ có thể bỏ qua những dấu hiệu quan trọng cho thấy cần phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

"Việc không hiểu được những vấn đề tài chính đó có thể dẫn đến các quyết định cảm tính thay vì sáng suốt", Langer-Croager cho biết. Điều này có thể dẫn đến thảm hoạ cho startup.

5. Không có kế hoạch kinh doanh

Theo một nghiên cứu từ Đại học Michigan, một kế hoạch kinh doanh tốt giúp tăng cơ hội tồn tại cho startup.

"Nếu đang chuẩn bị thành lập một công ty, bạn cần phải tiến hành nghiên cứu thị trường và xây dựng một kế hoạch kinh doanh", Langer-Croager nói. Kể cả khi đã thành lập công ty, vẫn chưa quá muộn để xây dựng một kế hoạch giúp mang lại "kim chỉ nam" để đạt được các mục tiêu và gắn chặt với sứ mệnh của mình.

6. Chưa thử nghiệm ý tưởng kinh doanh trên thị trường

Một khảo sát của CB Insights về những "thất bại của startup sau khi ra đời" cho thấy lý do hàng đầu khiến một startup "chết yểu" là sản phẩm không có thị trường.

"Bạn có thể mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để tạo ra một thứ gì đó không được thị trường chấp nhận", Langer-Croager nói. Vì vậy, một doanh nhân cần đảm bảo thực hiện nghiên cứu thị trường trước khi triển khai ý tưởng kinh doanh của mình. Điều này có nghĩa là phải làm bất cứ thứ gì từ khảo sát thị trường, thử marketing một vài sản phẩm mẫu cho tới tìm tư vấn từ chuyên gia uy tín về kinh nghiệm trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.

7. Không sẵn sàng ra ngoài tiếp thị ý tưởng của mình

Marketing được xem là một trong những nhiệm vụ ít được yêu thích nhất đối với những người sáng lập startup. Tuy nhiên, theo Langer-Croager, để khởi nghiệp kinh doanh thành công, một người cần phải sẵn sàng ra ngoài để tiếp thị bản thân và sản phẩm của mình. Nếu một người không thể vượt qua nỗi sợ hãi bị phán xét, doanh nghiệp của họ khó có khả năng thành công.

8. Khả năng tự thân vận động kém

Tự thân vận động là khả năng thành lập và điều hành một doanh nghiệp từ nguồn lực cá nhân hạn chế tới một thời điểm tăng trưởng khi mà cần có thêm nguồn lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, một khoản vay kinh doanh có thể khiến chủ startup phải nai lưng trả nợ trong nhiều năm nếu công ty thất bại. Câu hỏi đặt ra là họ có thể chấp nhận được rủi ro ở mức độ nào?