Chạy bộ địa hình cần chuẩn bị gì?

Theo Võ Anh/sgtiepthi.vn

Không giống như chạy trên đường nhựa và đường bê tông, người chạy bộ địa hình hay còn gọi là trail phải chạy ở những địa hình không bằng phẳng ngoài thiên nhiên, rừng núi… nên đòi hỏi phải trang bị kỹ từ giày cho đến trang thiết bị hỗ trợ.

Giày chạy địa hình

Chạy bộ địa hình cần chuẩn bị gì? - Ảnh 1
Giày chạy bộ của hãng Salomon.

Giày chạy là vật dụng cần thiết đầu tiên khi chạy địa hình. Đường chạy trail là những địa hình đa dạng, hình thái khác nhau: đất, đá, bùn ướt, suối, đèo, dốc…đòi hỏi người chạy có những đôi giày chuyên dụng khác nhau.

Bên cạnh đó, ba lần trọng lượng cơ thể sẽ dồn lên chân nên giày chạy phức tạp hơn giày đi bộ, và cách chạy mỗi người sẽ khác nhau ở cách đáp bàn chân nên những mẫu giày chạy cũng sẽ khác nhau.

Nhân viên tư vấn tại cửa hàng giày Salomon trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM cho biết, giày chạy trail là loại giày có đế gai để bám đường, có thiết kế chống va đập, đâm xuyên tương đối để bảo vệ chân khi va phải đá, sỏi… Chất liệu giày được làm từ vật liệu có cấu tạo giúp thoát nước nhanh nhất, tránh ẩm ướt trong giày.

Theo đó, một đôi giày thích hợp nên có trọng lượng nhẹ, thông thoáng, vừa vặn và êm ái, đồng thời có những thiết kế chuyên biệt hỗ trợ cho bàn chân trong quá trình chạy.

Để tư vấn giày chạy địa hình phù hợp cho người mua, nhân viên sẽ ghi nhận tầm vóc và tình trạng chân cơ của người chạy bao gồm chiều cao, cân nặng, chấn thương từ trước nếu có vì điều đó sẽ ảnh hưởng trọng tâm khi đổ dốc.

Có hai dòng giày chạy địa hình là dòng maximalist support với đế cao êm dầy và dòng minimalist có đế mỏng. Người mua sẽ lưu ý đến đặc điểm trên để lựa chọn giày chạy trail phù hợp với thói quen đáp mũi, đáp gót hay đáp giữa bàn chân khi chạy.

Nhân viên cửa hàng Salomon nhấn mạnh: “Quan trọng nhất để chọn giày chạy trail là dựa trên kinh nghiệm mà người chạy hoàn thành trong cự ly xa nhất là bao nhiêu km. Nếu khách hàng chưa bao giờ chạy trail thì đã từng đi trek, tức đi bộ dài ngày chưa. Vì người chưa từng chạy trail và chưa đi trek thì mẫu giày sẽ khác với người chưa từng chạy trail nhưng đã có đi trek rồi”.

Cũng tại cửa hàng này, có khá nhiều loại giày chạy địa hình khác nhau. Cụ thể, giày chuyên cho chạy hardground (địa hình đá nhiều hơn đất) kể đến là S-lab WingshayS-lab Sense. Hoặc XA Pro 3D có đặc điểm gai đế ngắn, to bè giúp tản lực trên đá cứng. Độ bảo vệ là tối đa, chính vì vậy trọng lượng giày khá nặng so với đa phần thể trọng của người Việt Nam.

Còn những loại như S-lab Wings SG, S-lab Sense SG hay dòng Speedcross (Speedcross Pro, Speedcross 4, Speedcross 3, Speedcross Vario) sẽ chuyên cho chạy softground, tức địa hình đất nhiều hơn đá, kể cảcát, đất khô tơi xốp, đất ướt nhão cho đến bùn sình lầy lội, tuyết, đá sỏi nhỏ…. Vì trọng lượng Speedcross khá nhẹ và kiểu dáng đẹp nên đây được giới thiệu là dòng giày bán chạy nhất của cửa hàng.

Với các dòng giày có gai đế multi-terrain dùng để chạy đa địa hình bao gồm dòng Enduro hay Wings Pro2, Sense Pro2, Sense Mantra3, khách hàng chỉ cần chọn mẫu giày maximalist hỗ trợ nhiều hay minimalist cho phù hợp cách đang tập luyện chạy hoặc tùy tình trạng cơ khớp của mình.

Ngoài ra, để lựa chọn một đôi giày chạy trail phù hợp, người mua cần lưu ý thói quen luyện tập. Thứ hai là trừ hao kích cỡ giày sao cho chuẩn và hợp lý theo từng cự ly chạy dài khi thi đấu và khi tập. Cuối cùng là cần luyện tập với đôi giày sẽ dùng trong thi đấu càng nhiều càng tốt để chân có thời gian quen dần với giày, từ đó có thể chinh phục được các cự ly thi đấu khá dài như 42km, 70km hay 100km.

Các dòng giày nàycó giá từ 3,1-4,8 triệu đồng/đôi. Bên cạnh đó còn có những mẫu giảm 40-50% như CityTrail có giá gốc chưa giảm là từ 2,6 triệu đồng/đôi.

Đèn đội đầu

Chạy bộ địa hình cần chuẩn bị gì? - Ảnh 2
Đèn pin đội đầu khi chạy bộ của hãng Led Lenser.

Đèn pin đeo trên trán hoặc đầu hay còn gọi là led headlamp thường sử dụng phổ biến trong các hoạt động ngoài trời, các môn thể thao mạo hiểm như dã ngoại, leo núi và chạy bộ địa hình.

Đối với chạy bộ địa hình với các cự ly dài trên 42km, khả năng người chạy sẽ về đích khi trời tối và đèn đội đầu là phụ kiện bắt buộc phải có trong hành trình. Theo ghi nhận, hiện nay có nhiều hãng sản xuất các loại đèn đeo đầu với nhiều chủng loại, mẫu mã và giá cả.

Nhân viên tư vấn của nhãn hàng Led Lenser cho biết đèn đội đầu dành cho chạy bộ địa hình có nhiều tiêu chí. Cụ thể, nếu cự ly hành trình chạy diễn ra nhiều giờ thì nên chọn đèn càng nhẹ càng tốt. Chạy trail, không nhất thiết phải chọn đèn có độ sáng quá cao, khoảng 70 lumen trở lên, hoặc có thể chọn đèn cảm ứng tự điều chỉnh độ sáng.

Để bảo toàn tầm nhìn vào ban đêm, người chạy nên sử dụng đèn có đèn LED đỏ với chế độ sáng nhấp nháy sẽ rất có ích khi cần phát đi tín hiệu. Đèn đội đầu có pin sạc lại được hoặc nên mua thêm cục pin dự trữ phòng khi hết pin.

Bên cạnh đó, người mua cần chú ý nơi diễn ra việc chạy bộ có thời tiết và địa hình ra sao để chuẩn bị một chiếc đèn pin có khả năng chống nước hay chống va đập.

Đèn pin đội đầu Led Lenser từ 90-300 lumen trở lên có các dòng bao gồm Led Lenser H3.2, Led Lenser Seo 5, Led Lenser Seo 3, Led Lenser H7R.2, Led Lenser Neo… Chúng có giá 490.000 đồng đến 2,4 triệu đồng/đèn. Những đèn từ 600-1000 lumen sẽ có giá cao hơn, từ 2,5 triệu – 3,6 triệu đồng/cái.

Đồng hồ GPS và thực phẩm hỗ trợ

Chạy bộ địa hình cần chuẩn bị gì? - Ảnh 3
Đồng hồ thông minh Samsung Gear Fit 2 Pro.

Đối với chạy địa hình, đồng hồ GPS đem lại sự tiện lợi hơn so với smartphone bởi sự gọn nhẹ, khả năng chống nước cũng như độ chính xác của thông tin ghi nhận. Đồng hồ thường bắt tín hiệu định vị vệ tinh GPS tốt và ổn định hơn so với điện thoại trong môi trường tín hiệu kém và điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

Thị trường đồng hồ GPS phục vụ cộng đồng người yêu chạy bộ phong phú với nhiều nhãn hiệu như Samsung Gear Fit 2 Pro, Garmin, Suunto, TomTom, Polar… Cụ thể, các dòng đồng hồ như  Garmin Forerunner 210 giá 140 đô la Mỹ/cái (khoảng 3,8 triệu đồng). Magellan Switch giá 90 đô la Mỹ/cái (khoảng 2 triệu đồng), TomTom Runner giá 100 đô la Mỹ/cái (khoảng 2,2 triệu đồng), Garmin Forerunner 15 giá 110 đô la Mỹ/cái (khoảng 2,4 triệu đồng)…

Chạy bộ địa hình rất cần các loại đồ ăn, thức uống giúp hấp thu năng lượng nhanh gọn. Những loại như thanh năng lượng, thanh hữu cơ, thực phẩm khô, thực phẩm dạng gel, thực phẩm dẻo và các loại đồ uống thể thao, đồ uống điện giải đều có chức năng nạp năng lượng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi, giúp cơ hoạt động tốt vào ngày hôm sau hoặc ngay sau khi sử dụng.

Bên cạnh đó, người chạy nên chuẩn bị còi cứu hộ phòng những tình huống không mong muốn, túi đeo gọn nhẹ để chứa nước uống và một số thực phẩm cần dùng.