Hòa mình vào thiên nhiên nơi “đảo hoang”

Theo Nhân Tâm/sgtiepthi.vn

Đến với bãi tắm hay các đảo hoang sơ ngoài vịnh Đà Nẵng, du khách sẽ có được cảm giác hòa mình vào thiên nhiên, thoải mái tắm biển, nằm trên bãi cát phơi nắng mà không sợ bị làm phiền.

Những cái tên như hòn Chảo, hòn Chuối, bãi Cát Vàng, bãi Sủng Cỏ, bãi Mà Đa… nằm ngoài biển khơi phía ngoài bán đảo Sơn Trà, gần mũi Hải Vân nhô ra biển là những địa danh khá xa lạ với nhiều người dân địa phương huống hồ là du khách. Sáng ngày cuối tuần, đoàn chúng tôi làm thủ tục biên phòng và thực hiện một chuyến khám phá các điểm còn hoang sơn này.

Tắm ở bãi Cát Vàng

Biển ở bãi Cát Vàng.
Biển ở bãi Cát Vàng.

Điểm đến đầu tiên là bãi Cát Vàng. Đúng với tên gọi của nó, bãi biển nơi đây toàn là cát vàng chứ không như các bãi biển thông thường ở Đà Nẵng có cát trắng và cát vàng. Tại đây, nước biển trong xanh và bãi cát hình lưỡi liềm đủ rộng, thích hợp cho những ai muốn tắm nắng rồi tắm biển. Tại bãi biển này chỉ có một đôi vợ chồng sinh sống. Vì vậy, nếu các nhóm đi dã ngoại, có thể mang đồ ăn theo và nhờ nấu ăn giùm.

Lặn ngắm san hô ở hòn Chuối

Đắm mình trong làn nước biển xanh ở hòn Chuối.
Đắm mình trong làn nước biển xanh ở hòn Chuối.

Điểm đến thứ hai là hòn Chuối. Hòn này có rạn san hô gần bờ phong phú nên chúng tôi được khuyến cáo neo đậu ca nô xa bờ và không được cố gắng vào bờ để tránh hủy hoại môi trường biển tự nhiên. Đã chuẩn bị từ trước, chủ ca nô đưa mỗi người một chiếc áo phao kèm kính lặn có gắn ống thở để có thể bơi và lặn ngắm những mảng san hô xanh, đỏ tuyệt đẹp. Có thể nói, chúng tôi như dừng ở biển khơi và lắng đọng cùng thiên nhiên đẹp và yên bình nơi đây. Hòn Chuối ẩn mình giữa hai bên là vách núi cao tạo nên cảm giác nguyên sơ, hoang dã cho bất kỳ ai tới đây.

Sủng Cỏ hoang sơ

Điểm dừng thứ ba trong cuộc hành trình của chúng tôi là bãi Sủng Cỏ nằm gần hòn Mà Đa và hòn Chải. Giống như bãi Cát Vàng, Sủng Cỏ được biết đến như một bãi biển ít dấu chân người. Vì lẽ đó, nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ và thanh bình.

Một góc bãi Sủng Cỏ.
Một góc bãi Sủng Cỏ.

Rộng hơn bãi Cát Vàng nên nơi đây cũng có nhiều thứ để khám phá hơn. Bờ biển dài chia làm hai phần. Một bên là bãi cát cùng biển xanh trong còn một bên là các bãi đá với nhiều hình thù khác nhau.

Trong khi chờ đôi vợ chồng sống tại đây nấu ăn trưa, chúng tôi chọn nhiều cách thư giãn khác nhau: tắm biển, chụp hình nơi bãi đá, khám phá hệ thực vật trên đồi hoặc đơn giản là nằm trên chiếc phản gỗ hoặc võng treo sẵn ở đây để ngắm nhìn mây trời và hưởng thụ những giây phút yên bình. Đôi vợ chồng này còn giúp chúng tôi câu cá hay câu mực trên thuyền để có những món hải sản tươi ngon cho bữa trưa.

Làm thế nào để đến đây?

Để khám phá những bãi tắm được xem là còn hoang sơ này, du khách có thể đến bằng phương tiện đường thủy và đường bộ.

Với đường thủy, bạn có thể đến cảng thủy nội địa sông Hàn, sử dụng dịch vụ ca nô hoặc tàu đánh bắt cá tại đây, có đăng ký với biên phòng (văn phòng đặt tại cảng). Mất 10 phút để đi từ cảng đến bãi Cát Vàng và 30 phút để đến bãi Sủng Cỏ, tính từ cảng thủy nội địa sông Hàn.

Với đường bộ thì phức tạp hơn và cần người rành đường hướng dẫn để khỏi bị lạc. Vì một số bãi tắm và hòn đảo như hòn Chuối, hòn Chảo, bải Sủng Cỏ nằm ngay mũi Hải Vân, giữa Huế và Đà Nẵng, nên bạn bắt đầu đi từ hướng đèo Hải Vân. Riêng bãi Cát Vàng nằm gần bán đảo Sơn Trà nên bạn có thể đi lên đoạn dốc lên bán đảo Sơn Trà khoảng 4 km nữa sẽ thấy tấm biển đường dẫn vào bãi Cát Vàng với đường đất đá.

Vì không có nhiều thời gian để ghé lại từng bãi tắm hay hòn đảo hoang sơ nơi đây, chúng tôi chỉ đi ngang qua một số nơi khác như hòn Chảo hay mũi Khem… Theo chủ tàu ca nô, hòn Chảo chỉ rộng chừng 1,5km nhưng có đầy đủ địa hình. Những bãi đá sát chồng lên nhau sừng sững giữa mây trời qua bao năm tháng.

Thật thú vị khi được đi những bước chân trần trên bãi đá, lặng yên nghe sóng vỗ rì rào dưới chân. Chưa hết, ở mực nước sâu chưa đầy 2m, qua kính lặn du khách có thể ngắm thỏa thích những rạn san hô. Ngoài ra, nếu đến địa điểm này vào đúng mùa hè sẽ thích thú hơn với một góc vàng rực của hoa điệp khoe sắc ngay trên đảo.

Chúng tôi quay về lại cầu cảng sông Hàn, trung tâm Đà Nẵng lúc 4 giờ chiều với một cảm giác khoan khoái lẫn chút gì đó tiếc nuối muốn đi thêm nhiều lần nữa.

Có thể thấy việc tổ chức du lịch bài bản đến những điểm mới này là cần thiết, giúp cho Đà Nẵng khai thác được sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, những tour du lịch như vậy nên là tour sinh thái, kết hợp với các biện pháp bảo vệ môi trường và hạn chế số lượng khách.

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư du lịch thủy nội địa đến các đảoĐà Nẵng vừa ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa, đầu tư tám điểm cầu tàu trên các tuyến sông. Trong đó, kêu gọi đầu tư xây dựng điểm đến bãi Cát Vàng, lắp ghép cầu phao di động để cập tàu, nâng cấp bổ sung các dịch vụ nhà hàng ăn uống, khu cắm trại, các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển, cầu tàu.

Tại bãi Sủng Cỏ, bãi Mà Đa, Đà Nẵng lên kế hoạch cho phép doanh nghiệp khai thác tạm thời phục vụ du khách để hình thành điểm đến, như dã ngoại, ăn uống, tắm biển, thể thao biển và đầu tư tuyến sông Hàn đi hòn Chảo.