Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội

Theo Thiên Lý/baophuyen.com.vn

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em... Chính vì vậy, để xóa bỏ BLGĐ, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội. Nguồn: internet
Bạo lực gia đình (BLGĐ) đang là vấn nạn của xã hội. Nguồn: internet

Thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lồng ghép tổ chức thành lập các câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững, Trợ giúp pháp lý… Qua hình thức lồng ghép sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, các CLB đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Mái ấm không có bạo lực

Ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), CLB Gia đình phát triển bền vững khu phố Phú Thọ 1 và Phú Thọ 3 được thành lập vào năm 2003, có 45 thành viên. Mặc dù lúc đầu, các thành viên CLB còn hạn chế về kiến thức pháp luật và các kỹ năng trong công tác gia đình, song với sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm tập thể, các thành viên CLB luôn chịu khó học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng chính trị, phổ biến kiến thức pháp luật, các buổi truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân và gia đình...

Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ nhiệm CLB Gia đình phát triển bền vững khu phố Phú Thọ 1 và Phú Thọ 3, cho biết: “Trong 2 năm qua, trên địa bàn xảy ra 2 vụ bạo hành phụ nữ. Sau khi tiếp nhận đơn, các thành viên trong CLB đã tổ chức họp, phân công nhiệm vụ. Trước hết, chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, các mối quan hệ bạn bè, gia đình bên chồng, bên vợ của đối tượng. Sau đó, xử lý thông tin và tìm giải pháp thích hợp để tiến hành các bước hòa giải.

Các thành viên CLB đã kịp thời gặp gỡ từng đối tượng và gia đình để trao đổi, chia sẻ, thuyết phục và hòa giải thành công. Sau bao sóng gió, bây giờ 2 gia đình sống hòa thuận, những lúc có xích mích trong gia đình, họ luôn được thành viên CLB kịp thời giúp đỡ”. Ngoài ra, các thành viên CLB còn tích cực phối hợp cùng với tổ hòa giải ở 2 khu phố, hòa giải thành công 27 vụ việc, có 25 trường hợp hướng dẫn lên cấp trên xem xét giải quyết.

Không chỉ riêng ở thị trấn Hòa Hiệp Trung mà còn rất nhiều phụ nữ khác khi cuộc sống hôn nhân gia đình gặp “sóng gió”, nhờ có các CLB góp phần hòa giải để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Chị Nguyễn Thị Nhị ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Ở phường, Ban chủ nhiệm CLB Trợ giúp pháp lý thường xuyên phổ biến những kiến thức cơ bản về xây dựng gia đình hạnh phúc; những kỹ năng làm vợ, làm mẹ, giáo dục con cái. Từ đó, nhiều chị em đã biết giữ lửa gia đình mình đầm ấm”.

Chị Phan Thị Mỹ Liên, Chủ nhiệm CLB Trợ giúp pháp lý phường Phú Thạnh, chia sẻ: “Hầu hết, các thành viên sau khi tham gia CLB đều nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình trong cuộc sống. Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bình đẳng giới dần đi vào cuộc sống của phụ nữ địa phương.

Ngoài thực hiện vai trò làm vợ làm mẹ, chị em biết tự bảo vệ mình, cùng giúp nhau xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành tốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Cần sự chung tay

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ (giai đoạn 2008-2018), toàn tỉnh có gần 3.000 vụ BLGĐ; trong đó đa phần nạn nhân là phụ nữ. Nhằm xóa bỏ BLGĐ, trong những năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình...

Các tầng lớp nhân dân đã có nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam được giữ gìn và phát huy; tỉ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng lên theo xu hướng bền vững; nhiều hộ gia đình tiêu biểu, là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm hòa thuận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Để công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình, vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân người phụ nữ cũng như phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc giữ lửa trong gia đình với truyền thống “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”...”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Chính quyền các cấp, tổ chức xã hội tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ...; nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả về phòng, chống BLGĐ; đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình văn hóa và phòng, chống BLGĐ; chú trọng tuyên truyền bằng các thông điệp như: “Xây dựng gia đình thành pháo đài ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực...”.