Tránh “bẫy” mua hàng trả góp

Theo thuonghieuvacongluan.com

(Tài chính) Nghe thoáng qua có vẻ “ngon ăn” nhưng thực ra, người tiêu dùng đang phải chịu nhiều thiệt thòi khi tham gia mua hàng điện máy, hàng tiêu dùng hay thậm chí cả nhà ở theo dạng trả góp. Ở đó, đa phần cách tính lãi và những điều khoản trong hợp đồng đều gây bất lợi cho người mua mà cụ thể là lãi suát cao, chất lượng hàng hóa khó kiểm định, nhiều khi dẫn tới tình trạng tiền mất tật mang.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bỗng dưng mang nợ

Với rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ, việc mua những món hàng trả góp như xe máy, tivi, máy giặt, laptop… khi chưa có đủ tiền bằng hình thức trả góp đang trở lên khá phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hình thức các công ty cho vay vốn liên kết với ngân hàng và của hàng điện máy bán trả góp cho người tiêu dùng, còn một hình thức mua bán trả góp khác nữa là do những công ty tư nhân nhỏ lẻ bán trả góp với giá định sẵn cho khách hàng. Tuy nhiên, dù mua theo cách nào thì thiệt thòi vẫn thuộc về người tiêu dùng.

Chị Trần Thi Liên, một nhân viên kế toán ở huyện Hóc Môn chia sẻ. Hồi trước Tết, do có nhu cầu mua một chiếc tủ lạnh và một chiếc tivi, tổng giá trị là 14 triệu đồng, nên chị đã đi làm thủ tục mua trả góp. Theo như tìm hiểu ở một tờ quản cáo về mua trả góp, lãi suất chỉ khoảng 3% nhưng thực tế, khi làm thủ tục mua hàng, nhân viên lại nói với chị là lãi suất 3% với những khách hàng trả trước 80% giá trị sản phẩm và số còn lại phải trả hết trong vòng… hai tháng.

Do điều kiện kinh tế không đáp ứng được yêu cầu này, chị chấp nhận chuyển qua gói thanh toán trong vòng 12 tháng. Khi ấy, lãi suất mua hàng sẽ là 4% và chị phải trả trước 20% tổng giá trị sản phẩm. Thế là, chị Liên đã trả trước 2,8 triệu đồng tiền mặt, còn lại 11,2 triệu, trả trong vòng 12 tháng, chị sẽ phải chịu số tiền lãi lên đến 48%. Như vậy, từ số tiền giá trị sản phẩm là 14 triệu, mua theo cách trả góp, chị Liên phải trả tổng cộng là 19,4 triệu đồng, cao hơn rất nhiều giá ban đầu.

Và theo tìm hiểu của chúng tôi, với những gói trả sau mà thời hạn càng lâu, thí dụ như 16 tháng, 18 tháng thì lãi suất có khi lên đến 100% năm, khiến nhiều khách hàng chỉ biết ngậm bồ hòm làm ngọt. Hơn thế nữa, cũng vì hình thức trả góp này, nhiều người thích mua sắm với những đồ dùng như xe máy, ti vi, máy giặt, tủ lạnh, đồ gia dụng… mà trị giá chừng vài chục triệu đồng, chỉ sau một thời gian ngắn bỗng dưng hóa thành con nợ, rơi vào cảnh lao đao.

Nhiều cách “bẫy” khách hàng

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường còn tồn tại một hình thức mua hàng trả góp, đó là dạng bán hàng với lãi suất …0%, rất hấp dẫn mà chủ đại lý đưa ra. Khi mua hàng theo hình thức này, khách hàng dù không chịu lãi suất nhưng giá trị mặt hàng sẽ bị đẩy lên cao hơn. Thí dụ, một chiếc ti vi 29 inch nhãn hiệu Toshiba trên thị trường có giá 4,2 triệu đồng thì giá của nó bị đẩy lên đến 5,5 hay thậm chí đến 6, hoặc 6,5 triệu đồng, tùy thuộc vào gói thời gian khách hàng chọn.

Đặc biệt hơn, kiểu mua bán này, khách hàng phải trả tiền theo từng… tuần. Mặt khác, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài giá cả bị đẩy lên cao do người tiêu dùng thiếu hiểu biết, tham khảo trước khi mua, chất lượng hàng hóa ở ngoại hình mua bán này cũng cực kỳ bấp bênh. Theo đó, đa phần những mặt hàng điện lạnh, điện tử, kỹ thuật số này đều là hàng trôi nổi, không có bảo hành hoặc hành linh kiện lắp ráp tay, kém chất lượng.

Theo chị Nguyễn Khánh Vân, một chuyên gia tư vấn khách hàng của ngân hàng eximbank chi nhánh quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) thì hiện nay lãi suất ngân hàng dành cho những người vay tiền thường không cố định, có thể dao động tùy theo khách hàng cũng như hồ sơ vay và lượng tiền vay. Tuy nhiên, lãi suất cũng luôn ở mức khoảng 15 % năm.

Vì thế, nếu khách hàng mua trả góp tức là đã vay qua một công ty tài chính khác, lãi suất chắc chắn sẽ bị đội lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, do điều kiện cho khách hàng vay để mua hàng tiêu dùng rất đơn giản, chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân và giấy phép lái xe, tất cả đều là giấy tờ photocopy nên tỷ lệ rủi ro cao hơn, buộc công ty cho vay phải đẩy lãi cao hơn nhằm bù lỗ vào những khoản thất thoát khác.

Nhìn chung, nếu đã mua bán trả góp, tất cả những rủi ro đều thuộc vè phía khách hàng bởi công ty cho vay có thể dùng đến hình thức phạt tiền, thu hồi sản phẩm nếu trả chậm hoặc cho phát sinh tình huống bất thường.