Việt Nam dẫn đầu xu hướng tiêu dùng thương hiệu lớn và lâu đời

Theo Nhật Minh/theleader.vn

Ngoài ưu tiên mua các sản phẩm có thương hiệu lâu đời, người tiêu dùng cũng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thay thế khi sản phẩm mong muốn không có sẵn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu xu hướng mua sản phẩm từ các thương hiệu đã đứng vững và lâu đời trên thị trường (established brands - những thương hiệu được chấp nhận rộng rãi vì đã tồn tại trong khoảng thời gian dài).

54% số người tiêu dùng được khảo sát tại Việt Nam cho biết ưu tiên và có xu hướng lựa chọn các sản phẩm từ những thương hiệu đã đứng vững trên thị trường, đặc biệt trong những tháng gần đây.

Con số trên cao hơn nhiều tỷ lệ của các quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia (45%), Thái Lan (43%) hay Singapore (40%), theo báo cáo mới đây từ Facebook và Bain & Company.

Phần trăm người tiêu dùng ưu tiên mua các thương hiệu đã đứng vững, lâu đời trên thị trường.
Phần trăm người tiêu dùng ưu tiên mua các thương hiệu đã đứng vững, lâu đời trên thị trường.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi thực tế rằng các thương hiệu lớn, lâu đời có niềm tin từ người tiêu dùng cũng như sở hữu chuỗi cung ứng mạnh, đảm bảo sản phẩm luôn có sẵn. 

Việc ưu tiên cho các thương hiệu phổ biến được phản ánh rõ nét hơn trong các siêu thị và đại siêu thị có tiếng. Đây là hai kênh được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn trong vài tháng qua khi dịch Covid-19 bùng phát bởi khả năng sản phẩm có sẵn, giá cả cũng như tần suất thanh toán ít hơn.

Facebook and Bain & Company trong báo cáo trước đây từng lưu ý các công ty tại Đông Nam Á có cơ hội lớn lấp đầy khoảng cách bán lẻ trực tuyến, chủ yếu trong những lĩnh vực như quần áo, phụ kiện, chăm sóc cá nhân với tốc độ tăng trưởng dự kiến khoảng 25 - 30% mỗi năm.

Sang quý II/2020, sự dịch chuyển sang mua hàng trực tuyến đã tăng tốc, chủ yếu đối với các nhu yếu phẩm. Những người dân bị buộc phải ở nhà nhiều hơn đã gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm thiết yếu trong thời gian ngắn, kể cả mua trực tuyến và mua tại cửa hàng.

Một xu hướng đáng chú ý khác của người tiêu dùng Đông Nam Á những tháng gần đây là việc khám phá các ứng dụng mới. Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc Tiki, cho biết tỷ lệ người tiêu dùng kỹ thuật số lần đầu tiên đã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua, chủ yếu được thúc đẩy bởi Chính phủ khi khuyến khích mọi người mua sắm trực tuyến.

Trên toàn khu vực, 85% số người được khảo sát cho biết đã thử các ứng dụng kỹ thuật số mới trong quý I năm nay nhưng mức độ khác nhau giữa các ứng dụng. Một số ứng dụng tăng trưởng cao về số lượng người dùng lần đầu và duy trì mức độ sử dụng bao gồm phương tiện truyền thông xã hội, phát trực tuyến video, ứng dụng nhắn tin, tiếp sau là thương mại điện tử, phân phối thực phẩm và nền tảng thanh toán điện tử.

Báo cáo từ Facebook và Bain & Company cũng lưu ý rằng dịch bệnh đã thúc đẩy sự tập trung cao hơn vào sức khỏe, an toàn cũng tác động môi trường của các sản phẩm. Tại Đông Nam Á, 73% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe trong tương lai, cao gần gấp đôi con số của Mỹ. Mức độ chênh lệch tương tự cũng diễn ra khi người tiêu dùng được hỏi về sự quan tâm đến tác động môi trường.

Tại các quốc gia như Philippines và Việt Nam, người tiêu dùng thậm chí ưu tiên sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hơn là mức tiện ích có được sau mỗi lần chi tiêu.